Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao cầu nối hai tỉnh miền Tây đội vốn nghìn tỷ?

Chênh lệch giá giải phóng mặt bằng giữa 2 bước thiết kế kỹ thuật và lập dự án khiến giá đền bù đất biến động. Đây là lý do chính gây đội vốn 1.600 tỷ ở dự án cầu Rạch Miễu 2.

Công trường thi công dự án cầu Rạch Miễu 2 (nối Tiền Giang và Bến Tre). Ảnh: Phạm Ngôn.

Ngày 2/3, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (PMU) cho biết vừa phối hợp 2 địa phương rà soát, làm rõ nguyên nhân tổng mức đầu tư dự án cầu Rạch Miễu 2 nối Tiền Giang và Bến Tre bị đội thêm hơn 1.600 tỷ đồng.

Động thái này được thực hiện sau khi Bộ GTVT yêu cầu PMU Mỹ Thuận kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm về việc phát sinh chi phí, ảnh hưởng tiến độ triển khai dự án.

Trao đổi với Zing, đại diện PMU cho hay sau khi cập nhật, đến nay phía Bến Tre tăng lên gần 355 tỷ đồng và Tiền Giang khoảng 1.257 tỷ đồng.

Về nguyên nhân chính dẫn tới tăng vốn, PMU Mỹ Thuận cho hay thời điểm lập dự án áp dụng giá đất theo Quyết định số 32/2020/QĐ-UBND ngày 21/12/2020 của Tiền Giang và Quyết định số 20/2020/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bến Tre năm 2020. Do đó, quá trình thực hiện thuê tư vấn khảo sát lập đơn giá đất để tính bồi thường, giá đất của hai tỉnh có sự biến động mạnh.

Cụ thể, giá đất bồi thường ở tỉnh Tiền Giang tăng từ 8 triệu đồng/m2 đến 26,1 triệu đồng/m2 tùy theo loại; trong khi đó tỉnh Bến Tre có đơn giá và hệ số tăng gấp 6-20 lần.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng đột biến của giá đất nêu trên, tỉnh Tiền Giang cho biết cùng với việc đầu tư các dự án hạ tầng lớn, nhu cầu mua đất nền của người dân, đặc biệt là những hộ mới chuyển về TP Mỹ Tho định cư có tác động đến giá.

Bên cạnh đó, vị trí các thửa đất bị thu hồi, diện tích và loại đất (nhất là thổ cư) có thay đổi; nhiều thửa đất trước đây không tiếp giáp với hệ thống giao thông, nhưng hiện nay có tiếp giáp các tuyến đường do quá trình phát triển, thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Nhà ở, vật kiến trúc thực tế có tăng về số lượng và cấp loại so với khung chính sách, thực hiện theo Quyết định số 04/2021/QĐ-UBND của tỉnh Tiền Giang, và Quyết định số 28/2019/QĐ-UBND của tỉnh Bến Tre về việc ban hành bảng đơn giá xây dựng nhà ở và vật kiến trúc thông dựng trên địa bàn tỉnh.

cau Rach Mieu 2 anh 1

Khu vực thi công thuộc TP Bến Tre, cách mố phía bắc cầu Hàm Luông khoảng 0,71 km. Ảnh: Hoàng Giám.

Ngoài ra, qua kiểm kê thực tế có thay đổi về khối lượng, chủng loại, mật độ cây cối và vật nuôi so với khung chính sách, thực hiện theo Quyết định số 12/2021/QĐ-UBND của tỉnh Tiền Giang và Quyết định số 30/2020/QĐ-UBND của tỉnh Bến Tre ban hành quy định về bồi thường thiệt hại cây trồng và vật nuôi là thủy sản khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh.

Nguyên nhân khác là về chính sách hỗ trợ hộ gia đình, nhân khẩu và tổ chức sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng trên địa bàn có thay đổi số lượng so với khung chính sách của tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.

Dự án xây dựng cầu Rạch Miễu 2 được Bộ GTVT phê duyệt hồi tháng 9/2021 với tổng mức đầu tư hơn 5.100 tỷ đồng từ vốn ngân sách Nhà nước.

Công trình cầu Rạch Miễu 2 có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 17,6 km, quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h.

Đây là dự án cấp bách, được triển khai đáp ứng nhu cầu vận tải trên quốc lộ 60, giải quyết tình trạng kẹt xe nhiều năm qua ở đôi bờ sông Tiền. Công trình khi hoàn thành còn phá thế cô lập của tỉnh này với toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, rút ngắn khoảng cách giao thông đường bộ giữa TP.HCM đến các tỉnh miền Tây như Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng.

Những cuốn sách hay về xã hội

Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Cầu nối hai tỉnh miền Tây đội vốn nghìn tỷ, Bộ GTVT yêu cầu kiểm điểm

Tổng mức đầu tư dự án cầu Rạch Miễu 2 nối Tiền Giang và Bến Tre bị đội thêm hơn 1.100 tỷ đồng, chủ yếu phát sinh ở hạng mục giải phóng mặt bằng và thi công xây lắp.

Thư Trần

Bạn có thể quan tâm