Trong tháng 10 này, các cầu thủ trẻ khóa I của Học viện HA Gia Lai - Arsenal JMG sẽ tốt nghiệp lớp bóng đá nhưng sẽ không có ai chuyển nhượng ra nước ngoài.
Nhiều nhà chuyên môn cho rằng bầu Đức nên để Công Phượng ra nước ngoài chơi bóng để có cơ hội bay cao hơn. |
Hồi năm ngoái, bốn cầu thủ mà HLV Wenger của Arsenal cho là sáng giá nhất của học viện gồm Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng và Đông Triều từng có chuyến tập huấn tại đại bản doanh Arsenal nhưng cuối cùng không có ai trụ lại. Lần ấy, CLB Olympiakos của Hy Lạp cũng đánh tiếng xin chuyển nhượng Tuấn Anh bất thành do tiền vệ này không may bị chấn thương dây chằng gối.
Sau bảy năm ăn học bóng đá bài bản, rất nhiều người yêu bóng đá mong chờ cầu thủ ở học viện này xuất ngoại đá bóng nhờ chính tài năng của mình mà không phải là hợp đồng quảng cáo và trao đổi. Đặc biệt sau nhiều màn trình diễn ấn tượng của lứa U19, dư luận có niềm tin một số cầu thủ đủ sức chơi bóng ở các CLB lớn chứ không phải “nổ”.
Một thành viên của học viện bật mí gần đây có rất nhiều nhà môi giới của Nhật Bản, Hàn Quốc đặt vấn đề chuyển nhượng Công Phượng, Tuấn Anh đều phải nhận lại những cái lắc đầu. Thậm chí Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng còn tiết lộ CLB Arsenal muốn mua cầu thủ của chính mình và PSV Eindhoven của Hà Lan ngắm nghía Công Phượng.
Thế nhưng có nhiều nguyên nhân khiến cầu thủ của Học viện HA Gia Lai - Arsenal JMG không đi đầu quân ở các CLB nước ngoài. Đầu tiên là việc bầu Đức tuyên bố ông không thiếu tiền để phải bán cầu thủ và tham vọng của ông là muốn tập thể này chơi bóng cùng nhau để chín chắn hơn cho mục tiêu vô địch Đông Nam Á trong tương lai gần.
Thứ nữa là chính HLV Guillaume lên tiếng rằng phải chờ 3-4 năm nữa, một số cầu thủ trụ cột đủ sức chơi cho các CLB châu Âu, khi mà các chỉ số về sức mạnh, hình thể và kinh nghiệm trận mạc được tích lũy đầy đủ hơn. Đấy cũng là lý do chính khiến học viện không mạo hiểm cho cầu thủ đầu quân ra nước ngoài bởi họ chưa hội đủ nhiều yếu tố trưởng thành và dễ bị thui chột nếu chỉ ngồi trên ghế dự bị.
Nếu thực sự được CLB nước ngoài chọn mà không cho đi là triệt cơ hội
Chuyện các cầu thủ Học viện HA Gia Lai - Arsenal JMG được các CLB dạm hỏi thực chất đến nay vẫn chưa có ai kiểm chứng. Nếu đó là sự thật thì việc không tạo điều kiện cho các cầu thủ này đi là ngăn của các em rất nhiều cơ hội. Các cầu thủ đã sang tuổi 19 tức có thể độc lập và có thể chịu trách nhiệm với những việc mình làm. Ở quốc tế thì tuổi đấy đã là cầu thủ chuyên nghiệp tức có thể ý thức được tất cả những gì với nghề nghiệp của mình.
Ôm một lứa cầu thủ và cứ để đá với nhau lên thành đội lớn thực chất có mặt tích cực nhưng cũng có mặt tiêu cực. Tuổi 19 cần phải thả ra thì mới trưởng thành và mới học được nhiều. Thậm chí ngồi lâu ở ghế dự bị của những CLB lớn cũng là một phương pháp để rèn luyện, để tích lũy như nhiều cầu thủ lớn vẫn ngồi để học hỏi.
Ngược lại, sẽ rất nguy hiểm nếu các cầu thủ đấy không đủ cơ để ra nước ngoài thi đấu ở những CLB lớn nhưng những người lớn cứ khoác cho các em những lớp áo bóng bẩy. Theo cá nhân tôi thì một cầu thủ khoác áo CLB châu Âu sẽ là niềm tự hào rất lớn và chính cầu thủ đấy sẽ có nhiều cơ hội để trưởng thành hơn rất nhiều so với việc chỉ quanh quẩn ở nhà đá chung một đội hình và chơi V.League rồi lại rủ nhau lên chơi U19, U20, U23 rồi đội tuyển.
Họ cần được thả tay ra để tự chạy và tự bay ở những môi trường khác.
NGUYỄN NGUYÊN