Tâm huyết đưa TP HCM trở thành “con rồng châu Á” hay trở lại là “hòn ngọc Viễn Đông” đang là nỗi trăn trở của các nhà kinh tế, người dân cũng như lãnh đạo thành phố. Để làm được điều này rất cần cơ chế đặc biệt cho TP HCM phát triển, kể cả cơ chế vượt lên luật.
Vướng tầm nhìn quốc gia “lãng mạn thái quá”
Ngay khi vào hội thảo “TP HCM - Khát vọng vươn lên” diễn ra tại TP HCM ngày 19/5, PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam đặt “câu hỏi nóng”, tại sao một số thành phố trong khu vực như: Thâm Quyến, Phố Đông (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Singapore “đi sau” TP HCM nhưng đến nay đã vượt lên TP HCM rất xa mà không có lợi thế gì hơn?
Kỳ vọng vào kinh tế TP HCM. |
Trong 30 năm đổi mới và phát triển đất nước, chúng ta phải cần nhìn nhận lại xem xu hướng phát triển của TP HCM có đúng với thời đại không?
Nếu tổng kết quá trình 40 năm sau giải phóng thì kết quả đạt được hiện nay chưa được như kỳ vọng như mong muốn.
Theo ông Trần Đình Thiên, nguyên nhân khiến thành phố được coi là “đầu tàu” của cả nước lại tụt hậu như vậy là do cấu trúc chung. Trong 40 năm qua, TP HCM chỉ có hai thay đổi chất lượng căn bản đó là hình thành được khu đô thị Phú Mỹ Hưng và khu đô thị công nghệ cao nhưng không đủ mạnh đến thay đổi đẳng cấp phát triển của thành phố.
Nguyên nhân, thành phố chưa tận dụng được những lợi thế về dân số đông, trong khi đó thể chế, thị trường, công nghệ… thay đổi chậm.
Bên cạnh đó, tầm nhìn của thành phố những năm qua vướng tầm nhìn quốc gia “lãng mạn thái quá” khi hướng tới xây dựng một đất nước công nghiệp hóa – hiện đại hóa, nhưng không đủ vượt trội xây dựng một quốc gia công nghiệp giống như Singapore... Điều này khiến cho tầm nhìn của các lãnh đạo thành phố bị ảnh hưởng.
Một nguyên nhân nữa là thể chế, cơ chế của TP HCM chưa chủ động. Không có động lực để tiến lên vì làm ra nhiều tiền cũng nộp ngân sách Trung ương gần hết, xin thêm ngân sách cũng khó khăn.
Ông Thiên cho rằng, “vai trò, chức năng của đầu tàu phải khác cả đoàn tàu”.
Đồng tình quan điểm này, TS. Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo Chương trình Fulbright, cho biết, có quá nhiều vòng kim cô để TP HCM phát triển và đã biến TP HCM giống như 62 tỉnh, thành khác.
“Tôi nghiên cứu trong 30 năm qua, TP HCM luôn phải trình Trung ương từ những việc rất nhỏ và thành cơ chế xin – cho”, ông Du nói.
Bên cạnh đó, với cấu trúc thể chế của cả nước hiện nay thì đội ngũ công chức không có động cơ làm việc. Vì cơ chế bổ nhiệm theo “cơ chế không sai” nên không có ai động cơ làm cái mới.
TS. Huỳnh Thế Du cho rằng, nếu TP HCM có thêm 30 tỷ USD trong 20 năm qua thì đã khác so với bây giờ. Vì so với Hà Nội, các chỉ tiêu kinh tế của TP HCM gấp 1,5 – 2 lần, nhưng được chi ngân sách chỉ bằng 90% so với Hà Nội (số liệu trong 10 năm qua).
Trong hơn 20 năm qua, ngân sách của TP HCM chỉ bằng khoảng 10% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn), trong khi chi ngân sách cả nước bình quân là 30%. Tỷ lệ này của TP HCM chỉ bằng ½ Thượng Hải, Bắc Kinh, Hong Kong và 2/3 Singapore. Và tỷ lệ chi ngân sách của Việt Nam trong 20 năm qua là 30% GDP cũng gấp 02 lần Singapore, 1,5 lần Trung Quốc.
Có thể thấy, TP HCM đã nhận được quá ít ngân sách được giữ lại để dành cho phát triển vùng đô thị, tạo ra nhiều giá trị gia tăng và việc làm giống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Singapore, Trung Quốc đã làm.
Cần cơ chế vượt lên luật
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, để TP HCM trở thành “con rồng châu Á” hay “hòn ngọc Viễn Đông” thì phải có cơ chế cho thành phố vượt lên trước luật, trở thành trung tâm hội nhập. Định hình chức năng TP HCM là chức năng dẫn dắt phát triển quốc gia, chức năng cạnh tranh toàn cầu, trung tâm phát triển của ASEAN.
TS. Huỳnh Thế Du kiến nghị, cần phải cơ chế tạo động cơ khuyến khích và nguồn lực được giữ lại để có cơ sở hình thành tầm nhìn “vượt đại dương” và mục tiêu dài hạn, với sự tham gia đông đảo của tầng lớp doanh nhân và trí thức.
TP HCM muốn trở thành một đô thị được xếp hạng cao toàn cầu về khả năng cạnh tranh và môi trường sống, thành phố phải đặt ra mục tiêu thuộc 5 nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số cải cách hành chính (PAR – Index) để TP HCM biết mình đang ở đâu.
Về chỉ tiêu cho các quận chỉ nên tập trung vào hai chỉ tiêu cơ bản là nguồn thu ngân sách và việc làm cho người dân…
TS. Huỳnh Thế Du cho biết thêm, thành phố cần đề xuất với Trung ương cho thử nghiệm mô hình đơn vị hành chính đăc biệt cho Thủ Thiêm.
Bên cạnh đó, với sự hạn hẹp trong phần ngân sách được giữ lại, TP HCM có thể sáng tạo mô hình huy động nguồn lực khác như hợp tác công tư hay phí phát triển, gắn chỉnh trang đô thị với định hướng phát triển vận tải công cộng, phát triển liên kết vùng với các tỉnh lân cận…