May mặc là ngành khát nhân lực đầu năm, song mức lương và các chế độ đãi ngộ lao động ngành này nhận được luôn ở mức thấp. Đây cũng là lý do khiến nhân sự ngành may luôn biến động. Ảnh: N.Ý |
Sau khi trả các chế độ lương thưởng cho mùa Tết cổ truyền, nhà tuyển dụng thường đau đầu do tỷ lệ người lao động mong muốn chuyển việc, nghỉ việc sau Tết tăng mạnh.
Khát lao động nhưng vẫn trả lương thấp
Dù đã đi vào sản xuất sau Tết được 2 tuần, nhưng hiện nay nhiều công ty, xí nghiệp ở các khu chế xuất trên địa bàn TP HCM vẫn thiếu lao động. Ông Nguyễn Xuân Trường, quản lý nhân sự của một xí nghiệp may hơn 1.000 công nhân ở khu công nghiệp Tân Bình, cho biết vào đầu năm, xí nghiệp hụt 15% lực lượng lao động, trong khi các năm chỉ dừng ở con số 5-10%. Nguyên nhân chính là nhiều lao động xa quê lâu năm, đã xin công ty nghỉ phép, kể cả nghỉ thêm ngày phép không lương. Ngoài ra, còn một lượng lớn lao động nghỉ luôn không báo lý do, cũng không thể liên lạc được.
Việc thiếu hụt lao động không chỉ diễn ra ở các công ty, xí nghiệp lớn, mà tại các xưởng nhỏ cũng gặp khó khăn gấp bội. Anh Mai Huấn, chủ một xưởng giày ở đường Đoàn Văn Bơ, quận 4, đang phải cuốn cuồng tìm thợ để kịp hoàn thành đơn hàng cho khách.
Anh Huấn cho biết, vừa qua Tết, 2 thợ chính của anh đồng loạt nghỉ việc mà không báo trước. Anh phải chấp nhận trả lương cao hơn 1/3 giá thị trường để thuê lao động mới. Nhiều đơn hàng phải đền bù 10-20% hợp đồng vì giao hàng trễ.
Chị Nguyễn Thị Thuý (quê ở Hải Hậu, Nam Định), công nhân của một công ty may công nghiệp ở Gò Vấp, cho biết 4 năm nay mới có điều kiện về quê thăm quê, nên chị đã quyết định bỏ việc ở TP HCM, ở nhà thêm 1 tháng để sum họp với gia đình.
“Công ty đã bắt đầu làm lại từ mùng 10 tháng Giêng, nhưng một phần vì kẹt vé tàu, xe, lại mới sum họp với gia đình, nên tôi đã quyết định bỏ việc để có thời gian ở nhà thêm. Tháng sau sẽ vào lại thành phố kiếm việc mới. Ở chỗ làm cũ mức lương không cao, phải tăng ca đủ kiểu mới dư chút ít gửi về quê”, chị Thuý nói.
Tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Biên Hòa như KCN Amata, KCN Biên Hòa 2, KCN Loteco cũng xuất hiện nhiều thông báo, băng rôn, tờ rơi với nội dung cần tuyển lao động gấp treo trước cổng nhiều công ty, cửa ngõ khu công nghiệp và bên lề đường. Có những doanh nghiệp tuyển dụng 200-300 lao động. Một số doanh nghiệp đã cử nhân viên ra hẳn bên ngoài các tuyến đường quanh khu công nghiệp để tư vấn, giới thiệu và trực tiếp tuyển dụng lao động, nhưng số người xin việc không nhiều.
Khát lao động, song mức lương mà các doanh nghiệp đưa ra đối với lao động phổ thông, nhất là công nhân ngành may cũng chỉ ở mức 3,2 - 4,7 triệu đồng một tháng.
Chị Tuyên, một lao động tại Bình Thuận đang tìm việc tại KCN Tân Bình, cho biết, chị đã làm công nhân cho một công ty may tại khu chế xuất Linh Trung 1 (Thủ Đức) 3 năm nay. Mức lương của chị chưa tới 5 triệu đồng dù phải đăng ký tăng ca liên tục. Với kinh nghiệm của một thợ lành nghề, sau Tết, chị quyết định nghỉ việc, tìm cơ hội ở một công ty mới, hy vọng cải thiện thu nhập.
“Vào lại TP HCM từ mùng 10 Tết, nhưng tôi chưa vội đi làm mà sẽ bỏ thêm thời gian để tìm chỗ tốt hơn. Năm nay, nhu cầu tuyển dụng khá nhiều, cơ hội cho người lao động lớn hơn. Song đi mấy khu công nghiệp tại Thủ Đức, Tân Bình, tôi nhận thấy mức lương đều quanh quẩn 3,5-4 triệu một tháng, nên còn phải chọn lựa”, chị Tuyên cho biết.
Lao động tại các công ty liên doanh, doanh nghiệp có mức lương từ 7 triệu một tháng trở lên lại không biến động nhiều sau Tết. Trong ảnh:
Công nhân Tập đoàn Sunny Hàn Quốc tại Khu chế xuất Linh Trung, Thủ Đức. Ảnh: TTXVN |
Tuyển dụng đối phó
Theo ông trường, thực tế việc thiếu hụt lao động đầu năm là đến hẹn lại lên, và chỉ diễn ra tạm thời từ sau Tết Nguyên đán đến hết quý I. Năm nay, công ty đối phó bằng cách chuẩn bị nguồn lao động dự trù, nhưng chỉ ký hợp đồng thời vụ 2-3 tháng, để ổn định sản xuất đầu năm. Tuy nhiên, việc tuyển dụng đang gặp không ít khó khăn, vì thời điểm này các doanh nhiệp bạn cũng trong cảnh “khát” lao động.
Còn ông Trần Anh Tuấn, quản đốc tổ may của công ty này, cho biết nhân sự mới chỉ được bố trí vào những vị trí phụ, như luân chuyển sản phẩm, cắt chỉ. Công ty có một bộ phân công nhân đa năng, có thể hỗ trợ cho nhiều vị trí khác nhau, và số này sẽ bù vào những công việc chính như may, kiểm lỗi. Cũng vì vậy mà công ty không tổ chức đào tào cho những nhân sự thời vụ có hợp đồng dưới 3 tháng.
Trong khi đó, nhiều xí nghiệp tại khu chế xuất Tân Thuận, quận 7 lại tổ chức tuyển nhân sự dự phòng từ trước Tết. Ông Nguyễn Thế Xuân, giám đốc nhân sự một công ty liên doanh Việt Nam – Đài Loan cho biết, đoán trước về tình hình thiếu hụt lao động nên từ tháng 12, công ty đã bắt đầu tuyển thêm nhân sự cho những vị trí quan trọng sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất. "Chúng tôi chấp nhận bỏ chi phí cao hơn để tuyển cho được công nhân có kinh nghiệm, không mất thời gian đào tạo, thời gian thử việc 2 tháng. Tuy nhiên, việc ký hợp đồng chính thức cho những nhân sự này sau thời gian thử việc cũng phải phụ thuộc vào lượng thiếu hụt lao động sau Tết", ông Xuân nói.
Một trung tâm giới thiệu việc làm ở gần khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, cho biết nhu cầu tuyển dụng đầu năm chỉ tăng cao ở các doanh nghiệp có mức lương thấp 4-5 triệu đồng một tháng, với các nghành nghề chủ yếu là may mặc, bảo vệ, thợ xây dựng, da giày…. Trong khi đó các công ty nước ngoài, liên doanh với mức lương trên 7 triệu một tháng thì nhu cầu tuyển dụng bình thường, không tăng nhiều so với thời điểm trước Tết.
Số liệu khảo sát định kỳ trong tháng 2/2016 mà Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM vừa thực hiện cho thấy, có 1.546 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với 12.437 chỗ làm, tăng 6,29% so với tháng 1 và có 5.374 người có nhu cầu tìm việc.
Dự kiến trong tháng 3, TP HCM cần khoảng 26.000 lao động. Trong đó lao động phổ thông - sơ cấp nghề chiếm 35%, trung cấp chiếm 35%, cao đẳng - đại học chiếm 30%. Thời điểm này sẽ thuận lợi hơn cho những lao động có trình độ đại học, cao đẳng chưa tìm được việc làm phù hợp sẽ gặp được những cơ hội thuận lợi, ổn định việc làm.