90% người Mỹ sở hữu súng
Trung bình hàng năm, tại Mỹ, khoảng 100.000 người thương vong do súng. Ảnh: jhsph.edu |
Theo thống kê mới nhất của Small Arms Survey (SAS), một tổ chức Thụy Sĩ chuyên nghiên cứu và phân tích dòng chảy toàn cầu của các loại vũ khí, 90% người dân Mỹ đều có súng. Đây là tỷ lệ sở hữu súng cá nhân cao nhất trên thế giới, vượt xa nước đứng thứ hai là Serbia với 58,2 %.
Trung bình hàng năm, tại Mỹ, khoảng 100.000 người thương vong do súng. Đây cũng là quốc gia có tỷ lệ giết người liên quan tới loại vũ khí này cao nhất trên thế giới. 6 trong số 44 tổng thống Mỹ đã trở thành nạn nhân của các vụ ám sát bằng súng.
6 người chết và 3 người khác bị thương trong vụ xả súng kinh hoàng vừa xảy ra tại 3 địa điểm gần Philadelphia hôm 15/12. Đây là sự cố mới nhất trong hàng loạt thảm kịch liên quan tới súng trong năm 2014 tại Mỹ.
Bất chấp những lời kêu gọi sau mỗi vụ xả súng kinh hoàng, có vẻ như nước Mỹ vẫn không sẵn sàng chấm dứt tình trạng sa lầy kéo dài lâu nay quanh vấn đề toàn dân sở hữu súng. Thậm chí người dân còn đổ xô đi mua súng để phòng thân sau mỗi vụ thảm sát. Đối với họ, từ bỏ việc sử dụng loại vũ khí này là điều không dễ dàng.
"Văn hóa súng đạn"
Người dân Mỹ tự do chọn mua vũ khí tại một hội chợ súng. Ảnh: Wikipedia |
Các nhà lập pháp Mỹ coi việc sở hữu súng là quyền cơ bản của con người, chỉ sau quyền tự do ngôn luận. Hiến pháp Mỹ thông qua Luật sở hữu súng thuộc Luật về Quyền cá nhân vào năm 1791, cho phép người dân có thể mang chúng tới bất cứ đâu.
Ngày nay, quyền sở hữu súng vẫn luôn nhận sự đồng tình của một bộ phận lớn người dân Mỹ bởi họ coi đây là cách thể hiện quyền tự do dân chủ. Hơn một nửa số tiểu bang đã thông qua Luật sở hữu súng. Ở một số bang khác, người dân chỉ được dùng loại súng có tính sát thương thấp và phải giữ chúng tại nhà.
Với người Mỹ, ngoài lý do phòng vệ cá nhân, việc sở hữu súng còn gắn với "văn hóa súng đạn". Theo Wikipedia, cụm từ "văn hóa súng đạn" xuất hiện lần đầu tiên trong một bài báo năm 1970 của nhà sử học Richard Hofstadter. Năm 1995, nhà khoa học Robert Spitzer cho rằng, "văn hóa súng đạn" hình thành trên 3 yếu tố: sự gia tăng về số lượng vũ khí tại Mỹ theo thời gian, mối liên hệ giữa quyền sở hữu vũ khí cá nhân và lịch sử giải phóng dân tộc.
Nguồn gốc của "nền văn hóa" này xuất phát từ thời nội chiến (1861-1865) với khẩu hiệu nổi tiếng: "Abraham Lincoln giải phóng con người, nhưng Samuel Colt mới đem lại bình đẳng". Samuel Colt chính là người đầu tiên chế ra súng lục ổ xoay. Ông nổi tiếng đến mức người ta gọi tất cả súng ngắn là Colt.
"Văn hóa súng đạn" thể hiện rõ khi người ta có thể thấy loại vũ khí này được bày bán tại Mỹ như nhiều loại hàng hóa khác. Theo The Guardian, người mua chỉ cần có đủ các điều kiện về tuổi quy định, lý lịch trong sạch, không mắc bệnh tâm thần và được cảnh sát cho phép thì có thể mua súng và nhận giấy phép sở hữu chúng. Thậm chí, Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ (NRA) còn tổ chức triển lãm thường niên để người dân học cách ngắm bắn và mua những khẩu súng mà họ thích.
Chia rẽ sâu sắc
Tổng thống Barack Obama từng tuyên bố ủng hộ dự luật về cấm súng và các loại vụ khí chết người sau vụ xả súng kinh hoàng tại trường tiểu học Sandy Hook năm 2012. Ảnh: AFP |
Nếu năm 1990, khoảng 19 % dân Mỹ phản đối việc kiểm soát súng chặt chẽ hơn, hiện nay, khoảng 55% người Mỹ ủng hộ luật kiểm soát súng.
Trong khi đó, vấn đề ủng hộ hay phản đối kiểm soát súng trong Quốc hội Mỹ có sự phân hóa rõ rệt. Những người phản đối việc cấm súng chiếm đa số, gồm đảng Cộng hòa và NRA. Trong khi đó, đảng Dân chủ mang tư tưởng cấm các loại vũ khí sát thương cao. Vấn đề súng đạn luôn là câu chuyện nội chính gây chia rẽ sâu sắc trong chính quyền Mỹ.
Tổng thống Barack Obama từng tuyên bố sẽ ngăn chặn bạo lực súng đạn sau vụ sát thủ 20 tuổi xả súng bắn chết 27 người, gồm 20 trẻ em từ 6 đến 7 tuổi tại trường tiểu học Sandy Hook, bang Connecticut năm 2012.
Ông Obama cũng đã triển khai chiến dịch thuyết phục Quốc hội và người dân ủng hộ dự luật siết chặt các quy định về kinh doanh và sở hữu súng đạn. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ đã ngăn chặn dự luật này, chủ yếu do sức ép từ NRA với hơn 4,5 triệu thành viên và là một thế lực rất mạnh trong chính trường Mỹ.
Gần đây nhất, theo Reuters, 200 nhà lập pháp tới từ 50 tiểu bang của Mỹ đã thành lập một liên minh phi đảng phái nhằm chống nạn bạo lực súng, một phần vì Quốc hội đã thất bại trong việc cải cách luật sở hữu súng.
Tuy nhiên, những nỗ lực của Tổng thống Obama hay các nhà luật pháp liệu có đạt kết quả hay không khi đằng sau sự chia rẽ trong nội bộ Quốc hội Mỹ về vấn đề sở hữu súng cá nhân lại chính là "văn hóa" mà nhiều người dân nước này vẫn chưa thể dứt bỏ?