Tình trạng quá tải dẫn tới một số trung tâm từ chối tiếp nhận thêm người học, hoặc người học phải trả mức tiền gấp đôi để được “suất ngoại giao”.
Chị Nguyễn Thị Giang ở Mễ Trì, Hà Nội cho hay 2 tuần trước, tình cờ đọc báo thấy thông tin từ 1/5 tới phần thi lý thuyết sẽ tăng từ 450 lên 600 câu. Sợ khó, nên chị Giang quyết định tức tốc tìm chỗ học lái xe bằng B1.
Xếp hàng học lái
Theo giới thiệu của bạn bè, chị Giang đã gọi điện cho 3-4 thầy, nhưng bị từ chối vì lớp học đã quá đông. Cuối cùng, chị Giang tìm được một thầy dạy ở Hà Nội nhưng thi sát hạch ở Bắc Ninh, với danh nghĩa “suất ngoại giao”. Chị Giang phải trả học phí 10 triệu đồng, tăng gần gấp đôi thời điểm cuối năm 2019. Mức này chưa bao gồm phí thi, tiền lái thử xe.
“Biết lúc này đắt hơn, nhưng thôi học cho xong”, chị Giang nói. Hiện chị Giang mới học được một buổi, do buổi thứ 2 bị hủy vì thầy bận dạy người khác cũng thuộc “suất ngoại giao” như chị.
Tại một số trung tâm đào tạo lái xe ở Hà Nội thời điểm này, số người học lúc nào cũng “kín” sân. Sáng 2/3, tại sân tập lái Hà Đông (Hà Trì, Hà Đông, Hà Nội), 20 xe nối đuôi nhau “tập lái”, dù là ngày đầu tuần. Theo nhân viên ở đây, cuối tuần còn đông hơn.
Nhân viên tên Hưng cho biết ban đầu, nhân viên này từ chối nhận thêm học viên do các khóa đã hết suất. Nếu có học phải tháng 9-10 mới được thi (dù thời gian học tối thiểu là 4 tháng), học phí tăng từ 6-7 triệu đồng lên 10-11 triệu đồng cho bằng B2, và 12 triệu đồng cho bằng B1. Trên website quảng cáo về trung tâm này, mức học phí được đưa ra chỉ khoảng 5 triệu đồng cho khóa học B2. Khi thắc mắc, nhân viên cho biết, đó là giá cũ, không áp dụng nữa.
Trung tâm Dạy nghề lái xe cơ giới đường bộ Hà An (Cầu Giấy, Hà Nội) nêu mức học phí trên website chỉ 5,1 triệu đồng/học viên khóa học bằng lái B2, và 5,9 triệu đồng cho bằng B1 và 6,1 triệu đồng cho bằng C (lái xe tải và xe khách). Tuy nhiên, nhân viên Duy cho biết đây chỉ là mức giá cũ, giờ học phí các khóa đều tăng gấp đôi, thay đổi theo tuần nên chưa kịp cập nhật lên website. Với bằng C, hiện học phí 14 triệu đồng. “Tuần này nếu anh nộp hồ sơ còn được mức học phí đó, tuần sau chưa biết thế nào”, Duy nói.
Sân sa hình học lái xe ôtô tại Hà Trì, Hà Đông, Hà Nội lúc nào cũng kín xe, dù là ngày đầu tuần. |
Ðổ dồn đi học vì lời đồn
Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Văn Toản, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô cho rằng do thông tin đồn thổi về quy định mới và một số trung tâm đào tạo dừng hoạt động cuối năm 2019 nên mọi người đổ dồn đi học. Điều đó dẫn tới nhu cầu tăng đột biến, một số cò mồi lợi dụng trục lợi. Còn thông tin học phí có thể tăng lên tới 30 triệu đồng, theo ông Toản là không có cơ sở.
Theo thông tư 38/2019, việc học thực hành sẽ thực chất hơn, thay vì bị cắt giảm như trước, nên tiền nhiên liệu, hao mòn xe, tiền công giáo viên phải tăng, nhưng chỉ tăng lên 10-13 triệu đồng. Giờ học thực hành trong quy định mới giữ nguyên như trước đây, nhưng lâu nay các trung tâm cạnh tranh, nên có tình trạng cắt bớt giờ học để giảm học phí. Tuy nhiên, học phí mới có tăng cũng phải sau thời điểm 1/5. “Thời điểm này học phí tăng là do một số người lợi dụng tâm lý muốn học trước quy định mới để tăng giá”, ông Trần Văn Toản nói.
Ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT) cho biết từ ngày 1/5, các trung tâm đào tạo, sân sát hạch lái xe phải lắp thêm thiết bị chấm vân tay, camera và truyền dữ liệu về cơ quan nhà nước để giám sát thời gian học và thi.
Tuy nhiên, những thiết bị này đầu tư không đáng bao nhiêu, nên không phải vì tăng chi phí đầu tư mà tăng học phí. Còn quy định về học trên mô hình máy tính, phải tới cuối năm 2021, đầu năm 2022, khi có quy chuẩn mới được áp dụng.