Cùng với kênh website và mạng xã hội, việc lên sàn TMĐT sẽ tạo nên thế kiềng ba chân, hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ kinh doanh tăng trưởng.
Thương mại điện tử đa kênh thôi thúc doanh nghiệp “lên sàn”
Khó khăn thường gặp của các hộ kinh doanh hay doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) là phải tự vận hành các kênh truyền thông, quảng cáo trong bối cảnh thiếu ngân sách và nhân lực.
Trước khi “lên sàn” hồi cuối tháng 4, siêu thị là kênh bán hàng chủ lực của Công ty chăn nuôi và chế biến thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood). Doanh nghiệp này cũng phát triển một website bán hàng riêng, tuy nhiên chi phí đầu tư và duy trì khá cao. Chưa kể, nếu không chạy quảng cáo hay có các hình thức marketing hiệu quả, website thường có lượt truy cập thấp, đồng nghĩa không tạo được doanh thu.
“Chúng tôi tự thực hiện các chiến dịch truyền thông, quảng cáo trên báo chí, đài truyền hình, tổ chức sự kiện… nhưng hiệu quả so với chi phí bỏ ra chưa như mong muốn”, bà Minh An - Phó trưởng phòng Kế hoạch Đầu tư Sagrifood - cho biết.
Không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ ngân sách và nhân sự chuyên nghiệp để làm truyền thông. |
Không có mạng lưới phân phối offline hay ngân sách truyền thông lớn như doanh nghiệp, với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, mạng xã hội có lẽ là kênh bán hàng kiêm truyền thông phổ biến nhất.
Tuy nhiên, một chuyên gia từ Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) nhận định rất khó để đánh giá tiềm năng của thương mại mạng xã hội, bởi yếu tố mua bán đảm bảo lẫn thanh toán an toàn vẫn chưa rõ ràng. Hành lang pháp lý cho thương mại mạng xã hội cũng chưa có. Vị này cho rằng mạng xã hội chỉ góp phần giúp TMĐT phổ biến hơn.
Mạng xã hội là kênh bán hàng phổ biến nhưng cũng tồn tại nhiều điểm yếu. |
Trong bối cảnh bùng nổ của TMĐT, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm đa kênh thay vì trung thành với một kênh duy nhất. Cụ thể, khảo sát của HBR chỉ ra 73% trong số 46.000 người đánh giá cao trải nghiệm mua sắm đa kênh của cửa hàng online. Còn theo báo cáo thường niên của Sapo năm 2019, 97% cửa hàng online áp dụng bán lẻ đa kênh. Trong đó, hơn 54% chủ shop sở hữu 5 kênh bán hàng.
Từ những con số trên, có thể thấy rằng việc mở rộng kênh buôn bán online, trong đó có sàn TMĐT, là xu hướng rõ rệt. Đó cũng là lý do Sagrifood, cũng như rất nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh khác, quyết định “lên sàn”.
Doanh nghiệp được gì khi "lên sàn"?
Chọn "lên sàn", cái lợi đầu tiên nhà bán lẻ nhận được là tham gia tập huấn, hỗ trợ sử dụng công cụ của sàn để thu hút người mua (như livestream, công cụ hiển thị và tiếp cận khác hàng...), đồng thời hưởng lợi từ hạ tầng và dịch vụ logictics chuyên nghiệp, không ngừng được nâng cấp.
“Lên sàn” giúp doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ logictics chuyên nghiệp. |
Nhà bán hàng còn có thể tận dụng độ phủ quảng cáo đa nền tảng của sàn TMĐT để tiếp cận nhiều người dùng hơn. Đơn cử, hiện diện khắp 6 thị trường Đông Nam Á, sàn Lazada hỗ trợ nhiều thương hiệu tiếp cận hệ sinh thái TMĐT ưu việt cùng các gói giải pháp tài trợ hiệu quả như tiếp thị liên kết, công cụ tài trợ từ khóa.
Với giải pháp tiếp thị liên kết, sàn này tận dụng mạng lưới tiếp thị với hơn 1.000 đối tác, bao gồm các nhà sáng tạo nội dung, trang web có lượt truy cập cao, mạng lưới hàng đầu và các ứng dụng hoàn tiền để quảng bá và bán sản phẩm.
Trong khi đó với công cụ tài trợ từ khóa, sản phẩm của thương hiệu sẽ được ưu tiên xuất hiện ở trang kết quả tìm kiếm, từ đó tăng mức độ hiển thị của sản phẩm đến đúng khách hàng đang có nhu cầu.
Hộ kinh doanh nhỏ có thể tiếp cận nguồn khách lớn nhờ độ phủ của sàn TMĐT. |
Trong và sau Covid-19, nhiều sàn TMĐT còn chủ động kết nối các ngân hàng với nhà bán hàng để có những khoản vay ưu đãi. Nhiều chính sách thu hút các doanh nghiệp thực phẩm tươi sống, nông sản “lên sàn” cũng được ra mắt, giúp doanh nghiệp vượt khó để phát triển kinh doanh tốt hơn.
Với Sagrifood, sau hai tháng “lên sàn”, mức tăng trưởng doanh thu so với tháng đầu đạt 600%. Dù còn nhiều bỡ ngỡ khi thao tác trên gian hàng, hay xử lý đơn giao đến khách, nhưng nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình từ đội ngũ Lazada, mọi khó khăn của doanh nghiệp đều được giải quyết, đồng thời nhận được phản hồi khá tốt từ khách hàng.
“Đây là một sự khởi đầu tốt để chúng tôi có thể tiến xa hơn trên thị trường online”, bà Minh An chia sẻ.
Tuyến nội dung “Thương mại điện tử” do Zing và nền tảng TMĐT Lazada đồng hành thực hiện, nhằm mang đến cho doanh nghiệp và độc giả những thông tin hữu ích về xu hướng kinh doanh và tiêu dùng thời đại số.
Bình luận