Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao công ty bầu Đức lỗ hơn 1.000 tỷ đồng?

Hoàng Anh Gia Lai bất ngờ báo lỗ hơn 1.000 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 900 tỷ. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra thua lỗ lớn tại công ty của bầu Đức.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2016 của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – HAG) mới được công bố thì công ty này lỗ ròng 1.152 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm. Lãi vay tăng mạnh trong khi doanh thu chỉ tập trung vào bán bò thịt chính là nguyên nhân của khoản lỗ nặng này.

Thu từ cao su chỉ 15 tỷ đồng

Doanh thu gộp toàn tập đoàn đạt 3.658 tỷ đồng, trong đó từ bán bò chiếm tới 51%, thu từ bán bất động sản đầu tư chiếm 13% và các ngành khác chiếm tỷ lệ không đáng kể.

Mặc dù doanh thu tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giá vốn tăng tới 68%, khiến lợi nhuận gộp của HAGL còn không đáng kể.  

Đối với mảng đường, tỷ suất lợi nhuận giảm là do năng suất mía giảm, năng suất đã giảm đáng kể từ 120 tấn/ha trong vụ trước xuống còn 80 tấn/ha. Ban lãnh đạo cho biết công ty đã thay đổi kỹ thuật canh tác nên năng suất sẽ hồi phục từ vụ sau.

Trong khi đó doanh thu từ cao su chỉ vỏn vẹn 15 tỷ đồng nhưng giá vốn 19 tỷ đồng, có nghĩa là kinh doanh dưới giá vốn.  

Hành trình mắc nợ của công ty bầu Đức

HAGL đã nhiều lần tái cơ cấu nhưng mỗi lần chuyển đổi là một lần gia tăng số vốn vay. Sau hành trình 8 năm lên sàn, số nợ của doanh nghiệp này đã gấp đôi vốn chủ sở hữu.

Cao su và hợp đồng xây dựng là hai mảng bị lỗ của HAG. Doanh thu từ cao su không đáng kể có thể do công ty tiếp tục hoãn thu hoạch để chờ giá tăng. Khi bắt đầu trồng cao su, giá mủ cao su năm 2008 lên đến 5.000 USD/tấn, nhưng từ năm 2014 đến nay giá thành cao su thường xuyên ở mức dưới 1.500 USD/tấn, gần như bằng hoặc dưới cả giá thành sản xuất.

Đối với dự án HAGL Myanmar Center, theo công bố thì tỷ lệ lấp đầy của tòa văn phòng là 60%, trung tâm thương mại là 95%, nhưng theo Báo cáo tài chính thì doanh thu căn hộ của HAG trong 6 tháng mới chỉ đạt 178 tỷ đồng.

Hiện tại mảng chăn nuôi đang đóng góp chính vào lợi nhuận với 130.000 con bò thịt và 7.500 con bò sữa. Sau khi Công ty Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) ngưng mua bò của HAGL vào tháng 6/2015 thì bò của doanh nghiệp chủ yếu được bán cho các lò mổ tại TP HCM và Hà Nội.

Bầu Đức từng chia sẻ “nếu không có bò thì HAGL cũng bò luôn”, có vẻ rất đúng với tình hình kinh doanh của tập đoàn này trong vòng gần 2 năm qua.

Nguyen nhan Hoang Anh Gia Lai thua lo anh 1
Doanh thu của HAGL đến chủ yếu từ việc bán bò cho các lò mổ . Ảnh: HAGL 

Nguyên nhân chính khiến HAG lỗ với việc ghi nhận khoản lỗ bất thường cực lớn là 944 tỷ đồng, do công ty ghi nhận lỗ từ bán các dự án BĐS tại TP HCM (lỗ 413 tỷ đồng). Công ty khoáng sản và các khoản đầu tư kém hiệu quả khác (lỗ 530 tỷ đồng).

Động thái bán các dự án, công ty con và các khoản đầu tư trên có lẽ nằm trong khuôn khổ đề án tái cơ cấu công ty theo yêu cầu các chủ nợ.

Mỗi ngày trả lãi vay 5,6 tỷ đồng

Chi phí lãi vay 6 tháng đầu năm 2016 tăng 70% so với cùng kỳ, lên 782 tỷ đồng.Tính riêng trong 3 tháng của quý II, tập đoàn đã phải trả tới 500 tỷ đồng tiền lãi, gấp đôi so với cùng kỳ. Như vậy, mỗi ngày công ty phải thu xếp gần 5,6 tỷ đồng để trả lãi ngân hàng.

Lãi vay ngân hàng tăng mạnh có thể do một phần chi phí lãi vay đã không còn được vốn hóa sau khi dự án HAGL Myanmar Centre đi vào hoạt động cuối cuối tháng 3 vừa qua.

Chi phí lãi vay ngân hàng là gánh nặng của HAGL, cũng là một trong các nguyên nhân quan trọng dẫn đến HAGL thua lỗ. Hiện tại, phương án tái cơ cấu nợ của HAGL chưa được Chính phủ chính thức phê duyệt.

Theo Công ty chứng khoán TP HCM (HSC), có nhiều phỏng đoán rằng HAG sẽ nhận được thời gian ân hạn là 3 năm đối với hầu hết các khoản vay tại các ngân hàng Việt Nam.

Theo đó, HAG sẽ chưa phải trả gốc và lãi trong 3 năm tới. Nếu thông tin này là thật, thì HAG có thể tiết kiệm được 1.700-1.800 tỷ đồng chi phí lãi vay mỗi năm, khoản tiền này sẽ đi vào lợi nhuận và dòng tiền. Việc hoãn trả gốc sẽ giúp giải quyết đáng kể vấn đề thanh khoản.

HSC cũng dự báo, doanh thu của HAG trong năm 2016 sẽ đạt 7.198 tỷ đồng và lỗ ròng 1.355 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán và nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng HAGL sẽ công bố “kế hoạch giải cứu” tại Đại hội cổ đông thường niên diễn ra vào ngày 15/9 sắp tới. Một số chuyên gia tài chính cho rằng, HAG sẽ còn rất nhiều việc phải làm trước khi có thể hoạt động bình thường trở lại với khả năng bán các tài sản để có tiền trả bớt nợ.

Những tài sản đặc biệt tạo nên thương hiệu bầu Đức

Không chỉ nổi tiếng vì khối tài sản hàng nghìn tỷ đồng, doanh nhân Đoàn Nguyên Đức còn được nhớ đến với những phát ngôn thẳng thắn và không giống ai.

 

Phương Diệp

Bạn có thể quan tâm