Digital blackface có thể bị coi là hành vi phân biệt chủng tộc. Ảnh: BBC. |
Trong thời đại Internet, các meme đã trở thành một phần không thể thiếu, gắn liền với mạng xã hội. Trong đó, nhiều meme là hình ảnh của một người da đen đang cười, đang khóc, đang giận dữ hoặc bộc lộ cảm xúc khác.
Nếu một người da đen chia sẻ lại các meme này, không vấn đề gì xảy ra. Tuy vậy, nếu người chia sẻ là người da trắng, họ có thể đang vô tình có hành vi phân biệt chủng tộc, dù không rõ ràng. Hành vi này được gọi là digital blackface (tạm dịch: Giả làm người da đen trên môi trường kỹ thuật số), theo CNN.
Tại sao lại như vậy?
Tại sao “digital blackface” sai trái?
CNN định nghĩa digital blackface là hiện tượng người da trắng sử dụng các hình ảnh, từ lóng, câu nói mang tính biểu cảm trực tuyến của người da đen để thể hiện cảm xúc.
Các biểu cảm này xuất hiện tràn lan trên khắp các nền tảng mạng xã hội, từ Twitter, TikTok tới Instagram, cũng như trở thành các meme nổi tiếng hàng đầu tại Mỹ.
Một trong những meme nổi tiếng nhất tại Mỹ bị cho là có hành vi digital blackface là hình ảnh Sweet Brown, một người phụ nữ da đen sống tại Oklahoma, trả lời phỏng vấn đầy cảm xúc sau khi thoát khỏi một đám cháy năm 2012.
Đoạn phỏng vấn sau đó đã trở thành một meme trên mạng xã hội. Nhờ đó, Sweet Brown trở nên nổi tiếng. Tuy nhiên, bà sau đó từng phải khởi kiện Apple và một chương trình phát thanh tại Oklahoma vì sử dụng hình ảnh của mình mà không xin phép.
Một số người cho rằng digital blackface hoàn toàn chỉ là trò đùa vui. Tại sao phải suy nghĩ quá nhiều về việc này? Tại sao người da trắng bị coi là phân biệt chủng tộc vì một hành vi “vô hại”?
Hình ảnh trả lời phỏng vấn của Sweet Brown trở thành meme nổi tiếng tại Mỹ. Ảnh: KFRO. |
Tuy vậy, những người chỉ trích digital blackface chỉ ra hành vi này rất giống các gánh hát có tiết mục giả làm người da đen tại Mỹ thế kỷ 19. Trong tiết mục này, các diễn viên da trắng sẽ bôi đen mặt mình và đóng vai các nhân vật da đen - với đặc tính vụng về, hậu đậu và suy nghĩ đơn giản.
“Trò hóa trang làm người da đen chưa bao giờ biến mất. Đến nay, người Mỹ vẫn chưa dám chủ động đối mặt với quá khứ phân biệt chủng tộc”, Erinn Wong, học viên thạc sĩ tại Đại học California (Berkeley), viết. “Trên thực tế, các gánh hát rong giả làm người da đen đã biến thành một dạng phân biệt chủng tộc tinh vi hơn đang tràn ngập Internet”.
Theo Wong, digital blackface là hành vi sai trái vì “chiếm đoạt ngôn ngữ và biểu đạt của người da đen với mục đích giải trí, trong khi không quan tâm đến sự phân biệt chủng tộc mà người da đen phải đối mặt hàng ngày như bạo lực cảnh sát, phân biệt chủng tộc trong công việc hay bất bình đẳng trong giáo dục”.
Nhận diện “digital blackface” không dễ dàng
Mỗi người có thể có một quan điểm khác nhau về việc thế nào là digital blackface. Tuy vậy, CNN đưa ra một hướng dẫn đơn giản: Nếu một người da trắng chia sẻ trực tuyến một hình ảnh lan truyền định kiến về người da đen như ồn ào, ngốc nghếch, ưa bạo lực hay ham muốn tình dục quá mức, họ đã có hành vi digital blackface.
Tuy nhiên, mọi thứ vẫn chưa thực sự rõ ràng. Năm 2020, Elizabeth Halford, một nhà thiết kế thương hiệu, đăng một bài viết xin lỗi vì đã tạo ra một meme phần nào mang tính digital blackface.
“Tôi đã có hành vi digital blackface”, Halford viết. “Tôi đã cười trước tin người da màu phải đối mặt với tội ác đáng sợ, thảm họa hay mất mát. Tôi đã chiếm dụng sự khủng hoảng của người da đen và nói những điều không nên nói nhằm làm các bạn cười - hoặc chỉ đơn giản là điều này được lan truyền mạnh mẽ”.
Dù vậy, Halford cho rằng điều này không đồng nghĩa với việc cô sẽ không bao giờ dùng các meme có hình ảnh người da đen nữa, do một số meme có thông điệp tích cực như trao quyền cho phụ nữ và không hạ thấp giá trị của người da đen.
Các meme có hình ảnh người da đen tương đối thịnh hành. Ảnh: United States Studies Centre. |
Bên cạnh đó, cô cũng thừa nhận mình sẽ gặp thách thức nếu không làm vậy. “Chúng là biện pháp hiệu quả nhất vì người da trắng rất nhàm chán”, Halford nói.
Trên tạp chí Vogue, cây viết Michele Jackson cũng thừa nhận việc vạch ra ranh giới không phải điều dễ dàng.
“Tôi không khuyến khích người da trắng và những sắc tộc không phải da đen ngừng hoàn toàn việc lan truyền hình ảnh của người da đen để giải trí”, Jackson viết. “Không có hướng dẫn chi tiết nào để mọi người có thể tuân theo”.
Tuy nhiên, Jackson cũng cho rằng một người da trắng hoàn toàn có thể có hành vi digital blackface mà không có ác ý.
“Digital blackface không phải là từ để chỉ một ý định, mà là một hành vi”, Jackson viết. “Bất chấp được thực hiện nhanh thế nào hay có ý định vui vẻ thế nào, việc sử dụng hình ảnh của người da đen để vui đùa chính là hành vi bắt chước truyền thống ‘giả làm người da đen’ tồn tại 150 năm ở Mỹ”.
Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.