Ông Ngô Tiểu Huy, cựu Chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm Anbang (Trung Quốc), từng đi mua tòa nhà văn phòng ở New York như thể đi sắm sửa các món đồ thường ngày. "Ông ấy chỉ vào một tòa nhà và nói mua căn đó", Financial Times dẫn lời một chuyên viên bất động sản New York kể.
Người này kể chiến lược mua sắm nhà đất New York của ông Ngô dường như là "càng to càng tốt". Trong số các bất động sản mà ông Ngô "vơ vét" có khách sạn Waldorf-Astoria Hotel ở Manhattan, nơi các chính trị gia, doanh nhân tầm cỡ và ngôi sao giải trí rất yêu thích.
Cựu Chủ tịch Tập đoàn Anbang Ngô Tiểu Huy, người mua khách sạn Waldorf-Astoria Hotel ở New York với giá 1,95 tỷ USD. Ảnh: Reuters. |
Ông Ngô chi 1,95 tỷ USD mua khách sạn này vào cuối năm 2014. Đó là thương vụ mua bán khách sạn lớn nhất từ trước đến nay tại Mỹ. Tuy nhiên, hồi tháng 5/2018 ông Ngô bị xử tù 18 năm vì tội lừa đảo và biển thủ. Chính phủ Trung Quốc quản lý Anbang và đang tìm cách bán các bất động sản Mỹ mà công ty này nắm giữ.
Vụ Anbang chỉ là một phần trong "cuộc di cư" ồ ạt của các công ty Trung Quốc từng "tổng tấn công" thị trường bất động sản Mahattan vài năm trước đây. Họ từng đổ hàng tỷ USD để mua các tòa nhà cao tầng tại đây, để rồi tháo chạy sau vài năm. "Hiện tượng đó giống như cơn sóng thần ào tới rồi đột ngột rút đi", một doanh nhân bất động sản New York so sánh.
Trung Quốc thắt chặt dòng tiền
Theo Financial Times, sự đảo chiều này không phải do bất động sản New York sụt giá. Nguyên nhân thực tế xuất phát từ tình hình kinh tế ở Trung Quốc. Tăng trưởng sụt giảm, nợ tăng buộc chính phủ Trung Quốc hạn chế dòng vốn chảy ra các thị trường bất động sản nước ngoài.
Động thái của chính phủ Trung Quốc gây chấn động thị trường bất động sản toàn cầu, dẫn tới hiện tượng nhà đầu tư Trung Quốc đồng loạt rao bán các tòa nhà văn phòng và khu căn hộ tại các thành phố lớn, từ London (Anh) đến Vancouver (Canada).
Khảo sát của hãng Cushman & Wakefield cho thấy "cơn sốt bán tống bán tháo" lên đến đỉnh điểm khi các nhà đầu tư Trung Quốc rao bán lượng bất động sản nước ngoài có tổng giá trị lên tới 12 tỷ USD.
Gần 2/3 số nhà đầu tư Trung Quốc được hãng Cushman liên hệ cho biết rất khó để họ giao dịch bên ngoài đại lục trong thời điểm này. "Giới đầu tư Trung Quốc giờ chỉ bán bất động sản", Financial Times dẫn lời ông Douglas Harmon, Giám đốc Thị trường Tài chính của Cushman, nhận định.
Khách sạn Waldorf-Astoria tại New York. Ảnh: Getty Images. |
Xu hướng đó được thể hiện rõ nhất tại New York, trung tâm tài chính toàn cầu và đóng vai trò cửa ngõ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài rót tiền vào thị trường bất động sản Mỹ.
Giới chuyên gia cho biết cuộc tháo chạy của các nhà đầu tư Trung Quốc không khiến thị trường bất động sản New York sụp đổ, nhưng làm mất đi một “nguồn nhiên liệu” quan trọng từng giúp thị trường tăng trưởng chóng mặt.
Ở thời điểm hiện tại, chủ các tòa nhà sang trọng gần công viên Central Park ở New York đang cảm nhận rõ sự trống vắng. "Không gì khiến nhà thầu hồi hộp hơn thông tin 'Người Trung Quốc đang ngắm nghía khu này' hồi vài năm trước", một chuyên viên giao dịch bất động sản New York hồi tưởng.
Khác với thương vụ của Anbang, một số cuộc "tắm máu" không gây xôn xao dư luận New York. Một luật sư bất động sản New York tiết lộ ông đang lo quy trình phá sản của một quỹ bất động sản trị giá hàng tỷ USD do người Trung Quốc đứng sau.
Quỹ này từng thuê hàng loạt văn phòng tại New York, nhưng giờ đang đóng cửa một cách lặng lẽ. "Chúng tôi đang trả lại chìa khóa cửa các văn phòng. Dòng tiền từ Trung Quốc đã cạn kiệt”, luật sư này khẳng định.
Đầu tư để lấy thẻ xanh
Vài năm trước, tình hình rất khác. Theo thống kê của Real Capital Analytics, năm 2015 giới đầu tư Trung Quốc rót 5,4 tỷ USD vào bất động sản New York. Năm 2016, con số đó nhảy vọt lên 8,8 tỷ USD. Theo công ty CBRE, năm 2017 có tới 35,4 tỷ USD từ Trung Quốc chảy vào các thị trường bất động sản toàn cầu.
Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư địa ốc Trung Quốc dùng tiền để mua thẻ xanh định cư tại Mỹ. Để nhận thị thực EB-5 (định cư), nhà đầu tư nước ngoài phải chi ít nhất 500.000 USD vào dự án chính thức, tạo ra công ăn việc làm tại Mỹ. Giới đại gia Trung Quốc “thống trị” chương trình EB-5 trong những năm trở lại đây.
Năm 2017, gia đình của Jared Kushner - con rể Tổng thống Mỹ Donald Trump - gây xôn xao khi chào mời nhà đầu tư Trung Quốc tham gia chương trình EB-5. Nhà Kushner cũng dính líu đến những thương vụ của Anbang.
Không lâu sau mua khách sạn Waldorf-Astoria, tập đoàn Trung Quốc liên hệ với ông Kushner về việc mua lại tòa tháp thương mại trị giá 1,8 tỷ USD ở địa chỉ 666 Đại lộ 5 tại New York.
Jared Kushner, con rể Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty Images. |
Tuy nhiên, cuộc đàm phán bị hủy bỏ do chính sách của chính phủ Trung Quốc đảo chiều. Cuối năm 2016, Bắc Kinh bắt đầu áp dụng các biện pháp thắt chặt dòng vốn đầu tư ra nước ngoài.
"Đó là thời điểm mọi thứ thay đổi. Những thỏa thuận mua bán bất động sản trị giá trên 300 triệu USD trở nên vô cùng hiếm hoi", một chuyên viên bất động sản chuyên làm việc với các nhà đầu tư Trung Quốc cho biết.
Tổng đầu tư từ Trung Quốc vào bất động sản New York giảm xuống còn 2,2 tỷ USD vào năm 2017 và thậm chí lao dốc xuống chỉ còn 336 triệu USD vào năm 2018 khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bắt đầu bùng lên. Từ vị trí số một, giới đầu tư Trung Quốc tụt xuống xếp sau Canada, Đức, và Hà Lan về lượng tiền đổ vào bất động sản New York.
“Các giao dịch - nếu có - diễn ra âm thầm và lặng lẽ. Thay vì các khách sạn hay tòa nhà văn phòng nổi tiếng, giới đầu tư Trung Quốc chủ yếu mua bất động sản nhỏ như nhà kho công nghiệp hay nhà ở cho sinh viên”, một đại diện của Cushman cho biết.
New York là địa chỉ đầu tư an toàn, nhưng cũng bị ảnh hưởng
Tại thành phố New York, với độ sâu và quy mô của thị trường bất động sản, làn sóng "di cư" của nhà đầu tư Trung Quốc không để lại hậu quả lớn. Nhờ tỷ lệ thất nghiệp thấp ở mức kỷ lục và nền kinh tế phát triển mạnh, thị trường New York tiếp tục thu hút đầu tư từ các quốc gia khác.
Mỹ nói chung và New York nói riêng vẫn được coi là địa chỉ đầu tư an toàn với các đại gia nước ngoài, đặc biệt trong thời điểm một trung tâm tài chính khác là London (Anh) đang đối mặt với nhiều bất ổn vì Brexit. Tuy nhiên, New York vẫn hứng chịu một số hậu quả tiêu cực nhất định.
Cushman cho biết số thương vụ mua bán bất động sản tại New York trong quý I/2019 giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. Giá căn hộ cao cấp tại thành phố giảm hàng chục phần trăm. Nguyên nhân là nguồn cung vượt quá nhu cầu, người giàu bị tăng thuế và cả sự thiếu vắng các nhà đầu tư Trung Quốc.
Các tòa nhà chung cư sang trọng ở New York. Ảnh: Getty Images. |
Khi các công ty Trung Quốc như Anbang mua tòa nhà, sếp của những doanh nghiệp đó cũng đổ tiền mua căn hộ cao cấp ở New York. Nhưng giờ đây, giới nhà giàu Trung Quốc không còn chi tiền mua các căn hộ siêu sang có giá trên 20 triệu USD tại đây.
Ông Jason Haber, nhà môi giới của Công ty Warburg Realty, kể vài năm trước, một khách hàng Trung Quốc mới ngoài 20 tuổi lái xe Rolls-Royce đến xem căn hộ tại New York. Người này tỏ ra sốt ruột và quyết định thuê nhà với giá 30.000 USD/tháng chỉ sau vài phút ngắm nghía.
"Anh ta nhìn trái nhìn phải rồi nói tôi thuê, đi ăn trưa thôi", ông mô tả lại. Một năm sau, người này biến mất. Năm 2014, Công ty China Vanke hợp tác với Tập đoàn Aby Rosen để xây một tòa nhà 65 tầng tại Manhattan với mục tiêu bán nhà cho khách hàng Trung Quốc. Tuy nhiên đến giờ các căn hộ tòa nhà này vẫn bán rất chậm.
Không còn nhiều kỳ vọng
Trên thực tế một số giao dịch bất động sản của nhà đầu tư Trung Quốc tại New York khá bền vững. Tập đoàn Fosun International chi 725 triệu USD vào năm 2013 để mua tòa nhà One Chase Manhattan Plaza và đổi tên nó thành 28 Liberty.
Fosun International đã thành công khi thu hút được doanh nghiệp thuê mặt bằng xịn như Công ty Sàn Giao dịch Chứng khoán London.
Giới bất động sản New York cho biết không giống như những tay chơi Trung Quốc khác, Fosun hiểu rõ thị trường địa ốc là cuộc chơi mang tính chất địa phương cao. Do đó, hãng đã tuyển dụng một đội ngũ điều hành dày dặn kinh nghiệm đến từ New York.
Fosun International chi 725 triệu USD vào năm 2013 để mua tòa nhà One Chase Manhattan Plaza. Ảnh: Financial Times. |
Ngược lại, một số vụ mua bán khác có rất nhiều vấn đề. HNA - một tập đoàn Trung Quốc đang phát triển nhanh - trả đến 2,2 tỷ USD cho tòa nhà 245 Park Avenue vào năm 2017. Đây là mức giá vào loại kỷ lục cho cao ốc văn phòng ở Manhattan. Một năm sau, HNA đã bán lại một phần tòa nhà cho tập đoàn SL Green để trả nợ.
Hiện tại, Anbang đang rao bán 15 khách sạn Mỹ sang trọng mua từ Tập đoàn Blackstone vào năm 2016 với giá 5,5 tỷ USD. Trong số các bất động sản này có khách sạn Four Seasons ở Washington và Fairmont tại Chicago. Dù vậy, khách sạn Waldorf-Astoria không được rao bán.
Anbang lên kế hoạch chuyển đổi một phần của bất động sản này thành những căn hộ cao cấp. Hồi tháng 6, Anbang đã thuê 2 hãng Douglas Elliman và Knight Frank làm trung gian để rao bán 375 căn hộ bắt đầu từ mùa thu tới.
Nhưng đó không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Thị trường nhà đất New York đang hạ nhiệt và căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ khiến các đầu tư Trung Quốc chùn tay, không dám đổ tiền mua căn hộ của Anbang.
"Ánh sáng đang tắt dần", một giám đốc công ty bất động sản ở New York bình luận về kế hoạch của Anbang.