Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao châu Phi thèm muốn công nghệ điều Việt Nam?

Bởi vì tính hiệu quả, mà rất rẻ tiền của công nghệ điều Việt Nam thôi. Họ muốn học hỏi Việt Nam từ “bí kíp” đó, để tiến đến họ tự xây dựng một ngành chế biến – XK điều khép kín.

Hiệp hội Điều VN (Vinacas) đã cử đoàn sang làm việc với lãnh đạo trường Đại học Bách khoa TP HCM – đơn vị đang xúc tiến xuất khẩu công nghệ điều.

Rẻ mà hiệu quả không ngờ?

Theo Vinacas, ý tưởng chế biến hạt điều xuất khẩu (XK) bắt nguồn từ sự chỉ đạo của cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng và một số nhà lãnh đạo của TP. HCM từ những năm 80 của thế kỷ trước. Sau đó, năm 1984, nhóm kỹ sư gồm: Nguyễn Văn Lãng, Lê Ngọc Mến, Lê Công Thành và Nguyễn Minh Sơn, đã dày công nghiên cứu, cho ra một dây chuyền chế biến hạt điều rất phù hợp với thực tiễn và con người Việt Nam. Cái ưu việt dễ thấy nhất của công nghệ điều Việt Nam là ở chỗ: tách hạt lấy nhân điều, với tỷ lệ hạt vỡ và nhiễm dầu thấp nhất. 

Đại diện Việt Nam tại Hội chợ - triễn lãm công nghệ chế biến điều châu Phi năm 2014, do Bờ Biển Ngà tổ chức

Ông Nguyễn Văn Lãng – nguyên Phó Chủ tịch Vinacas, một trong 4 kỹ sư góp công hình thành nên công nghệ chế biến điều Việt Nam, nói: “Cái độc đáo của công nghệ điều Việt Nam là ở chỗ, nó được thiết kế dựa trên tình hình thực tế và đặc điểm con người Việt Nam. Nghĩa là Việt Nam hiện có nhiều lao động cần việc làm, thì công nghệ này có đặc thù sử dụng nhiều lao động. Kế đó, việc chúng tôi thiết kế bàn cắt vỏ hạt điều, thêm thao tác kết hợp bàn đạp bằng chân, giúp người lao động Việt Nam phối hợp nhuần nhuyễn vừa tay, vừa chân để cắt vỏ hạt điều… Công nhân không mất nhiều sức, mà vẫn đạt hiệu quả, năng suất cao…

Đặc biệt, giảm tỷ lệ hạt vỡ rất nhiều, trong khi công nghệ của các nước như Ý, Ấn Độ… vẫn chưa khắc phục được nhược điểm này”. Ông Nguyễn Thiện Nhân – vào năm 1999, là Giám đốc sở Khoa hoạc Công nghệ Môi trường TP. HCM – từng nhận xét về tính ưu việt “máy đạp chân của Việt Nam” như sau: “Khâu quan trọng nhất của quá trình chế biến hạt điều là khi tách vỏ lấy nhân, nhân ít bị vỡ tạo ra giá trị và hiệu quả cao hơn. Với thiết bị tự động thì lượng nhân bị vỡ khá cao (25 – 28%), càng giảm mức độ tự động của máy móc, thì tỷ lệ nhân vỡ càng thấp (chỉ còn 13 – 15%). Việt Nam đã cải tiến chế tạo thiết bị đơn giản hơn để phù hợp với thực trạng sản xuất và lao động của nước ta”. 

Thật vậy, trong khi một dây chuyền chế biến điều do Ý sản xuất, trước đây, một doanh nghiệp nhập về có giá 4,5 triệu USD, thì dây chuyền chế biến điều “Made in VietNam” chỉ với giá … 250.000 USD. Theo ông Đặng Hoàng Giang – Phó Chủ tịch Vinacas, “Trong điều kiện dư thừa lao động và mức thu nhập của người lao động Việt Nam không cao, thì việc sử dụng thiết bị chế biến điều Việt Nam, với giá thành rẻ, là giải pháp hiệu quả”.

Không tranh chấp quyền sở hữu, nhưng không ai được bán ra nước ngoài

Vào năm 1999, khi xảy ra việc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và dịch vụ Khoa học kỹ thuật (Sở Khoa học Công nghệ Môi trường TP. HCM) có ý định XK công nghệ điều sang châu Phi, ông Trần Doãn Sơn – chủ xướng việc XK công nghệ điều Việt Nam sang châu Phi, có quan điểm trái ngược rằng: “Việc XK công nghệ điều Việt Nam sang châu Phi là khởi điểm cho một sự bảo hộ lâu dài và toàn diện cho ngành điều Việt Nam, làm tiền đề cho việc thiết lập mối quan hệ với một số nước châu Phi trong chủ động mua bán điều thô” (?).

Công nghệ chế biến điều Việt Nam rất đơn giản, nhưng nhiều nước châu Phi thèm muốn. Ảnh: Sài Gòn Đầu Tư.
Không đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Văn Lãng phát biểu: “Vì sao các nước châu Phi “thèm muốn” công nghệ điều Việt Nam ? Bởi vì tính hiệu quả, mà rất rẻ tiền của công nghệ điều Việt Nam thôi. Họ muốn học hỏi Việt Nam từ “bí kíp” đó, để tiến đến họ tự xây dựng một ngành chế biến – XK điều khép kín. Vì hiện nay, châu Phi là vùng nguyên liệu chủ yếu của cả thế giới.

Một khi có công nghệ đó trong tay, châu Phi sẽ không XK điều thô sang Việt Nam nữa, mà họ tự chế biến, XK… Thử hỏi, điều này diễn ra, thì ngành điều Việt Nam hiện dẫn đầu thế giới về XK sẽ ra sao ? Tôi cho rằng, chẳng “bảo hộ” hay “tiền đề” gì trong sự vụ này; trái lại, việc bán công nghệ cho châu Phi, khác nào đẩy ngành điều Việt Nam vào cửa tử”.

Ông Lãng cũng khẳng định, không hề có sự tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, công nghiệp hay bản quyền công nghệ gì ở đây. Thực tế cho thấy, công nghệ chế biến điều Việt Nam hiện thuộc sở hữu của ngành điều Việt Nam, do Vinacas làm đại diện và trở thành tài sản quốc gia trong suốt 20 năm qua. Vì vậy, bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào muốn XK, phải chứng minh được quyền sở hữu và thông qua Vinacas. Nếu không chứng minh được sẽ không được phép bán công nghệ điều Việt Nam cho nước ngoài.

Dù bất đồng quan điểm với Vinacas, nhưng ông Trần Doãn Sơn vẫn phải thừa nhận: “Đặc điểm của chế biến nhân điều là tách nhân không bị vỡ (1 kg nhân vỡ đôi sẽ bị mất đi 1 USD so với nhân nguyên).

Muốn vậy, công nhân chỉ thao tác bằng tay… Điều này chỉ thực hiện ở Việt Nam, vì có lao động phổ thông dư thừa”. Ông Nguyễn Văn Lãng thì cho rằng: “Thú thật, công nghệ chế biến điều Việt Nam sẽ rất khó áp dụng cho con người châu Phi; bởi thể hình người châu Phi rất to lớn, tay chân quá khổ so với hình thể người Việt Nam, dẫn đến khi thao tác trên máy móc, công nghệ Việt Nam, họ sẽ thiếu sự khéo léo, tinh xảo, nhuần nhuyễn… (vốn có ở bàn tay, bàn chân người Việt Nam).

Vì vậy, việc XK công nghệ điều Việt Nam sang châu Phi, nhưng để đạt hiệu quả như Việt Nam, vẫn còn một quảng đường xa… Tuy nhiên, phòng tránh mọi thiệt hại cho ngành điều, tôi mong rằng Chính phủ sớm có biện pháp ngăn chặn, không cho XK công nghệ điều Việt Nam ra nước ngoài”.

http://laodong.com.vn/kinh-doanh/vi-sao-chau-phi-them-muon-cong-nghe-dieu-viet-nam-282921.bld

Theo Cao Hùng/ Lao Động

Bạn có thể quan tâm