Thời gian qua hình ảnh nghệ sĩ đi diễn tỉnh bị ném chai, đồ ăn xuất hiện nhiều trên mạng. Ca sĩ Lưu Chí Vỹ không chỉ bị khán giả tạt nước, cầm gậy đánh mà còn bị bầu show dùng những lời lẽ nặng nề chỉ trích, xúc phạm. Hiện thực phũ phàng này phần nào cho thấy cuộc mưu sinh không chỉ có màu hồng và ánh hào quang của nghệ sĩ Việt.
Nguy hiểm, nghiệt ngã là thế nhưng đâu phải ai cũng có điều kiện để từ bỏ những show diễn hội chợ "ao làng". Đó là nơi mưu sinh cũng là nơi đầy hiểm nguy, cay đắng.
“Kiếp cầm ca, không được đứng trên sân khấu lớn thì sân khấu nhỏ cũng là niềm hạnh phúc của họ”, diễn viên Lý Hùng khẳng định.
Lưu Chí Vỹ bị khán giả ném đồ khi đi diễn trễ. |
Chèo ghe, bị điện giật khi diễn sân khấu tỉnh
Khi sân khấu ở TP.HCM ngày càng thu hẹp, số lượng đêm diễn giảm thì nghệ sĩ không còn cách nào khác phải chạy show đi diễn tỉnh. Bao năm qua thị trường tỉnh là mảnh đất quen thuộc dành cho những nghệ sĩ mới, chưa tìm được chỗ đứng hay người đã đi qua thời đình đám.
Nếm trải cảnh đau lòng, rơi nước mắt khi đi diễn tỉnh, nhiều nghệ sĩ khi tìm được chỗ đứng ở TP.HCM như Thủy Tiên quyết không trở lại với sân khấu 'chuồng gà'.
Một bầu show làm việc lâu năm trong ngành giải trí chia sẻ, chịu khó chạy show tỉnh nghệ sĩ sẽ có thu nhập khá, vài chục triệu/tháng. Mỗi tối, nghệ sĩ đắt show có thể chạy từ 3-4 điểm.
Tuy nhiên điểm diễn cách nhau hàng chục, thậm chí hàng trăm km. Không những thế, đường tới các sân khấu dã chiến đâu chỉ là đường trải nhựa bằng phẳng mà rất nhiều đường đồi núi, đất lầy lội.
Diễn viên Lý Hùng từng có thời gian 7 năm hát ở tỉnh khi phim "mì ăn liền bão hòa". Đối với anh đó là quãng thời gian đáng nhớ với nhiều ký ức đến giờ nghĩ lại, anh vẫn cảm giác sợ hãi.
“Quãng đường tới địa điểm hát xa xôi, thậm chí nguy hiểm. Giờ nghĩ lại, tôi vẫn không hiểu vì sao tôi lại làm được thế. Ví dụ, trong lần Tây Bắc diễn, trên đường về thì núi lở, xe tôi không đi được, tôi dành phải vào ở nhờ nhà dân. 3 ngày đó, tôi phải ăn mì tôm cầm chừng. Có lần diễn ở Năm Căn, Cà Mau, tôi và Lý Hương phải đi ghe vào điểm diễn. Ngồi trên chiếc ghe nhỏ, chạy trên sông liên tục trong 4h”.
Theo Lý Hùng, khi chạy show tỉnh là chấp nhận vô vàn khó khăn như sân khấu đơn sơ, âm thanh kém. Chưa kể trời mưa, sân khấu không có mái che nên cả ca sĩ và khán giả ướt như chuột lột. “Nhìn bà con đội mưa ngồi nghe mình hát, không lẽ mình từ chối. Tôi phải hát tiếp, về nhà thì ốm luôn”, anh nhớ lại.
Ngay cả Lý Hùng cũng từng gặp nhiều kỷ niệm cay đắng khi đi diễn tỉnh. Ảnh: VNN. |
Trong 7 năm chạy show từ bắc đến Nam, Lý Hùng phải đối diện với những tình huống éo le như bị điện giật vì sân khấu chập điện. Nhiều khán giả say xỉn, phấn khích lên sân khấu nhảy khi anh đang hát. “Lúc đó, tôi cũng lịch sự bắt tay và hát bình thường nhưng sau đó nhờ bảo vệ mời xuống”, nam diễn viên kể.
Theo Thu Trang, nghệ sĩ đi diễn tỉnh bị khán giả ném đá, chai lọ là chuyện "thường xảy như ở huyện". Trong thời gian đi tấu hài, "hoa hậu làng hài" chứng kiến đồng nghiệp bị khán giả ném đá ngay khi đang diễn.
Quá sợ hãi, cô đã nói chuyện với bầu show kết thúc hợp đồng trước giờ diễn. Nữ diễn viên hài cho rằng: "Nếu sự cố xảy ra, chúng tôi biết xoay sở thế nào khi quãng đường về Sài Gòn rất xa. Bảo vệ tính mạng của mình quan trọng nhất".
Trường Giang từng khiến dư luận xôn xao khi bỏ diễn vì khán giả ném chai trong một show diễn ở Tây Ninh nhưng trước đó nam diễn viên cũng đã lãnh hậu quả vì ý thức kém của khán giả tỉnh.
Một người bạn của danh hài tiết lộ: "Trong một show diễn, khán giả không mua vé, đứng ở ngoài xem đã ném đá lên sân khấu. Trường Giang đành phải rút lui, không biểu diễn".
Trường Giang đã tự bảo vệ mình bằng cách rút vào hậu trường khi gặp khán giả quá khích, ném đồ. |
Một bộ phận khán giả ý thức kém
Qua những sự kiện ca sĩ bị ném đá, chai lọ, đồ ăn... nói lên hành xử thiếu tế nhị, kém ý thức của một bộ phận khán giả ở tỉnh. Điều này vô hình chung khiến mọi người nhìn khán giả ở tỉnh với ánh mắt thiếu thiện cảm và định kiến.
Anh V.A - làm việc lâu năm trong giới giải trí cho biết: "Đa số khán giả tỉnh chất phác, dễ thương, yêu mến và cổ vũ nghệ sĩ nhiệt tình. Họ sẵn sàng đội mưa ngồi chờ nghệ sĩ nhưng bên cạnh đó là những thành phần vô ý thức. Những người ném chai lọ, gạch đá đa số là trẻ. Họ không mua vé vào xem hoặc không mua được vé thì phá đám, ném đá cho bõ ghét".
Câu hỏi đặt ra là nghệ sĩ phải làm thế nào bảo vệ mình trong các chuyến diễn tỉnh? Anh V.A khẳng định: "Không có cách gì bảo vệ được. Đi diễn tỉnh thì phải chấp nhận những mặt trái đó".
Theo anh, mỗi show chỉ có vài bảo vệ túc trực trên sân khấu. Lực lượng này quá mỏng so với hàng nghìn khán giả, chưa kể một nhóm đông đảo các thành phần "trẻ trâu" sẵn sàng ném bất cứ thứ gì mà để ý đến tâm trạng hay tính mạng của nghệ sĩ.
Anh cho rằng, gặp những tình huống nguy hiểm, nghệ sĩ không còn cách nào khác bảo vệ mình là bước vào trong cánh gà và rút lui.
Ai cũng biết những mặt trái cần phải đối diện khi đi diễn tỉnh nhưng có lẽ không nhiều người đoạn tuyệt với con đường này.
"Nghệ sĩ chưa nổi tiếng đi tỉnh vì mưu sinh. Đến khi nổi tiếng rồi đi để nhớ cái thời mình khổ. Lúc hết thời lại đi tỉnh để mưu sinh. Điều này như một vòng đời lẩn quẩn của những kiếp tằm nhả tơ" - Anh V.A nói.