Từ khoảng 4 tỷ USD vào năm 2015, quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2020 có thể đạt 13 tỷ USD nếu giữ tốc độ tăng trưởng ở mức 30%. Tất cả đều nhờ sự ủng hộ từ người tiêu dùng, cũng như tính ưu việt của TMĐT.
Cần gì đều có TMĐT lo
Chị Diệu Linh, 35 tuổi, là nhân viên văn phòng tại Hà Nội. Smartphone của chị cài 3-4 ứng dụng TMĐT. Chị cũng theo dõi kha khá cửa hàng trên Facebook, Instargram. Một tuần vài ba lần, chị lại đặt đồ ăn về văn phòng. Không nhận mình là người ghiền mua sắm online nhưng thực tế, chị dành không ít thời gian cho TMĐT mỗi tháng.
Những người tiêu dùng như chị Linh ngày nay không hiếm. Hơn một phần ba dân số, tức 30 triệu người Việt Nam, đã tham gia mua hàng online. Năm 2018, ước tính chi tiêu của mỗi người cho TMĐT là 208 USD. Mục tiêu của Chính phủ đến năm 2025 là 55% dân số tham gia mua sắm online, với mức chi trung bình 600 USD/người/năm.
Việt Nam đặt mục tiêu hơn nửa dân số mua sắm online vào năm 2025. Ảnh: Hoàng Kiệt. |
Người tiêu dùng tìm đến TMĐT vì tính tiện dụng và đa dạng mặt hàng. Trong đó, 10 nhóm sản phẩm được tìm mua nhiều nhất theo báo cáo của We Are Social và Hootsuite đầu năm nay, là thực phẩm và đồ uống (24%); mẹ và bé (20%); nhà cửa đời sống (19%); thời trang và làm đẹp (17%); trò chơi trực tuyến (14%); đồ điện tử (13%); dịch vụ du lịch (12%); dịch vụ nghe nhạc trực tuyến (9,2%).
Đáng chú ý, đồ ăn nhanh lọt vào nhóm 8 sản phẩm được người bán thuê ngoài dịch vụ giao hàng nhiều nhất. Kết quả này phù hợp với sự nổi lên của nhiều doanh nghiệp giao đồ ăn nhanh thời gian qua.
Những kênh mua sắm được ưa chuộng nhất
Sự ra đời của hàng loạt sàn TMĐT như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo... những năm gần đây khiến khái niệm mua sắm online gần gũi hơn. Người mua có nhiều lựa chọn hơn, đồng thời đòi hỏi người bán xuất hiện tại nhiều kênh hơn để tối đa hóa nhu cầu.
Theo Sách trắng TMĐT Việt Nam 2019, tỷ lệ người dùng thường xuyên truy cập các kênh mua sắm online là 68% với sàn TMĐT, 51% với mạng xã hội/diễn đàn và 41% với thương mại di động. Điều này chứng tỏ sàn TMĐT đang là miền đất hứa.
Nhiều doanh nghiệp đã "lên sàn" để nắm bắt cơ hội tăng doanh thu. |
Song song đó, kinh doanh trên mạng xã hội vẫn phát triển nhưng bộc lộ nhiều điểm yếu bởi yếu tố mua bán đảm bảo, thanh toán an toàn chưa rõ ràng. Ông Lê Hải Bình - chuyên gia từ Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) - đánh giá thương mại mạng xã hội chỉ góp phần giúp TMĐT truyền thống phổ biến hơn.
Nhận định này không sai, khi mạng xã hội đang là kênh tiếp thị và chăm sóc khách hàng phổ biến của không chỉ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) mà còn cả doanh nghiệp lớn, đơn cử như Lazada. Tính tới hiện tại, fanpage của sàn này đã có hơn 29,78 triệu người theo dõi.
Ngoài 2 kênh kinh doanh trên, vẫn có sự hiện diện của các website doanh nghiệp. Người dùng tìm đến các website này chủ yếu qua tìm kiếm Google chứ ít khi chủ động truy cập. Thực tế theo Sách trắng, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá bán hàng qua website đạt hiệu quả cao chỉ 28%, qua mạng xã hội là 26% và qua ứng dụng di động đạt cao nhất với 59%.
Sành mua sắm online, người tiêu dùng vẫn lấn cấn điều gì?
Chất lượng hàng hóa là rào cản hàng đầu với người mua sắm online. Họ lo sợ hàng không tốt hoặc giá chưa chuẩn, từ đó mong muốn tham khảo ý kiến người từng mua. Có 29% người khảo sát cho biết họ sẽ xuống tiền nếu đọc được đánh giá tích cực từ người quen.
Khi đã chọn được sản phẩm ưng ý, khâu đặt và thanh toán càng đơn giản sẽ càng được yêu thích. Có lẽ đây là lý do gần 90% người dùng chọn phương thức nhận hàng trả tiền (COD), xuất phát từ tâm lý "tiền trao cháo múc", cũng như ngại điền thông tin rườm rà.
Tuy nhiên, các hình thức thanh toán không tiền mặt như dùng thẻ, ví điện tử đang dần được yêu thích nhờ tiện lợi, an toàn cho người dùng, cũng như tăng doanh thu cho nhà bán nhờ nhiều ưu đãi kích cầu.
Ví điện tử ngày càng phổ biến trong mua sắm online. Ảnh: Vân Anh. |
Một mối quan tâm nữa của khách hàng là chất lượng và phí giao hàng. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử, Việt Nam hiện có hơn 50 đơn vị giao hàng nhanh, tăng 10 lần trong 5 năm qua. Năm 2019 chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của một số startup logistics như Ninja Van, Ahamove, J&T Express, GrabExpress kết hợp với các sàn TMĐT, giúp giao hàng nhanh chóng, đảm bảo.
Từ phía chủ quan, các sàn TMĐT cũng nỗ lực giải quyết lo ngại của khách hàng bằng cách tăng độ an toàn của giao dịch, cải thiện chính sách đổi trả hàng, giảm hoặc miễn phí giao hàng… Đơn cử, Lazada vừa công bố ưu đãi 5 ngày với điểm nhấn freeship toàn sàn trong khung giờ vàng, freeship đơn từ 149.000 đồng, freeship 20.000 đồng cho đơn từ 49.000 đồng...
Miễn phí giao hàng cũng là chiến lược của nhiều sàn TMĐT khác nhằm xây dựng trải nghiệm mua sắm tốt cho người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy mua sắm trực tuyến tại Việt Nam.
Tuyến nội dung “Thương mại điện tử” do Zing và nền tảng TMĐT Lazada đồng hành thực hiện, nhằm mang đến cho doanh nghiệp và độc giả những thông tin hữu ích về xu hướng kinh doanh và tiêu dùng thời đại số.
Bình luận