Gần hai tháng đã trôi qua từ ngày Công Phượng chính thức gia nhập Incheon United theo hợp đồng cho mượn từ HAGL, những gì tiền đạo quê Nghệ An có được là 4 trận thua vỡ mặt, chỉ 1 chiến thắng cùng vị trí bét bảng xếp hạng K.League.
Ngược lên Nhật Bản, nơi Chanathip đang là ngôi sao sáng của Consadole Sapporo, tình hình cũng không sáng sủa hơn là bao. Sau 6 trận, thành tích của Consadole Sapporo cũng là thắng 1, hòa 1, thua 4, chỉ khác đội bóng này xếp thứ 15 trên tổng số 18 đội tại BXH J-League.
Nhưng sau cùng chỉ một mình Công Phượng bị cho là thất bại. Vì sao?
Công Phượng đang trải qua chuỗi ngày khó khăn cùng Incheon United. Ảnh: IUFC. |
Tại sao Chanathip thành công?
Chanathip đã bắt đầu trên đất Nhật Bản như thế nào? Tiền vệ của Thái Lan gia nhập Consadole Sapporo vào giữa mùa J.League 2017 theo dạng hợp đồng cho mượn từ Muangthong. Đội bóng Nhật Bản khi đó chật vật khi chỉ giành điểm 8 trong tổng số 18 trận đã đấu từ đầu mùa.
Chanathip mất 2 trận đấu không được đăng ký trước khi đá chính ngay trong trận gặp Urawa Reds ở vòng 19 J.League 2017. Sau đó Chanathip đá chính trong 14 trên tổng số 15 trận cho đến cuối mùa. Hiệu ứng Chanathip giúp đội bóng Nhật Bản thăng hoa trong nửa cuối mùa để cán đích ở vị trí thứ 11, vị trí cao nhất trong lịch sử đội bóng trước đó.
Trước khi tới Consadole Sapporo, Chanathip từng cùng Muangthong United đả bại ông lớn của Nhật Bản là Kashima Antlers tại AFC Champions League. Ảnh: Getty. |
Vì sao Chanathip được Consadole Sapporo tin tưởng trao suất đá chính ngay lập tức như vậy? Câu trả lời nằm ở nửa đầu mùa giải, khi tiền vệ sinh năm 1993 chơi ấn tượng trong đội hình Muangthong lọt vào vòng 16 đội AFC Champions League. Đặc biệt trong đó là chiến thắng 2-1 trước ông lớn của Nhật Bản Kashima Antler trên sân nhà.
Cũng không thể quên chiến dịch AFF Cup 2016 đầy ấn tượng, nơi mà Chanathip là cầu thủ hay nhất giải đấu. Bàn đạp rất tốt đó đã giúp Chanathip bước tới với Consadole Sapporo với tư thế của ngôi sao đi khai phá, chứ không phải một hợp đồng thử lửa.
Ở J.League 2018, Chanathip cùng Consadole Sapporo chơi tuyệt hay để kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 4. Bản thân tiền vệ Thái Lan lọt vào đội hình tiêu biểu của giải đấu.
Consadole Sapporo từ đó quyết chi 6,1 triệu USD để chiêu mộ tiền vệ có biệt danh là “Messi Jay”, mức phí kỷ lục trong lịch sử CLB.
Chanathip đang là thần tượng tại Consadole Sapporo. Ảnh: Getty. |
Vì sao Công Phượng gặp khó với Incheon?
Công Phượng khác Chanathip. Chân sút của đội tuyển Việt Nam chưa từng thi đấu tại AFC Champions League, và trong mắt các tuyển trạch viên của Incheon lúc mới tới Hàn Quốc thì mới chỉ nổi lên là một hiện tượng sau khi có 2 bàn tại Asian Cup 2019 trong màu áo ĐT Việt Nam cùng những chiến dịch ấn tượng ở VCK U23 Châu Á 2018 và ASIAD 2018.
Hành trình tại Mito Hollyhock trước đó cũng ảnh hưởng ít nhiều tới vị thế của Công Phượng. Anh dự bị nhiều ở đội bóng Nhật Bản và thật khó để Incheon ngay lập tức đặt niềm tin cho một cầu thủ như thế.
Công Phượng tới Hàn Quốc với vị thế của một người đi thử lửa, và thậm chí với nhiều người là mang màu sắc thương mại hơn chuyên môn. Cho dù Phượng đang dần chinh phục được CĐV Hàn Quốc bằng những màn trình diễn ấn tượng, thì vẫn có một thứ kìm hãm những mỹ từ có thể dành cho tiền đạo của ĐT Việt Nam.
Không ít người tin rằng Công Phượng là hợp đồng mang tính chất thương mại nhiều hơn chuyên môn của Incheon United. Ảnh: IUFC. |
Đó chính là Incheon United. 3 mùa gần nhất, đội bóng sở hữu Công Phượng đều kết thúc mùa giải với chỉ vài điểm hơn đội xuống hạng. Nếu biết được “lịch sử” ấy của Incheon cùng việc đội bóng này khủng hoảng lực lượng nghiêm trọng với những chấn thương của trụ cột, thì việc xếp bét bảng K.League sau 6 vòng thực tế là điều không quá bất ngờ.
Chanathip khi gia nhập Consadole Sapporo theo dạng cho mượn từ Muangthong đã được định giá 500 nghìn bảng, gấp 4 lần giá trị của Công Phượng ở thời điểm mới chuyển tới Incheon. Nói không ngoa thì đẳng cấp của Chanathip ngày đó cũng đã khác Công Phượng hiện tại.
Cũng phải đề cập tới chuyện Chanathip đến vào giữa mùa giải, khi Consadole Sapporo chỉ còn cách duy nhất là chiến thắng để trụ hạng thì tiền vệ Thái Lan đã hòa nhập rất nhanh vào đội hình đội bóng Nhật Bản.
Những màn trình diễn của Công Phượng đang thuyết phục được khán giả Hàn Quốc. Ảnh: Getty. |
Trong khi Công Phượng tới ngay đầu mùa, khi đội bóng vẫn còn sức ỳ từ sau kỳ nghỉ, và cùng với việc bị đánh giá thấp trước đó, Phượng đã phải rất nỗ lực để chen chân vào đội hình chính.
Và ngay cả khi khẳng định được mình, Công Phượng cũng không thể kéo Incheon đi lên khi các cầu thủ hết không tận dụng được cơ hội Phượng tạo ra thì lại tự biếu cho đối thủ những bàn thắng bằng các sai lầm cá nhân.
Với những gì đã làm được trên đất Hàn Quốc, Công Phượng không hề thất bại. Nhưng vấn đề là khi Incheon đứng bét bảng, việc ghi nhận những đóng góp của Công Phượng là điều không đơn giản..
Ở Hàn Quốc lúc này, báo chí đang nói tới “hiệu ứng Công Phượng”, nhưng hầu như chỉ là để nói đến sức hút của Phượng tới những CĐV ở quê nhà Việt Nam. Để tạo ra một “hiệu ứng Công Phượng” thật sự trên sân cỏ, như cách mà Chanathip từng tạo ra tại Consadole Sapporo, Công Phượng cần những chiến thắng.
Một chiến thắng sẽ mang nụ cười trở lại với Công Phượng, Ảnh: IUFC. |
Chỉ có chiến thắng mới giúp mọi nỗ lực của Công Phượng được ghi nhận, và khiến những CĐV Việt Nam có thể tự hào ngẩng cao đầu trước những cái hất cằm tới từ Thái Lan về câu chuyện Chanathip đã tới, thấy, và chinh phục Nhật Bản như thế nào.