Tác giả Kate Taylor của tờ Business Insider cho rằng ngay cả khi doanh thu của ngành nước giải khát sụt giảm, hai “đại gia” Coca và Pepsi vẫn tìm đủ mọi cách để thúc đẩy lượng tiêu thụ nước đóng chai.
15 năm qua, doanh số bán hàng của các loại nước đóng chai ở Mỹ đã tăng gấp đôi. Chỉ tính riêng năm 2015, người Mỹ đã mua 11,7 tỷ gallon (43,3 tỷ lít) nước giải khát. Giới phân tích đang đặt ra câu hỏi mức tiêu thụ như trên sẽ gây ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe của người tiêu dùng và đây liệu có phải là xu hướng tốt?
Hàng năm, trong khi các công ty cung cấp nước sạch phải chia sẻ kết quả thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước với người tiêu dùng thì các đại gia nước đóng chai lại không làm điều này. Ảnh: Reuters. |
Nghi vấn trên càng trở nên có cơ sở khi vào tháng 8 vừa qua, trao đổi với tờ Tạp chí Đàn ông (Men's Journal), chuyên gia phân tích dữ liệu cấp cao của tập đoàn nghiên cứu về môi trường Environmental Working, ông Paul Pestano cho biết hàng năm, trong khi các công ty cung cấp nước sạch phải chia sẻ kết quả thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước với người tiêu dùng thì các đại gia nước đóng chai lại không làm điều này.
“Do đó, với các loại nước đóng chai, chúng ta không thể biết họ đã dùng kĩ thuật, công nghệ nào để lọc, xử lý ô nhiễm”, Paul Pestano nói.
Nói cách khác, các nhà sản xuất không hề công bố các thông tin cơ bản như trên trong khi họ thường quảng bá là nước đóng chai của họ “tốt hơn, an toàn hơn” những loại khác.
Trên thực tế, theo một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2008, Nhóm Công tác Môi trường Mỹ (EWG) đã phát hiện có tới 38 chất ô nhiễm trong 10 thương hiệu nước uống đóng chai. Không chỉ thế, 2 trong số 10 loại nước đóng chai trên có thành phần hóa học chẳng khác nào nước máy.
Vậy tại sao người ta phải rút hầu bao mua loại nước đóng chai đó trong khi nó chẳng khác nào nước máy? Câu trả lời chính là vì người ta đã giỏi xây dựng thương hiệu.
Vào năm 2014, John Jewell đã viết trên tờ The Week: “Nước đóng chai thực chất chỉ là sản phẩm từ các chiêu trò quảng cáo của kỷ nguyên này”.
Để chứng minh cho quan điểm trên, John Jewell lập luận các công ty sản xuất nước đóng chai luôn tìm mọi cách thuyết phục người tiêu dùng rằng sản phẩm của họ tốt cho sức khỏe hơn nước ngọt, nhưng thực ra so sánh như vậy là hết sức khập khiễng.
“Nước đóng chai không phải là sản phẩm để thay thế cho các loại nước ngọt mà thực ra nó chỉ là thứ thay thế cho loại nước máy vừa rẻ tiền vừa dễ kiếm”, ông nói.
Người ta bỏ tiền mua nước uống đóng chai vì nghĩ tốt cho sức khỏe, văn minh chứ nếu họ uống nước máy, chất lượng vẫn thế mà tiết kiệm được 2.000 lần.
Đối tượng mà các đại gia nước giải khát như Coca và Pepsi đang hướng tới chính là các khách hàng cá nhân bị ám ảnh về chế độ dinh dưỡng.
Nước khoáng (nước lọc) là một trong những đồ uống được tiêu thụ nhiều nhất trong phân khúc đồ uống không cồn.
Trong năm 2015, các thương hiệu ở phân khúc này như Dasani, Aquafina, và Poland Springs đều tăng doanh số bán hàng từ 6,5% đến 11,4%. Trong khi đó, lượng tiêu thụ của Coca-Cola tại thị trường Mỹ giảm 1%, Pepsi giảm 3,2%. Điều này buộc họ phải thay đổi diện mạo để tăng doanh thu trong thời gian tới.
Giám đốc điều hành của PepsiCo, bà Indra Nooyi cho biết vào tháng 4 vừa qua, nước ngọt có ga chiếm chưa đầy 25% doanh số bán hàng toàn cầu của công ty này. Họ đang tập trung phát triển thị trường đồ ăn nhẹ lành mạnh và các loại đồ uống không ga.
Tương tự, Coca cũng kiếm bộn tiền chủ yếu từ trà, nước ép trái cây, nước đóng chai thay vì các loại nước ngọt.
Phát biểu trên Q&A vào tháng 7 vừa qua, ông James Quincey, Chủ tịch khu vực Tây Bắc Âu và Bắc Âu của hãng này cho biết từ năm 2000 đến nay họ đã tăng sản lượng các sản phẩm “vẫn mang lại lợi nhuận” cho công ty từ 10% đến 30%.
Về mặt logic, nước uống đóng chai không cần phải tồn tại, nhưng trên thực tế nó vẫn không ngừng phát triển và đang là ngành thương mại có giá trị khoảng 13 tỷ USD.
“Người Mỹ quay lưng với nước ngọt” chính là những gì các đại gia ngành nước giải khát như Coca, Pepsi mong muốn nhất.