Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao chiến dịch tiêm chủng của Campuchia thành công?

Nhờ chủ động nguồn vaccine và tổ chức tiêm chủng hợp lý, Campuchia trên đà hoàn thành mục tiêu tiêm phòng trước thời hạn 8 tháng, nhằm sớm vượt qua đại dịch và khôi phục kinh tế.

Sự thành công của Campuchia trong chiến dịch phân phối vaccine là điều ít được nhắc đến trong câu chuyện Covid-19 ở Đông Nam Á. Đến ngày 6/9, hơn 2/3 dân số Campuchia đã được tiêm 1 mũi vaccine, trong khi 53% người dân đã hoàn thành chương trình tiêm chủng.

Theo Our World in Data, ở Đông Nam Á, tỷ lệ tiêm chủng Campuchia đạt được chỉ sau Singapore - quốc gia đã tiêm phòng đầy đủ cho khoảng 3/4 dân số.

Thành tựu của Phnom Penh cũng vượt qua nỗ lực của Malaysia (với tỷ lệ tiêm chủng đạt 49%), Brunei (25%) và Thái Lan (11%).

Khi có ý kiến cho rằng tỷ lệ tiêm chủng ở Đông Nam Á có mối liên lệ với trình độ phát triển kinh tế của các quốc gia, Foreign Policy nhận định rằng Campuchia đang nổi lên như là một ngoại lệ.

Trên thực tế, Campuchia có GDP bình quân đầu người thấp thứ 2 trong ASEAN, trong khi tỷ lệ tiêm chủng của Phnom Penh đã cao thứ 2 trong khối. Cách làm của Campuchia khiến tỷ lệ tiêm ngừa Covid-19 của quốc gia này vượt qua một số nền kinh tế phát triển trên thế giới, trong đó có Mỹ.

Dù chính quyền Thủ tướng Hun Sen đối mặt một số chỉ trích về công tác chống dịch, không thể phủ nhận thành tựu đáng khích lệ mà Campuchia đạt được trong nỗ lực tiêm chủng cho người dân.


Tiem chung Covid-19 o Campuchia anh 1

Tiêm vaccine cho người dân trong vùng đỏ ở Campuchia hồi tháng 5. Ảnh: Reuters.

Kế hoạch phù hợp

Vào tháng 8, công ty Đối tác Chiến lược Mekong, một đơn vị tư vấn đặt trụ sở tại Phnom Penh, công bố báo cáo khẳng định Campuchia "đang trên đà hoàn thành chương trình tiêm chủng trước thời hạn 8 tháng".

Tài liệu dự báo rằng với tiến độ hiện tại, tỷ lệ người trưởng thành hoàn thành tiêm chủng của Campuchia sẽ đạt mức 70% hôm 21/9, sớm hơn so với Philippines (dự kiến vào tháng 3/2022), Indonesia và Thái Lan (tháng 7/2022).

Riêng tại Phnom Penh, với 99% người trưởng thành đã hoàn thành tiêm vaccine (trên tổng số 2 triệu người), thành phố lớn nhất của Campuchia đang là một trong những thủ đô có tỷ lệ tiêm chủng cao hàng đầu thế giới.

Với những thành tựu đã đạt được, chiến dịch tiêm chủng hiệu quả của Campuchia đang trao cho quốc gia Đông Nam Á cơ hội sớm chấm dứt các biện pháp hạn chế dịch bệnh, tạo điều kiện khởi động nền kinh tế trì trệ sớm hơn nhiều quốc gia khác.

Ở trường hợp của Campuchia, sự đồng nhất về địa lý và quy mô dân số tương đối nhỏ (khoảng 16,5 triệu người) là cơ sở thuận lợi cho chính quyền triển khai tiêm chủng. Bên cạnh đó, việc lập kế hoạch và phân phối vaccine cũng đóng vai trò quan trọng trong thành công chung.

Theo báo cáo của Đối tác Chiến lược Mekong, chương trình tiêm chủng dựa trên "vị trí", thay vì "nhóm tuổi" của Campuchia, được sự đón nhận rộng rãi của người dân và đã phát huy tác dụng lớn.

Cách làm "rõ ràng và phân nhóm cụ thể" của nhà chức trách cũng góp phần thúc đẩy tiêm ngừa nhanh chóng cho các bộ phận ở tuyến đầu chống dịch, các đoàn ngoại giao, nhân viên các cơ quan Liên Hợp Quốc và tổ chức quốc tế.


Tiem chung Covid-19 o Campuchia anh 2

Việc lập kế hoạch phù hợp tạo thuận lợi cho chiến dịch tiêm chủng của Campuchia. Ảnh: Reuters.

Chủ động nguồn vaccine

Campuchia cũng chủ động tìm nguồn vaccine phục vụ nhu cầu trong nước. Phnom Penh đã cố gắng có được vaccine Covid-19 “bằng mọi cách có thể”, trong đó huy động nguồn viện trợ qua cơ chế COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đồng thời mua trực tiếp và kêu gọi vaccine từ các quốc gia đối tác.

Theo Bộ Y tế Campuchia, hơn 27 trong số 30 triệu liều vaccine Campuchia nhận được đến nay là từ Trung Quốc, dưới hình thức thương mại và viện trợ.

Từ tháng 2, Campuchia bắt đầu tiêm những liều vaccine nhận được từ Trung Quốc. Trong những tuần qua, nước này thêm thêm hàng triệu liều vaccine AstraZeneca do Mỹ, Nhật Bản và Anh cung cấp, theo Reuters.

Các liều Sinopharm và Sinovac do Bắc Kinh sản xuất đã giúp giảm tỷ lệ người bệnh phải nhập viện và giảm tỷ lệ tử vong ở Campuchia. Đồng thời, vaccine cũng có hiệu quả nhất định đối với biến chủng Delta nguy hiểm.

“Campuchia vẫn có biến chủng Delta nhưng chúng gặp trở ngại vì vaccine. Chúng tôi hy vọng rằng chính phủ sẽ sớm khôi phục các hoạt động trong nước", ông Stephen Higgins, thành viên của Đối tác Chiến lược Mekong, cho biết.

Tiem chung Covid-19 o Campuchia anh 3

Trung Quốc đóng góp phần lớn trong số vaccine Campuchia nhận được. Ảnh: Xinhua.

Trong khi mối lo về biến chủng Delta vẫn thường trực, hôm 8/9, Khmer Times đưa tin chính quyền Phnom Penh đã chọn Trung tâm Y tế Premier Sen Sok làm địa điểm tiếp theo chuyên tiếp nhận và điều trị bệnh nhân dương tính với biến chủng này.

Ông Li Ailan, đại diện của WHO tại Campuchia, cho biết chính phủ Campuchia đã chủ động trong việc tiếp cận và phân phối vaccine, nhưng lên tiếng cảnh báo "sự lạc quan về vaccine" với những rủi ro tiềm ẩn.

“Vaccine chỉ là một trong những công cụ quan trọng trong việc chống lại Covid-19, giúp giảm ca bệnh nặng, ca nhập viện và tử vong”, văn phòng WHO Campuchia cho biết hồi tháng 7.

“Chúng ta đã cùng nhau tiến xa, và chúng ta phải tiếp tục sát cánh. Nếu không, những thành quả đạt được sẽ sớm mất đi", cơ quan đại diện của WHO khẳng định.

Campuchia bắt người giả mạo 'con gái Thủ tướng Hun Sen'

Một người phụ nữ bị rối loạn tâm thần tự xưng là con của Thủ tướng Campuchia Hun Sen vừa bị bắt giữ và đưa đến bệnh viện ở Phnom Penh để điều trị ngày 5/9.

Campuchia đã tiêm chủng Covid-19 cho hơn 95% dân số trưởng thành

Từ khi chiến dịch tiêm ngừa Covid-19 bắt đầu ở Campuchia vào ngày 10/2, đến ngày 4/9, nước này đã tiêm ít nhất một liều vaccine cho 95,33% dân số trưởng thành.

Phạm Ân

Bạn có thể quan tâm