Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chân trời mới của bầu Đức

Rời bỏ bất động sản, chuyển khu vực hoạt động trọng tâm sang Lào, Campuchia hay Myanmar, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đã tự mở ra chân trời mới với nhiều sự hứng khởi và hy vọng.

Hướng mới, vùng đất mới

Chưa hết bất ngờ vì sự phát triển trong ngành cao su và mía đường, giới đầu tư tuần qua lại xôn xao tin "bầu Đức đi chăn bò" khi Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàng Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) công bố dự án nuôi 100.000 con bò tại Lào, đồng thời trồng 10.000 ha ngô hai vụ sau khi thử nghiệm thành công.

Kế hoạch trồng mía, ngô rồi tận dụng thực phẩm để nuôi bò trên thực tế đã được nhiều nhà đầu tư nghĩ tới và viết thư góp ý cho bầu Đức. Tuy nhiên, ông chủ HAGL đã tính trước, cho triển khai và khi được công bố nó đã vượt ngoài sức tưởng tưởng của các nhà đầu tư.

Sự hứng khởi của giới đầu tư không chỉ ở việc "bầu Đức đi chăn bò" mà còn vì quy mô của dự án quá lớn: 100.000 con, gấp vài lần số bò của bất kỳ doanh nghiệp (DN) nào trong nước. Theo kế hoạch, ban đầu, bầu Đức sẽ nuôi bò thịt lấy kinh nghiệm, sau đó là bò sữa và sẽ hướng tới một thương hiệu về sữa, ví dụ như "Bầu Đức Milk".

Chưa hết bất ngờ vì sự phát triển trong mảng cao su và mía đường, giới đầu tư lại xôn xao tin
Chưa hết bất ngờ vì sự phát triển trong mảng cao su và mía đường, giới đầu tư lại xôn xao tin "bầu Đức đi chăn bò"..

Trước đó, giới đầu tư đã bất ngờ với khối lượng cũng như giá thành sản phẩm mía đường của HAGL. Vụ tạm nhập tái xuất (sang Trung Quốc) 30.000-40.000 tấn đường của HAGL gây ồn ào dư luận hồi đầu năm 2014. Là doanh nghiệp bất động sản không chuyên về nông nghiệp, nhưng khi thâm nhập vào lĩnh vực này, HAGL và bầu Đức ngay lập tức thành công, gây sóng gió trên thị trường. Giá thành đường của HAGL rất rẻ, nhờ giá mía của doanh nghiệp này ở nước ngoài chỉ bằng khoảng 50% giá mía tại Việt Nam.

Với bầu Đức, trồng mía đường hay ngô là ngắn hạn như một bước đệm để tập trung phát triển "cú đấm thứ nhất" là trồng cao su ở Lào. Song song với việc tìm hướng đi mới cho doanh nghiệp thoát khỏi bất động sản để nhảy sang nông nghiệp, bầu Đức cũng tìm kiếm cơ hội ở những vùng đất mới mà chưa có nhiều doanh nghiệp Việt tìm đến như Lào, Campuchia hay Myanmar.

Lào, Campuchia gắn với các lĩnh vực đầu tư mới là cao su, mía đường, ngô và cọ dầu. Còn ở Myanmar, bầu Đức quay lại với sở trường của mình là bất động sản. "Cú đấm thứ hai" của bầu Đức có lẽ sẽ làm thay đổi cục diện bất động sản Myanmar.

Đúng với phong cách của mình, bầu Đức bước sang vùng đất mới Myanmar âm thầm, thậm chí giấu cả cổ đông để mua mảnh đất vàng hơn 8ha tại Yangon từ năm 2011 với giá chỉ 700 USD/m2, sau đó bất ngờ công bố khởi công dự án bất động sản hàng trăm triệu USD tại đây, nhằm khai phá một thị trường mà nguồn cung mặt bằng cho thuê cao cấp rất khan hiếm, giá thuê cao.

Cùng tất biến hay tầm nhìn xa của đại gia?

Cùng với việc công bố kế hoạch nuôi bò tại Lào, bầu Đức cũng cho biết mục tiêu lợi nhuận 2014 của HAGL là tăng trưởng 50% so với 2013. Dự kiến, lợi nhuận sau thuế khoảng 1.460 tỷ đồng. Các dự án nông nghiệp của HAGL đã bắt đầu có doanh thu sau 5 năm (2008-2013) đầu tư. Bên cạnh đó, trong năm nay, HAGL sẽ bắt đầu thu lợi nhuận từ việc trồng ngô ở Campuchia và Lào. Bầu Đức khẳng định: "Với lợi thế quỹ đất trên 100.000 ha, ưu tiên số một là tập trung đầu tư lớn vào các ngành nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, vì tỷ suất lợi nhuận gộp của ngành này vượt trội so với lĩnh vực khác".

Bầu Đức đã tự mở ra chân trời mới với rất nhiều sự hứng khởi và hy vọng.
Bầu Đức đã tự mở ra chân trời mới với rất nhiều sự hứng khởi và hy vọng.

Bàn luận về lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là kế hoạch nuôi bò vừa được công bố, rất nhiều nhà đầu tư cho rằng, lĩnh vực vốn kém hấp dẫn này sẽ đem về siêu lợi nhuận  qua bàn tay và cách làm của bầu Đức. "Bầu Đức đúng là nông dân thứ thiệt. Thân, lá ngô, mía, cọ dầu và phụ phẩm sau thu hoạch dùng nuôi bò thì không phải bỏ nhiều tiền thức ăn mà lại có kết quả ngay. Bò lại cho phụ phẩm là phân bò, dùng để bón mía, ngô thay phân đạm rất tốt, tiết kiệm chi phí sản xuất. Sau này, HAGL lại bán sữa cho Vinamilk hay xây nhà máy sữa mới thì lợi không biết đâu mà lần. Nông nghiệp công nghệ cao, khép kín lợi lớn", một nhà đầu chia sẻ.

Trong báo cáo đưa ra hồi giữa tháng 2, công ty chứng khoán MayBank KimEng cho rằng, mía đường và cao su sẽ giúp ổn định doanh thu và lợi nhuận của HAGL dài hạn. Hơn nữa, khi toàn bộ diện tích cao su đi vào khai thác trong 3 đến 5 năm tới thì doanh thu và lợi nhuận của HAGL sẽ có sự đột biến. Theo KimEng, lợi nhuận 2014 của HAGL sẽ lớn hơn nhờ doanh thu từ nông nghiệp tăng mạnh với diện tích mía tăng thêm khoảng 80% lên 10.000ha; diện tích cao su tăng khoảng 86% lên gần 10.000ha.

Nhìn vào những bước đi của bầu Đức trong vài năm gần đây một lần nữa cho thấy, ông luôn là người đi tiên phong ở mọi lĩnh vực. Trong khi bất động sản đang nóng bỏng thì bầu Đức rậm rịch rút lui và sẵn sàng bán với giá rất rẻ để chuyển sang lĩnh vực khác. Bầu Đức đến với nông nghiệp như một hướng mới. Ông cũng tìm đến những chân trời mới như Lào, Campuchia và Myanmar để tìm kiếm cơ hội đầu tư tốt nhất. Ở đây, ông Đức có thể hiện thức hóa giấc mơ có quỹ đất hàng trăm ngàn ha, đầu tư đồng bộ theo hướng công nghệ cao, đi thăm ruộng bằng máy bay như các tỷ phú nông nghiệp thế giới.

Bầu Đức tiết lộ bí quyết làm nông nghiệp ở nước ngoài

Lấy ngắn nuôi dài và mô hình hợp tác công tư đổi hạ tầng lấy nhượng quyền đất là những bí quyết kinh doanh giúp bầu Đức có được thành công tại Đông Nam Á.

Cho tới thời điểm hiện nay, nhiều dự án của bầu Đức đã có những tín hiệu thành công như mía đường, bất động sản ở Myanmar,... Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cũng có không ít nhà đầu tư lo ngại sự rủi ro của các lĩnh vực này. Sự rớt giá của nhiều sản phẩm nông nghiệp trước đây và dấu hiệu mất giá cao su gần đây đã phản ánh điều này. Bên cạnh đó, những khoản nợ lớn luôn là một cảnh báo đối với bầu Đức này.

 

 

http://vef.vn/2014-04-22-chan-troi-moi-cua-bau-duc

Theo VietNamNet

Bạn có thể quan tâm