Theo Bloomberg, cú sốc về chi phí đội lên phi mã với chuỗi cung ứng có khả năng đe dọa sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu. Sự hỗn loạn do chi phí vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đi các khu vực như EU đã gia tăng chóng mặt kèm với sự khan hiếm của container vận chuyển hàng khiến các doanh nghiệp lo ngại.
“Vỡ trận” do thiếu container vận chuyển
Financial Times ghi nhận chi phí vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đi châu Âu đã tăng tới 4 lần chỉ trong 8 tuần qua, khiến dòng chuyển hàng hóa này trở thành nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Đây là mức phí cao kỷ lục do tình trạng thiếu vỏ container khi tình trạng tắc nghẽn hàng hóa xảy ra khi đại dịch bùng phát, hoạt động thương mại toàn cầu gián đoạn.
Chi phí vận chuyển hàng gia tăng phi mã trong vài tuần qua khi nhu cầu hàng hóa Trung Quốc phục hồi. Ảnh: Ft |
Chi phí vận chuyển một container tiêu chuẩn từ châu Á đến khu vực Bắc Âu đã tăng từ khoảng 2.000 USD hồi tháng 11 lên hơn 9.000 USD, theo các chủ hàng và nhà nhập khẩu.
Lars Jensen thuộc công ty tư vấn SeaIntelligence cho rằng: “Nguyên nhân nằm ở vấn đề hàng hóa đang bị kẹt cứng. Sự bùng phát phí vận chuyển còn được đẩy lên bởi nhu cầu khách hàng cạnh tranh với nguồn lực vô cùng hạn chế hiện nay - đó là số vỏ container trống để vận chuyển hàng”.
Trong khi đó, hàng nghìn container trống đang bị mắc kẹt tại khu vực châu Âu và Mỹ trong nửa đầu năm 2020. Nguyên nhân do các hãng tàu phải hủy bỏ vận chuyển hàng khi các lệnh cách ly phòng chống dịch bệnh được áp dụng. Kéo theo đó, hoạt động thương mại toàn cầu lao dốc trong thời gian ngắn.
Khi nhu cầu các nước phương Tây với hàng hóa châu Á phục hồi trong nửa cuối năm, sự cạnh tranh giữa các chủ hàng đối với các vỏ container đã khiến giá cước vận chuyển tăng phi mã.
John Butler, Chủ tịch của Hội đồng vận chuyển toàn cầu, cho hay: “Chúng ta đã chuyển tiếp từ giai đoạn sụt giảm mạnh mẽ sang giai đoạn lưu lượng hàng hóa kỷ lục, và hiện giờ cần có nhiều khu trung chuyển hơn để có thể xử lý tình trạng này”.
Ông cho biết thêm, vấn đề tắc nghẽn phổ biến tại các cảng hàng đang góp phần đẩy tăng chi phí, khiến các hãng tàu đang đẩy phí cao để bù đắp cho thời gian chờ kéo dài.
Kể từ tháng 11, chi phí vận chuyển đến châu Âu đã bị thổi phồng do sự chuyển hướng các container sang các tuyến xuyên Thái Bình Dương. Ng
ược lại, chi phí vận chuyển từ Trung Quốc đến Mỹ ổn định ở mức cao kể từ tháng 10 trước đó khi chính quyền Trung Quốc kiểm soát giá cước.
Philip Edge, Giám đốc điều hành của công ty giao nhận hàng hóa Edge Worldwide của Anh, phản ánh có doanh nghiệp còn bị tính phí tới 12.000 USD/container, so với mức 2.000 USD hồi tháng 10.
Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị gia dụng Anh báo cáo mức gia tăng chi phí vận chuyển lên đến 300% kể từ đầu năm 2020, bao gồm cả các trường hợp “trong đó mức tăng chi phí vận chuyển lớn hơn lợi nhuận ghim giữ mặt hàng... do đó, những chi phí này sẽ phải được chuyển đổi vào giá cho người dùng cuối”. Các doanh nghiệp lo ngại khó có thể chịu đựng được nếu tình trạng gia tăng chi phí kéo dài.
Người tiêu dùng gánh chịu và nguy cơ lạm phát
Theo Barrons, Thượng Hải, cảng trung chuyển hàng hóa bận rộn nhất thế giới đang rơi vào tình hình “vỡ trận” trước nhu cầu khổng lồ. Số lượng container tiêu chuẩn trong tuần này giảm sút hơn 50% so với năm trước theo ghi nhận của Xchange.
Tình trạng thiếu hụt tại Thượng Hải và các cảng lớn khác của Trung Quốc đang thúc đẩy sự gia tăng chi phí vận tải biển trung bình toàn cầu. Khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi nhanh hơn dự kiến, nhu cầu với hàng hóa Trung Quốc gia tăng chóng mặt. Đầu tuần này, chỉ số Xchange về tình trạng sẵn có của những container ở Thượng Hải là 0,2 so với 0,43 một năm trước. Trước đó, tình trạng “mafia” đã được báo cáo một số doanh nghiệp Trung Quốc cố tình tích trữ các container để chèn ép với giá cao nhất cho người có nhu cầu.
Một chủ một nhà nhập khẩu hàng hóa giải trí có trụ sở tại Manchester phản ánh tình trạng khan hiếm container vận chuyển đang gây ra hậu quả “to lớn” tới hoạt động kinh doanh khi các lô hàng từ tháng 11 vẫn bị kẹt, chưa được vận chuyển. “Vấn đề là liệu bạn có chấp nhận được mức phí tới 12.000 USD và khách hàng có gánh được mức phí này? Trong khi vấn đề cạn kiệt hàng hóa đang diễn ra”, vị này than thở.
Các kho hàng kẹt cứng, thời gian chờ hàng kéo dài khi dịp Tết nguyên đán đang đến gần khiến các chủ hàng tốn kém nhiều chi phí hơn. Ảnh: Getty. |
Sự gián đoạn và chậm trễ đang bắt đầu ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics, cho biết: “Dấu hiệu căng thẳng đang hiện rõ, nhiều người cảnh báo rằng áp lực dự kiến chưa thể dừng lại”.
Một cuộc khảo sát gần đây của IHS Markit cho thấy, thời gian giao hàng trong khu vực kinh tế EU trong tháng 12 bị trì trệ nghiêm trọng. Các công ty được khảo sát cho biết họ đang giảm dự trữ nguyên liệu thô và hàng bán sản xuất, dẫn đến tồn kho giảm và giá đầu vào tăng nhanh.
Bert Colijn, nhà kinh tế cấp cao tại ING, cho biết “thiếu hụt nguồn cung và giá cước vận chuyển cao hơn có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng thương mại”, góp phần tạo ra “áp lực lạm phát tạm thời tăng cao trong năm”.
Các hãng vận tải hy vọng sự suy giảm trong lĩnh vực sản xuất ở châu Á trong dịp tết Nguyên đán sẽ giúp các hãng giải quyết tình trạng hàng hóa tồn động và giảm chi phí vận chuyển tạm thời. Tuy nhiên, Peter Sand, một nhà kinh tế học tại Hiệp hội vận chuyển Bimco lo ngại tình trạng còn tiếp diễn đến năm 2021, do quá tải lượng hàng hóa còn đang chờ vận chuyển.