Việc Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố quy hoạch cán bộ, đưa ông Lương Duy Hanh, cựu Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (Tổng cục Môi trường) vào quy hoạch của 2 vị trí thuộc Tổng cục Môi trường (Vụ trưởng Vụ Thẩm định đánh giá tác động môi trường và Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải) gây nhiều ý kiến trái chiều.
Các phản ứng này xuất phát từ việc 2 năm trước, ông Hanh bị kỷ luật cách chức do liên quan đến những sai phạm trong sự cố môi trường Formosa.
Zing.vn trao đổi với ông Phạm Tân Tuyến, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tài nguyên và Môi trường), để làm rõ hơn quy trình đưa vào quy hoạch với cán bộ từng bị kỷ luật.
3 cấp xét quy hoạch
- Việc ông Lương Duy Hanh, một cựu Cục trưởng từng bị cách chức do có sai phạm trong vụ Formosa tiếp tục được đưa vào quy hoạch chức danh Vụ trưởng khiến dư luận đang có nhiều nghi ngờ. Ông có thể giải thích rõ quy trình đưa vào quy hoạch đối với cán bộ này?
- Quy hoạch cán bộ là việc làm được Bộ thực hiện hàng năm theo yêu cầu. Trên cơ sở đánh giá cán bộ công chức mỗi năm, Bộ sẽ rà soát, đánh giá cán bộ nào có năng lực, sở trường, kinh nghiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ và có triển vọng phát triển thì đưa vào quy hoạch, còn ai không đủ năng lực thì đưa ra.
Ông Phạm Tân Tuyến - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Ảnh: Bộ Tài nguyên và Môi trường. |
Vừa rồi, tất cả các đơn vị thuộc Bộ đều tiến hành đánh giá kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ công chức năm 2018 theo yêu cầu của Bộ chứ không riêng gì Tổng cục Môi trường làm. Các đơn vị làm từ quý I và qua rất nhiều khâu, công đoạn.
Sau khi có kết quả rà soát, đánh giá thì bắt đầu làm quy hoạch.
Ví dụ khi ông Lương Duy Hanh được quy hoạch làm Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải thì phải căn cứ từ đề xuất bên dưới đơn vị. Sau đó có những hội nghị ở cấp đơn vị giới thiệu lên.
Sau khi có kết quả ở đơn vị, nếu đáp ứng đủ yêu cầu thì chuyển hồ sơ lên cấp tiếp theo là Tổng cục Môi trường. Lãnh đạo và cấp uỷ của Tổng cục Môi trường sẽ xem xét, thẩm định, đủ điều kiện mới tiếp tục chuyển lên Ban cán sự Đảng Bộ Tài nguyên Môi trường để tiến hành thẩm định tiếp, xem xét và bỏ phiếu quy hoạch. Nếu đủ điều kiện và đủ số phiếu thì cán bộ đó sẽ được đưa vào quy hoạch.
Cũng phải nói rõ không chỉ có ông Hanh được quy hoạch vào các vị trí đó mà còn nhiều trường hợp khác nữa. Ví dụ như vị trí vụ trưởng theo quy định thì quy hoạch sẽ không có quá 4 người. Tức là ngoài ông Hanh còn có 3 người khác nữa.
- Vậy tại sao ông Lương Duy Hanh đang là chuyên viên của Vụ Pháp chế lại được Tổng cục Môi trường đưa vào quy hoạch, thưa ông?
- Phương châm của Bộ là quy hoạch động và mở; đồng nghĩa là quy hoạch, phê duyệt cho giai đoạn đó rồi nhưng không phải cứ mặc định thế mà hàng năm sẽ rà soát, đưa vào - đưa ra với những người đủ và không đủ điều kiện.
Quy hoạch không phải bổ nhiệm mà là chủ động đào tạo nguồn để bồi dưỡng cán bộ, đến khi có nhu cầu sẽ xem xét danh sách những người được quy hoạch để lựa chọn bổ nhiệm.
Còn tiêu chí mở tức là không chỉ lựa chọn, giới thiệu những cán bộ trong đơn vị mà phải chọn người có năng lực, sở trường, kinh nghiệm đáp ứng vị trí này ngoài đơn vị để đưa vào. Việc này nhằm khắc phục tính cục bộ trong công tác cán bộ.
Với ông Hanh, dù đang công tác tại Vụ Pháp chế nhưng trước đây đã trưởng thành và kinh qua công tác ở Tổng cục Môi trường, anh em ở đây đều biết và đề xuất lên.
Không thể vì bị kỷ luật mà vĩnh viễn không còn cơ hội
- Đưa một cán bộ từng bị kỷ luật đến mức cách chức vào quy hoạch, Bộ tính toán thế nào về trường hợp dư luận phản ứng và đánh giá gì về mức độ uy tín của cán bộ được quy hoạch?
- Cán bộ cũng là con người. Trong cuộc sống hay công tác không thể ai lúc nào cũng đúng, làm việc cũng có thể có sai sót và với sai sót ấy, họ đã phải chịu trách nhiệm bằng cách bị kỷ luật.
Nhưng theo quy định của Đảng, Nhà nước, ngoài kỷ luật cũng có chế độ chính sách và cái tình đối với cán bộ, khi hết thời hạn bị kỷ luật vẫn được xem xét quy hoạch, bổ nhiệm nếu đủ điều kiện.
Ông Lương Duy Hanh. Ảnh: Dân Việt. |
Sau thời gian cán bộ làm việc phải có đánh giá kết quả và cống hiến của họ, tạo điều kiện cho họ có cơ hội để tiếp tục cống hiến, khích lệ để họ có động lực tiếp tục rèn luyện, phấn đấu.
Dư luận có thể đặt ra suy nghĩ của riêng mình, nhưng làm quy hoạch trước hết phải tuân thủ đúng theo các quy định.
Mục đích của công tác cán bộ phải sử dụng người đúng mục đích, hướng người ta đến đúng việc để đào tạo, bồi dưỡng cho họ đáp ứng nhu cầu để tiếp tục sử dụng.
Tôi nhấn mạnh, không phải quy hoạch một người và sau này chỉ chọn người đó thôi, mà quy hoạch nhiều người để họ cùng nhau phát triển, rèn luyện, sau đó khi cần bổ nhiệm sẽ lựa chọn và kèm theo rất nhiều quy ước khác.
- Là “người trong cuộc”, ông Hanh có tâm tư gì phản ánh lên tổ chức sau khi được đưa vào quy hoạch nhưng lại có nhiều phản ứng từ dư luận?
- Đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ là việc của người đứng đầu. Từ khi được quy hoạch, tôi chưa thấy ông Hanh gọi điện phản ánh gì. Nhưng xét ở góc độ cá nhân, tôi nghĩ ai cũng sẽ có tâm tư riêng vì sau khi bị kỷ luật, vừa được ghi nhận, động viên thì lại gặp phản ứng.
Với tôi, là người làm công tác cán bộ cũng cảm thấy rất tâm tư.
Nhưng không có việc gì là tuyệt đối, cán bộ không thể vì bị kỷ luật mà vĩnh viễn không cho người ta cơ hội gì. Nếu trong cơ quan không tạo được môi trường cho cán bộ phấn đấu thì cũng sẽ làm triệt tiêu động lực, và năng lực của cán bộ.
- Xin cảm ơn ông!