Năm 2011, Ấn Độ nhập khẩu vàng nhiều hơn bất cứ nước nào trên thế giới – khoảng 1.000 tấn, tương đương 1/5 lượng cung toàn cầu. Dân Ấn Độ là những người tôn sùng vàng. Các cô dâu mới cưới được tặng nhiều vàng đến nỗi cổ của họ có thể “gẫy” vì đeo quá nhiều vàng. Người nông dân tiết kiệm tiền bằng cách mua những món đồ nữ trang bằng vàng. Nhiều người đeo những chiếc nhẫn to bản bằng vàng và các tỷ phú thường tặng vàng cho các ngôi đền coi như để tạ tội.
Đối với người Ấn Độ, vàng là một loại tiền tệ cổ xưa và được dùng để làm tài sản thế chấp khi đi vay tiền. |
Tại sao người Ấn Độ lại ưa chuộng vàng đến vậy?
Mặc dù truyền thống giúp lý giải phần nào tâm lý chuộng vàng của Ấn Độ, mua vào với khối lượng lớn là hiện tượng mới chỉ xuất hiện gần đây. Ấn Độ chỉ tiêu thụ 65 tấn vàng trong năm 1982. Cho tới năm 1990, nước này thực hiện cấm nhập khẩu vàng. Vàng được nhập lậu với giá cao hơn tới 50% so với bên ngoài. Người mua thường là những người nông dân nghèo khổ ở miền Nam Ấn Độ. Đối với họ, vàng là một loại tiền tệ cổ xưa và được dùng để làm tài sản thế chấp khi đi vay tiền.
Tuy nhiên, nhu cầu về vàng bùng nổ khi Ấn Độ bắt đầu thực hiện dỡ bỏ các luật lệ. Ngày nay, vàng được mua bởi những người giàu có, nhà đầu tư nghiêm túc và giới đầu cơ. Nếu như trong quá khứ các nhóm buôn lậu nhập khẩu vàng và tiệm cầm đồ nhận vàng thì giờ đây vàng được nhập khẩu hợp pháp thông qua các ngân hàng. Vàng cũng được sử dụng làm tài sản cầm cố thế chấp tại các tổ chức tài chính có giấy phép hoạt động.
Người mua vàng cũng có những lý lẽ của riêng mình. Trước tiên, họ không tin vào hệ thống tài chính chính thức. Chỉ 1/3 người dân Ấn Độ có tài khoản ngân hàng. Tỷ lệ lạm phát cũng cao hơn lãi suất cơ bản và lợi suất trái phiếu chính phủ. Hệ thống tài chính của Ấn Độ chỉ giúp các cơ quan nhà nước tiếp cận các khoản vay rẻ hơn trong khi người tiết kiệm phải chịu thiệt. Trong khi nhà đầu tư ngoại mua nhiều cổ phiếu Ấn Độ, nhà đầu tư trong nước luôn luôn bán ròng. Do đó, cũng là điều dễ hiểu khi nhà đầu tư không còn lựa chọn nào khác và phải chọn vàng. Đây là một tài sản không tồi, đặc biệt là khi giá vàng liên tục tăng từ năm 2002 đến 2011.
Lý do thứ hai giải thích tại sao vàng được ưa chuộng là tài sản này cho phép nhà đầu tư vượt qua nạn tham nhũng. Mở một tài khoản ngân hàng ở Ấn Độ có thể coi như “địa ngục” với nhiều thủ tục rắc rối. Trong khi đó, vàng dễ dàng được chấp nhận mà không cần văn bản.Vàng cũng là nơi cất trữ giá trị tốt mà không phải trả thuế. Một số người đã phải thừa nhận rằng thị trường vàng bùng nổ có liên quan mật thiết đến tham nhũng tràn lan trong suốt thập kỷ qua.
Cô dâu Ấn Độ đeo nhiều trang sức vàng trong ngày cưới. |
Vàng là "thảm họa"
Ở góc độ cá nhân, “cơn khát” vàng cũng có nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, có thể coi đây là “thảm họa” cho Ấn Độ. Nhập khẩu quá nhiều vàng ảnh hưởng tiêu cực đến cán cân thanh toán của Ấn Độ. Trong năm tài khóa tính đến tháng 3/2013, thâm hụt cán cân thanh toán của Ấn Độ lên tới 54 tỷ USD, tương đương 4,8% GDP. Một nửa trong số này đến từ vàng nhập khẩu.
Vàng cũng khiến người dân không gửi tiền tiết kiệm vào hệ thống tài chính chính thức. Mặc dù Ấn Độ có tỷ lệ tiết kiệm cao hơn so với các “con hổ” khác ở châu Á, một nửa số tiền tiết kiệm được đầu tư vào các tài sản vật chất. Tệ hơn là xu hướng này đang ngày càng phát triển.
Giải pháp ở đây là đảm bảo chắc chắn rằng người dân được tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ tài chính. Nâng lãi suất để thu hút người gửi tiền cũng là một ý tưởng. Tuy nhiên, tất cả các biện pháp này cần phải có thời gian để phát huy hiệu quả. Trong ngắn hạn, sau khi hệ thống tài chính gặp phải nhiều vấn đề trong mùa hè vừa qua, chính phủ Ấn Độ đã phản ứng bằng cách tăng thuế và áp hạn ngạch đối với vàng nhập khẩu.
Chí ít thì có vẻ như giờ đây biện pháp này đã phát huy tác dụng. Trong tháng 10, Ấn Độ chỉ nhập khẩu số vàng trị giá 1- 2 tỷ USD. Tuy nhiên, điều này cũng có thể khuyến khích buôn lậu vàng. Giá vàng ở Ấn Độ hiện đang cao hơn 10% so với giá thế giới.