Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao chung cư liên tiếp cháy tại TP.HCM?

Công tác PCCC tại các chung cư hầu như không được quan tâm từ cơ quan chức năng đến chủ đầu tư, lẫn cư dân sinh sống tại các tòa nhà này.

Tại hội thảo giải pháp an toàn phòng chống cháy nổ ở chung cư, tổ chức sáng 3/4 tại TP.HCM, các chuyên gia cho biết khi vụ cháy phát sinh, có 5 chủ thể liên quan trách nhiệm, là chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành, ban quản trị, người sử dụng nhà và cơ quan quản lý Nhà nước. Nhưng hầu hết họ chưa thể hiện đủ trách nhiệm của mình đối với việc vận hành chung cư.

Vụ cháy tại chung cư Carina Plaza là lời cảnh tỉnh trong công tác PCCC ở chung cư.

Hơn 50% chung cư chưa có Ban quản trị, chủ đầu tư giữ phí bảo trì

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, thành phố có khoảng 1.200 chung cư. Con số này tăng gấp 2 lần so với năm 2009, còn nếu tính từ sau năm 1975 thì tăng đến 5 lần. Tỷ lệ nhà chung cư đang chiếm 8,4% nhà ở tại thành phố. Nếu tính riêng trong 5 năm trở lại đây thì tỷ lệ phát triển nhà chung cư tăng 24,6%.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý nhà và công sở - Sở Xây dựng TP.HCM, cho rằng các quy định về quản lý, vận hành nhà chung cư được xây dựng tương đối đầy đủ, nhưng thực tế lại có nhiều vấn đề phát sinh từ cháy nổ đến tranh chấp nhà chung cư.

gia nha giam sau vu chay chung cu anh 1
Không có ban quản trị khiến chung cư khó vận hành, trong đó có công tác đảm bảo an toàn PCCC. Ảnh: Lê Quân.

“Điều cần triển khai trước mắt là buộc các thành viên ban quản trị đều phải học về quản lý vận hành chung cư, để trang bị đầy đủ kiến thức về các sự cố và phổ biến thực hiện. Thực tế việc tuyên truyền chưa sâu, thậm chí người dân không quan tâm đến môi trường sống của mình”, ông Hải cho biết.

Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM thông tin thêm hiện có khoảng 50% chung cư trên địa bàn chưa có ban quản trị. Đây là một khó khăn trong công tác quản lý, vận hành chung cư.

Đáng chú ý, nguồn kinh phí bảo trì 2% tại nhiều chung cư vẫn chưa được chủ đầu tư bàn giao cho ban quản trị, khi cần bảo dưỡng, bảo trì hệ thống PCCC đã không có kinh phí.

Sở Xây dựng cùng các cơ quan chức năng sẽ tăng cường rà soát, kiểm tra các chung cư trên địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm các chủ đầu tư vi phạm an toàn phòng chống cháy nổ.

Không ai quan tâm đến bảo hiểm cháy nổ

Con số được Cảnh sát PCCC TP.HCM đưa ra cho thấy thành phố có 406 chung cư trên 10 tầng, 500 chung cư dưới 10 tầng và gần 391 nhà cao tầng. Năm 2017, thành phố xảy ra 1.007 vụ cháy, làm chết 26 người, bị thương 44 người, thiệt hại về tài sản khoảng 92,5 tỷ đồng

gia nha giam sau vu chay chung cu anh 2
Rất nhiều cư dân sống tại các chung cư không được phổ biến về việc tham gia bảo hiểm cháy nổ cho căn hộ của mình. Ảnh: Lê Trai.

Đại tá Huỳnh Ngọc Quang, Trưởng phòng hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy (Cảnh sát PCCC TP.HCM), cho rằng nguyên nhân dẫn đến cháy lớn chủ yếu vì chủ đầu tư không thực hiện đầy đủ trách nhiệm PCCC. Cư dân sống trong chung cư cũng chưa tích cực tham gia thường xuyên các buổi tuyên truyền, hướng dẫn về công tác phòng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các sở, ngành, quận huyện trong đảm bảo an toàn PCCC lại nhiều bất cập.

“Các quy định và chế tài vẫn chưa đầy đủ, hoặc quá yếu, không đủ răn đe chủ đầu tư. Như quy định nghiệm thu công trình xong mới được đưa dân vào ở nhưng chủ đầu tư bỏ qua, bởi vi phạm chỉ bị phạt hành chính vài chục triệu đồng. Cần luật hóa các quy định này để ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư", Đại tá Quang nói.

Bên cạnh đó, từ năm 2003, việc mua bảo hiểm cháy nổ là bắt buộc đối với chung cư. Quy định rất rõ ràng trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư phải mua bảo hiểm, khi công trình hoàn thiện, bàn giao, cư dân sẽ có trách nhiệm mua bảo hiểm cho căn hộ của mình.

gia nha giam sau vu chay chung cu anh 3
Thị trường đang bị tác động sau vụ cháy chung cư Carina Plaza. Ảnh: Lê Quân.

Nhưng thực tế không ai quan tâm thực hiện, thậm chí nhiều người dân sống ở chung cư không biết và không quan tâm việc họ phải mua bảo hiểm cháy nổ.

Ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, chia sẻ: “Vụ cháy vừa qua là hồi chuông cảnh báo, để các doanh nghiệp rà soát lại toàn bộ dự án của mình, nâng cao chất lượng công trình, lấy lại niềm tin với khách hàng.”

Cũng theo ông Dũng, từ sự việc này, các chủ đầu tư sẽ chú trọng tăng kinh phí trang bị hệ thống PCCC hiệu quả, an toàn cho các dự án mình đang phát triển, chú trọng trang bị kiến thức PCCC cho cư dân hơn.

Kinh doanh sụt giảm 20% sau vụ cháy Carina

Một số doanh nghiệp bất động sản chia sẻ thị trường đã có phản ứng nhất định sau vụ cháy chung cư Carina Plaza. Giá căn hộ không giảm nhưng việc kinh doanh khó khăn hơn. Nhân viên tư vấn bán hàng vất vả trong việc chào bán, tư vấn sản phẩm.

Trước mắt, tình hình kinh doanh sẽ sụt giảm khoảng 20%.

Các doanh nghiệp cũng nhận định trong ngắn hạn, thì trường căn hộ sẽ đi xuống theo tâm lý lo lắng. Nhưng trong dài hạn chung cư vẫn là lựa chọn của cư dân thành thị, với kỳ vọng chất lượng các dự án sẽ được nâng cao hơn.

gia nha giam sau vu chay chung cu anh 4

Chủ đầu tư Carina nợ 23 tỷ đồng phí bảo trì, bỏ qua hội nghị chung cư

Trước vụ cháy, chung cư Carina trải qua 6 năm không được tổ chức hội nghị chung cư để bầu ra Ban quản trị. Trong khi đó, chủ đầu tư đang nợ hơn 23 tỷ đồng phí bảo trì chung cư này.



Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm