Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao Campuchia chuộng xài hàng Việt?

“Người tiêu dùng Campuchia rất thích hàng của Việt Nam”, Tổng giám đốc công ty Heng Meng Long chuyên phân phối hàng nhựa Việt Nam tại Campuchia nói.

Hội chợ Ho Chi Minh City Expo 2014 mới khai mạc tại PhnomPenh (Campuchia) có sự tham gia của trên 100 doanh nghiệp Việt Nam. 207 gian hàng tại hội chợ thuộc các lĩnh vực lương thực-thực phẩm, nước giải khát, nhựa gia dụng, may mặc, da giày, thủ công mỹ nghệ… Trong đó, có sản phẩm của những doanh nghiệp đã tạo được uy tín thương hiệu vững mạnh trên thị trường Campuchia như Vinamilk, Vissan, Cadivi, Cầu Tre, nhựa Vỹ Hưng, Dược phẩm 3/2…

Khách hàng Campuchia chọn mua bình, thùng giữ nhiệt của Nhựa Đồng Tâm.
Khách hàng Campuchia chọn mua bình, thùng giữ nhiệt của Nhựa Đồng Tâm.

Công ty Vissan mang tới hội chợ triển lãm lần này các sản phẩm mới là xúc xích tươi và năm loại patê đóng hộp, nhãn hàng đều dùng tiếng Campuchia Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi cũng đưa được 15 loại sản phẩm vào thị trường Campuchiavà bánh phồng tôm, mì tôm. Theo khảo sát, người tiêu dùng nước bạn cho biết rất thích sản phẩm của các doanh nghiệp này vì hương vị thơm ngon, hợp khẩu vị, giá dễ mua. 

Theo ông Ung Sealay, người 8 năm qua chuyên phân phối hàng cho các doanh nghiệp Việt Nam, hàng Việt được người tiêu dùng Campuchia ưa chuộng là vì chất lượng cao, mẫu mã đẹp, mỗi năm đều có thêm nhiều sản phẩm mới tiện dụng hơn.

Bà Ly Thea, nhà phân phối sản phẩm của công ty cổ phần xuất nhập khẩu Sa Giang (Đồng Tháp) cho biết đã phân phối bánh phồng tôm, hủ tiếu, bún gạo, phở khô…. Sa Giang vào các siêu thị, chợ ở Phnôm Pênh và nhiều tỉnh khác ở Campuchia. Riêng mặt hàng bánh phồng tôm tiêu thụ mạnh, nhất là vào những dịp lễ, tết hay vào mùa cưới của nước này (khoảng tháng 10 và 11 âm lịch).

Từ năm 2008, công ty Dược phẩm 3/2 đã xuất sang thị trường Campuchia các loại dược phẩm. Đại diện của Cty cho biết doanh số xuất khẩu sang thị trường này tăng đều từ 30-40%/năm. Trong đó, nhiều nhãn thuốc đạt mức tiêu thụ cao ví như Efticol được bệnh viện nhi ở Phnôm Pênh tín nhiệm sử dụng điều trị trong nhiều năm qua.

Quyền Bộ trưởng Thương mại Campuchia, ông Kem Sithone, cho biết kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và nước này liên tục tăng. Kim ngạch hai chiều năm 2011 đạt 2,83 tỷ USD; năm 2012 đạt 3,3 tỷ USD; năm 2013 đạt 3,43 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất hàng qua Campuchia đạt khoảng 2,8 tỷ USD. Ông Kem Sithone tin rằng năm 2014, kim ngạch hai chiều sẽ tiếp tục đạt cao.

Theo bà Phó Nam Phượng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại-Đầu tư TP. HCM (ITPC): Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự quan tâm đến việc thiết lập kênh phân phối tại thị trường Campuchia  mà chủ yếu vẫn bán hàng cho thương nhân nước này để họ tự phân phối. Điều này khiến cho việc phân phối hàng hóa không có sự chủ động và khó điều chỉnh trong những thời điểm gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp chưa xác định Campuchia là thị trường tiềm năng, chưa có chiến lược kinh doanh dài hạn, chưa có chiến lược quảng bá, tiếp thị thị trường thường xuyên.

http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/vi-sao-campuchia-chuong-xai-hang-viet-704514.tpo

Theo Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm