Theo Bloomberg, ngày 2/12 Hạ viện Mỹ thông qua dự luật buộc doanh nghiệp Trung Quốc phải tuân thủ các quy định kiểm toán Mỹ nếu muốn tiếp tục niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ. Luật sẽ có hiệu lực sau khi được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành.
Giá cổ phiếu hàng loạt công ty Trung Quốc lao dốc vì luật mới của Mỹ. Giá cổ phiếu Alibaba giảm 5,5% trong một tuần qua, JD.com lao dốc 5,6% trong khi Pinduoduo cũng mất 5,5%. Thậm chí giá cổ phiếu Nio sụt thảm hại 11,2%. Tồi tệ nhất là Kandi Technologies. Giá cổ phiếu của hãng xe điện Trung Quốc bay hơi tới 38,6% kể từ khi dính cáo buộc gian lận hôm 30/11.
Ước tính tổng giá trị cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Mỹ vào khoảng hơn 2.000 tỷ USD. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc không cho phép các công ty kiểm toán nước ngoài - bao gồm nhóm "tứ đại gia" PricewaterhouseCoopers, Deloitte, Ernst & Young và KPMG - kiểm tra doanh nghiệp Trung Quốc vì vấn đề "an ninh quốc gia".
Giới quan sát nhận định vụ bê bối của Kandi Technologies khiến chính phủ Mỹ càng quyết tâm kiểm soát các công ty Trung Quốc niêm yết tại Phố Wall. Ngày 30/11, Hindenburg Research công bố báo cáo cho thấy Kandi Technologies thổi phồng số liệu doanh thu để huy động 160 triệu USD từ các nhà đầu tư Mỹ.
Các công ty Trung Quốc huy động được 60 tỷ USD từ các đợt IPO tại Phố Wall từ năm 2013. Ảnh: AFP. |
Hồi tháng 11, hãng Muddy Water Research (Mỹ) tố cáo Joyy - công ty truyền thông xã hội Trung Quốc - khai khống doanh thu của mảng live-streaming YY Live tới 90%.
Hồi tháng 4, chuỗi cà phê Luckin Coffee - được mệnh danh là "Starbucks Trung Quốc" - thừa nhận CEO của hãng khai khống doanh thu năm 2019 đến 2,2 tỷ NDT (310 triệu USD). Ngay sau đó, giá cổ phiếu Luckin Coffee lao dốc không phanh. Cổ phiếu của hãng bị hủy niêm yết trên Sàn chứng khoán Nasdaq hôm 29/6.
Năm 2013, Ủy ban Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng (PCAOB) đồng ý cho các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ mà không cần đáp ứng các tiêu chuẩn minh bạch tài chính như doanh nghiệp Mỹ. Quyết định đó mở đường cho các tập đoàn Trung Quốc như Alibaba và JD.com phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) tại Phố Wall.
Từ năm 2013 đến nay, các công ty Trung Quốc huy động được khoảng 60 tỷ USD tiền đầu tư thông qua hơn 140 đợt IPO. Tuy nhiên, PCAOB khẳng định các nhà đầu tư đối mặt nhiều rủi ro khi mua cổ phiếu công ty Trung Quốc bởi hành vi gian lận tài chính.