Coca-Cola là một trong những thương hiệu giá trị nhất thế giới (theo xếp hạng Best Global Brands của Công ty Tư vấn Interbrand, Coca-Cola cùng với Apple và Google là ba thương hiệu giá trị nhất thế giới năm 2016, với giá trị khoảng 73,1 tỷ USD)
Chưa thể khẳng định việc thay đổi này có phải là cột mốc đánh dấu một xu hướng mới trong tiếp thị (marketing) thời gian tới hay không, nhưng dựa vào lý do và bối cảnh mà Coca-Cola đưa ra quyết định trên, giới phân tích đã rút ra một số điểm khá thú vị mà nhà quản trị cần đặc biệt lưu tâm.
Không gì là bất biến, dù bạn có là… Coca-Cola
Thành lập năm 1886, trải qua 131 năm phát triển, Coca-Cola vẫn giữ cho mình một vị trí thương hiệu vững chắc trong tâm trí khách hàng, đặc biệt với sản phẩm hương vị Cola truyền thống. Thế nhưng trong giai đoạn gần đây, mọi chuyện đang trở nên khó khăn hơn dự kiến.
Với việc khách hàng ngày càng chú ý hơn đến các vấn đề sức khỏe, vấn đề thức uống có gas, bệnh béo phì, lượng đường trong đồ uống…, tình hình kinh doanh của hãng gần đây đã có dấu hiệu chững lại.
Theo thời gian, các giám đốc điều hành sẽ hướng đến việc bổ nhiệm giám đốc phát triển, như một cấp độ cao hơn của giám đốc tiếp thị. |
Cụ thể, doanh thu toàn cầu của Coca-Cola đã giảm từ 48 tỷ USD trong năm 2012 xuống còn 44,3 tỷ USD trong năm 2016.
Ở Anh, các sản phẩm của hãng cũng liên tục khó tăng trưởng, như doanh số của Diet Coke (Coca-Cola không năng lượng) giảm 3,1% và Coke Life (phiên bản Coca-Cola ít calo) cũng giảm 57,4% (theo ghi nhận của trang Marketing Week).
Đứng trước tình hình này, Coca-Cola đã buộc phải có một sự thay đổi trong cơ cấu. Theo giới phân tích, Coca-Cola được cho là đang tập trung vào công nghệ, nhằm dịch chuyển từ công ty với thương hiệu đồ uống cổ điển sang mô hình công ty chuyên về sản xuất và phát triển sản phẩm dựa trên nền tảng công nghệ và nhu cầu của khách hàng.
“Coca-Cola lúc này giống như một công ty sử dụng nền tảng công nghệ để sản xuất và phát triển sản phẩm hơn là một công ty với thương hiệu đồ uống có tuổi đời hàng trăm năm", Michael Koziol, Chủ tịch toàn cầu của Công ty Truyền thông Huge, nhận xét.
Cũng theo Michael Koziol: “Đối với nhiều thế hệ, Coca-Cola đã trở thành một hình mẫu tiếp thị huyền thoại. Nhưng trong thời đại ngày nay, Coca-Cola không thể chỉ sử dụng những chiến thuật thương mại và tiếp thị như xưa để tạo ra tăng trưởng.
Sự bổ nhiệm một giám đốc phát triển là hoàn toàn cần thiết để hỗ trợ giám đốc điều hành (CEO) trong việc nắm bắt những thay đổi về công nghệ, dịch vụ, khách hàng… nhằm tạo ra sự phát triển cho doanh nghiệp”.
Đã đến lúc phải chuyên môn hóa cho sự tăng trưởng
Theo một báo cáo mang tên The Emergence of the Chief Growth Officer in Cosumer Packaged Goods của Công ty Tư vấn Russell Reynolds Associates, trong ngành tiêu dùng nhanh, hàng loạt ông lớn như Colgate-Palmolive, Kellogg Company, Coty, Conagra Foods, Tyson Foods… cũng đã lần lượt bổ nhiệm giám đốc phát triển đầu tiên cho bộ máy của mình.
Nhìn nhận vấn đề này, giới phân tích cho rằng khi doanh nghiệp càng phát triển, cơ cấu phòng ban, trách nhiệm của mỗi bộ phận được chuyên môn hóa rõ ràng hơn, thì nhà quản trị cũng cần có một vị trí chuyên tâm cho mục tiêu tăng trưởng hơn.
“Mọi thứ sẽ dần được trở nên rõ ràng hơn. Chúng ta đều biết giá trị của sự tăng trưởng, nhưng ở nhiều doanh nghiệp, ít khi có một vị trí nào thực sự chịu trách nhiệm cho chỉ số này. Và như một điều tất yếu, bộ phận tiếp thị, bộ phận thường khó đo lường kết quả hoạt động và năng suất làm việc, sẽ là bộ phận phải nhận trách nhiệm này.
Họ giờ đây sẽ không chỉ tập trung phát triển thương hiệu, mà còn phải nâng cao hệ sinh thái bao quanh sản phẩm đó, bao quát từ dịch vụ khách hàng, tới kết nối dữ liệu…”, Robert Wollan, Giám đốc toàn cầu của Công ty Tư vấn Accenture Strategy, chia sẻ.
Cũng theo nghiên cứu mới đây của Công ty Tư vấn Accenture Strategy, dựa trên việc phỏng vấn 535 giám đốc điều hành và 874 giám đốc tiếp thị, thì chỉ số tăng trưởng cũng đang dần được gắn với người làm tiếp thị.
Theo đó, có đến 50% các giám đốc điều hành tin rằng giám đốc tiếp thị là người đóng góp lớn nhất cho sự tăng trưởng đột phá của công ty, và 37% giám đốc điều hành sẽ khiển trách giám đốc tiếp thị đầu tiên nếu như mục tiêu tăng trưởng không đạt được (tỷ lệ khiển trách này với vị trí giám đốc kinh doanh là 34%, còn nhân viên chiến lược chỉ là 29%).
Còn về phía các giám đốc tiếp thị, 96% công nhận tầm quan trọng của việc tăng trưởng, 75% nghĩ rằng họ có quyền kiểm soát đáng kể sự tăng trưởng đột phá của công ty, và có tới 54% giám đốc tiếp thị nhận thấy ngân sách dành cho tiếp thị đang bị lãng phí mà không mang lại kết quả như mong đợi.
Thomas Barta, chuyên gia tiếp thị với hơn 20 năm kinh nghiệm, cộng sự của hãng tư vấn McKinsey & Company, cũng cho rằng doanh nghiệp không nhất thiết phải tạo ra một vị giám đốc phát triển riêng, mà có thể giao vai trò đó cho giám đốc tiếp thị, người hiểu và nắm bắt được mọi mặt của sản phẩm chẳng kém gì các giám đốc điều hành trong doanh nghiệp.
“Nếu không phải tăng trưởng, thì điều gì là trọng tâm của công việc tiếp thị?Có lẽ Coca-Cola đã tự đặt ra câu hỏi này, và James Quincey (Giám đốc điều hành của Coca-Cola) đã không còn tin tưởng vào khả năng thúc đẩy tăng trưởng của vị trí giám đốc tiếp thị nữa.
Tôi nghĩ theo thời gian, các giám đốc điều hành sẽ hướng đến việc bổ nhiệm giám đốc phát triển, như một cấp độ cao hơn của giám đốc tiếp thị. Những giám đốc phát triển sẽ mang theo một sứ mệnh rất cụ thể, đó là xây dựng thương hiệu với mục tiêu hướng vào sự tăng trưởng.
Họ (giám đốc phát triển) sẽ là người tạo ra những báo cáo, kế hoạch, chiến lược tối ưu nhất để giúp công ty giữ vững sự tăng trưởng trong một thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt”, Thomas Barta nhận định.