Tập sách Codex Sassoon quý hiếm bắt đầu được trưng bày vào tháng 2 vừa qua. Ảnh: Eric Helgas / The New York Times. |
Codex Sassoon được xem là tập ghi chép Kinh thánh tiếng Do Thái cổ nhất và đầy đủ nhất từng được phát hiện. Cuối tháng 2 vừa qua, tin tức về tập sách được chào bán với mức giá cao kỷ lục lên tới 50 triệu USD đã thu hút sự chú ý của công chúng.
Bên cạnh đó, hình ảnh các thủ thư không dùng bao tay khi cầm cuốn sách quý giá này cũng nhanh chóng tạo nên một làn sóng chỉ trích khiến các chuyên gia bảo quản sách phải lên tiếng giải thích.
"Tại sao họ cầm sách mà không đeo găng tay vải? Thật đáng xấu hổ”, một độc giả viết trong phần bình luận của tờ The New York Times khi trang này đăng bức ảnh người thủ thư đang chạm vào những trang sách cũ nát. “Bức ảnh này thật đáng lo ngại. Tại sao người này chạm vào một cuốn sách cũ như vậy mà không đeo găng?”, một người khác viết.
Tờ The New York Times cho biết các dòng tweet và email liên tục được gửi đến tòa soạn ở mức "đáng báo động". Không những thế, các thư viện sách hiếm trên khắp thế giới cũng bị độc giả chất vấn về việc dùng bao tay.
Bàn tay khô, sạch và sự thận trọng là đủ
Dường như đây không phải là lần đầu công chúng nổi giận vì vấn đề này, còn các chuyên gia bảo tồn sách quý hiếm thì tỏ ra mệt mỏi bởi niềm tin không thể lay chuyển của công chúng rằng những cuốn sách cũ nên được xử lý bằng găng tay cotton trắng.
“Chuyện găng tay, nó sẽ không chết”, Maria Fredericks, giám đốc bảo tồn tại Thư viện và Bảo tàng Morgan, nói với vẻ mệt mỏi. “Mỗi khi nó xuất hiện, tôi lại thở dài thườn thượt. Và sau đó tôi đưa ra dăm ba lời giải thích của mình về lý do tại sao nó lại như vậy”, Eric Holzenberg, giám đốc Câu lạc bộ Grolier, hiệp hội tư nhân lâu đời nhất của quốc gia dành cho những người sưu tập sách, cho biết.
Các chuyên gia đều thống nhất rằng việc sử dụng găng tay đem lại nhiều nguy hiểm hơn là bảo vệ sách. Găng tay làm giảm xúc giác của người cầm, làm tăng khả năng họ có thể vô tình làm rách một trang, làm lem mực, làm bung các mảnh rời hoặc tệ hơn là làm rơi cuốn sách.
Găng tay vải không được khuyến khích sử dụng trong các thư viện sách cổ. Ảnh minh họa: Smithsonian Libraries and Archives. |
Hơn nữa, găng tay vải cũng không giúp cuốn sách sạch sẽ hơn bởi chất liệu vải chứa nhiều bụi bẩn. Chúng còn thường làm cho tay đổ mồ hôi, tạo ra độ ẩm có thể làm hỏng trang giấy cũ. Găng tay cao su thì chống ẩm và vừa vặn hơn với tay nhưng lại quá cồng kềnh. Các thủ thư cho biết họ chỉ sử dụng trong một số trường hợp ngoại lệ. “Cách tốt nhất để tiếp xúc với một cuốn sách quý hiếm là làm sạch tay và thận trọng”, Mark Dimunation, người đứng đầu của bộ phận sách hiếm và bộ sưu tập đặc biệt tại Thư viện Quốc hội Mỹ cho biết.
Một số thủ thư thận trọng còn tháo nhẫn, đồng hồ. Một số thư viện thậm chí còn cấm sơn móng tay trong suốt. Nước rửa tay và kem dưỡng da cũng là những thứ không nên dùng.
Những lầm tưởng về găng tay
Quan điểm cho rằng những cuốn sách quý hiếm nên được tiếp xúc qua một lớp găng tay vẫn khá phổ biến. Nó bắt nguồn từ niềm tin khác rằng kho lưu trữ thì thường bụi bặm. Trong khi đó, găng tay trắng mang lại cảm giác về sự thuần khiết, giá trị, địa vị.
“Khi mọi người nói về những cuốn sách quý hiếm, đôi khi họ đang nghĩ với một ảo tưởng về giá trị của quá khứ”, Barbara Heritage, Phó giám đốc và người phụ trách các bộ sưu tập tại Rare Book School, chia sẻ. Heritage cho rằng chính vì thế mà nhiều người sẽ “sốc” khi thấy những cuốn sách quý giá được cầm nắm bằng tay không. “Nhưng đó là cách những cuốn sách này được tạo ra và được đọc”, bà nói.
Trong một bài báo học thuật năm 2005 - Những nhận thức sai lầm về Găng tay trắng - các tác giả cho rằng khuôn mẫu đã bén rễ trong tâm trí công chúng từ những năm 1990 nhờ vào các hình ảnh trong danh mục lưu trữ hay từ phim ảnh.
Ngày nay các nhà đấu giá thường sử dụng chúng trong các bức ảnh công khai, để tăng thêm hào quang, giá cả cho một cuốn sách. Nhiều thủ thư cho biết họ thường được yêu cầu đeo găng tay trắng trong các thước phim và hình ảnh để tránh bị công chúng chỉ trích.
Găng tay cao su được sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt như lấy mẫu nghiên cứu từ sách cổ, bìa sách làm từ ngà voi, kim loại hay sách nhiễm độc tố. Ảnh: John Cairns / Science. |
Đương nhiên, vẫn có những ngoại lệ. Một số loại tài liệu ảnh, những cuốn sách làm từ ngà voi, được đóng bìa kim loại, hoặc một số loại vải sẽ được tiếp xúc bằng loại găng tay cao su nitrile sạch. Ví dụ, cuốn Kinh thánh Lincoln từng sử dụng mà Barack Obama và Donald Trump dùng để tuyên thệ nhậm chức (bằng tay không), đôi khi được di chuyển bằng găng tay để tránh làm hỏng lớp bọc nhung.
Còn một trường hợp nữa là những cuốn sách chứa chất độc. Vào thế kỷ 16 và 17, những người đóng sách đôi khi tái chế giấy phế thải rẻ tiền làm bìa, rồi phủ lên đó một lớp sơn xanh có pha asen để làm giả da. Trong thời kỳ Victoria, một số nhà xuất bản đã sử dụng vải đóng sách được nhuộm bằng các màu như màu xanh lá cây của Scheele, một màu được sản xuất công nghiệp cũng chứa asen. Các thủ thư thường thận trọng khi tiếp xúc với những cuốn sách này để tránh bị ngộ độc.