Học viện bóng đá Evergrande ở Quảng Đông (Trung Quốc) là một trong số những cơ sở đào tạo cầu thủ bóng đá nổi tiếng nhất ở quốc gia tỷ dân.
Học viện này mở cửa vào năm 2012 với mục tiêu "hồi sinh bóng đá Trung Quốc và nuôi dưỡng các ngôi sao bóng đá tương lai". Đây là cơ sở hạ tầng quan trọng được kỳ vọng sẽ giúp bóng đá Trung Quốc vươn tầm thế giới vào giữa thế kỷ 21.
Quang cảnh Học viện Bóng đá Evergrande của Trung Quốc. Ảnh: Marca. |
Tiền cũng không đủ
Theo SCMP, học viện này tốn hơn 156 triệu USD để xây dựng, gồm hơn 20 tòa nhà theo phong cách lâu đài, một ký túc xá rộng 21.000 m2 và 4 tòa tháp chứa các căn hộ đầy đủ tiện nghi dành cho nhân viên.
Khán phòng trong học viện đủ chỗ cho hơn 1.000 người và sân vận động có sức chứa hơn 3.000 người, tương đương với tầm cỡ của một CLB tại Tây Ban Nha. CNN từng ví von học viện này với ngôi trường Hogwarts trong truyện Harry Porter, hoặc "thứ gì đó trong phim của Disney".
Học viện Evergrande kết hợp với Real Madrid và đảm bảo đầu ra tốt cho các học viên xuất sắc. Ảnh: El Pais. |
Giám đốc quan hệ công chúng Lee Lingzhi tiết lộ: “Có 2.500 học viên đang theo học với mức học phí 7.700 USD/năm. Những học viên tiềm năng nhất sẽ được đưa vào đội hình ưu tú và nhận học bổng toàn phần”.
Sau khi tốt nghiệp, những học viên giỏi nhất sẽ được đưa tới Madrid để luyện tập trong chương trình kết hợp cùng Real Madrid. Đầu ra khi về nước sẽ là CLB Guangzhou Evergrande, một trong những đội bóng mạnh nhất Trung Quốc.
Dẫu vậy thì con đường này không khiến bóng đá Trung Quốc nở mày nở mặt. "Bóng đá Trung Quốc vẫn rất tệ", Mikel Lasa, người phụ trách đào tạo các học viên lớn nhất nhấn mạnh. "Các cầu thủ thiếu kỹ năng và hiểu biết về cuộc chơi. Tôi phải dạy đi dạy lại các bước căn bản, thậm chí với những người đã thi đấu chuyên nghiệp. Họ thiếu tài năng".
Tham vọng và vỡ mộng
Tham vọng của Trung Quốc là đội tuyển nước này sẽ tham dự World Cup, tổ chức đăng cai giải đấu này và vô địch nội trong 30 năm tới. Một kế hoạch đầy tham vọng có tên “Chương trình Cải cách và Phát triển bóng đá Trung Quốc” cũng được thành lập.
Kế hoạch hướng tới việc tăng số lượng trường tiểu học và cấp hai mà bóng đá đóng vai trò chủ đạo trong môn thể dục từ 5.000 lên 20.000 trường vào năm 2020, đạt 50.000 trường vào năm 2025. Chính phủ mong muốn 50 triệu người Trung Quốc sẽ chơi bóng đá và 30 triệu trong số đó được đào tạo bài bản.
Chính phủ Trung Quốc đặt kỳ vọng cực lớn vào công tác bóng đá học đường. Ảnh: Zigor Aldama. |
Song kế hoạch này đang vấp phải những vấn đề cơ bản. Bà Kayleigh Renberg-Fawcett, Giám đốc Trung tâm Bóng đá Trung Quốc - Anh nhấn mạnh cơ hội trở thành cầu thủ tại Trung Quốc bị giới hạn bởi nền giáo dục nước này. Nếu không chơi bóng đủ tốt ngay từ đầu, những đứa trẻ gần như không thể theo đuổi sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp.
Miguel Laibaen, 28 tuổi, là một trong số 22 HLV được Real Madrid cử tới Học viện Evergrande để đào tạo. Labaien khẳng định việc sống quá kỷ luật khiến những đứa trẻ Trung Quốc khó theo đuổi giấc mơ bóng đá.
"Môn thể dục ở đây giống như quân đội vậy. Ở châu Âu, chúng tôi chơi nhiều môn thể thao, còn ở Trung Quốc họ tập thể dục tập thể. Sự thiếu tự do khiến lũ trẻ sống rất kỷ luật, nhưng thiếu đam mê, sáng tạo và dũng cảm. Chúng sợ đưa ra quyết định và ngại nói lên suy nghĩ của mình", Labaien cho biết.
Những đứa trẻ chỉ nhìn Laibaen giảng chiến thuật nhưng không có sự giao tiếp qua lại, và gặp khó trong việc áp dụng chúng trên sân cỏ.
Những cầu thủ nhí Trung Quốc không chịu giao tiếp với nhau và với giáo viên. Ảnh: Zigor Aldama. |
“Nếu bạn không nói chính xác những gì cần phải làm, chúng sẽ vô vọng. Chúng cũng hiếm khi giao tiếp với nhau trên sân, nên việc học kỹ chiến thuật trở nên bất khả thi”, Labaien tiếp tục. “Tình trạng tương tự cũng xảy ra trong lớp học. Chúng đứng dậy chào giáo viên vào đầu giờ trước khi im lặng trong suốt thời gian còn lại”.
Nhiều bất cập cũng khiến bóng đá Trung Quốc dậm chân. Javier Ferreras là một trong những tuyển trạch viên (scout) của Học viện Evergrande. Ông thường đi xa tới các vùng duyên hải để tìm kiếm những đứa trẻ “có kỹ thuật và hiếu động, bởi đó là phẩm chất mà phần lớn giới trẻ Trung Quốc thiếu sót”.
Phụ huynh Trung Quốc coi bóng đá là ngành công nghiệp tương lai và sẵn sàng "chạy" cho con em vào học viên với giá 1.500 USD. Ảnh: CNN. |
Dẫu vậy thì công việc tuyển trạch này của Ferreras cũng bị can thiệp bởi từ bên ngoài. Ông tiết lộ mình từ chối rất nhiều phong bì từ các phụ huynh muốn con em theo học tại Học viện Evergrande.
“Nhiều người nhận thức được rằng bóng đá có thể trở thành ngành kinh doanh lớn. Thậm chí một số phụ huynh đưa ra mức giá lên tới 1.500 USD để giúp con họ được nhận vào học viện", ông nói.
Chính sách dân số kìm hãm bóng đá
Những cầu thủ trẻ Trung Quốc tỏ ra thiếu đi tinh thần đồng đội, điều tối quan trọng trong bóng đá.
"Tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy các cầu thủ ở đây không ăn mừng bàn thắng. Họ quay lưng lại và tiếp tục chơi như không có gì xảy ra. Chúng tôi phải ép họ ôm lấy nhau sau một chiến thắng, nhưng họ cảm thấy lúng túng và không thực hiện một cách tự nhiên", Manu Merino, một HLV người Tây Ban Nha tại học viện, cho biết.
Ông Lasa tin rằng chính sách đẻ 1 con của Trung Quốc là nguyên nhân của tình trạng này.
Chính sách đẻ 1 con khiến những đứa trẻ Trung Quốc thiếu tinh thần đồng đội và chỉ quan tâm đến chính mình. Ảnh: CNN. |
"Chúng được giáo dục từ gia đình và nhà trường để trở thành người giỏi nhất, nhưng không biết cách hợp tác và quan tâm tới người khác. Điều này có thể hiệu quả với những môn thể thao cá nhân mà Trung Quốc vượt trội nhờ khả năng hy sinh của các vận động viên, nhưng không áp dụng được trong bóng đá hoặc bất cứ môn thể thao đồng đội nào khác. Nếu đội bóng thua 1-20, họ vẫn chẳng quan tâm trừ khi chính mình là người ghi bàn", huấn luyện viên Lasa nói thêm.
Nhà báo Jonathan White của SCMP cũng cho rằng chính sách một con tồn tại suốt 37 năm ở Trung Quốc đã tác động tới sự phát triển của bóng đá.
"Chủ nghĩa cá nhân không phải đặc điểm của riêng Trung Quốc, nhưng chính sách một con đã góp phần gây ra điều này. Ảnh hưởng trầm trọng của nó lên mỗi cá nhân thể hiện qua việc không biết phối hợp theo nhóm, chia sẻ hay làm gì đó khác ngoài trở thành trung tâm của sự chú ý", nhà báo giải thích.
Merino tiết lộ bản thân từng tin bóng đá Trung Quốc sẽ cần 20 năm để phát triển khi mới tới đây. Song sau 3 năm làm việc, con số này với vị HLV Tây Ban Nha giờ lên tới 60 năm. Nhà báo Jonathan White cũng bày tỏ sự hoài nghi về kế hoạch trở thành cường quốc bóng đá của Trung Quốc vào năm 2050.
U22 Trung Quốc thua U22 Việt Nam 0-2 ngay trên sân nhà. Ảnh: IC Photo. |
“Trung Quốc cần đưa cầu thủ trẻ vào chơi ở đội một của những đội bóng tại giải VĐQG, và cả thế giới. Những CLB Trung Quốc cũng cần giành các danh hiệu lớn. Tất cả điều đó phải đến trước khi hy vọng làm nên chuyện tại World Cup”, White nói.
Các đội bóng chấp nhận mất 1 quyền thay người còn hơn là sử dụng cầu thủ U23. Hồi cuối tháng 6, CLB Tianjin Tianhai thay người khi trận đấu chỉ mới diễn ra được vỏn vẹn 15 giây. Cầu thủ bị thay ra là Wen Junjie, 22 tuổi.
Hồi giữa tháng 8, tân Chủ tịch Chen Xuyuan của CFA nhấn mạnh Trung Quốc sẽ sử dụng cầu thủ nhập tịch để vươn tới giấc mơ World Cup. CFA thậm chí đã hoàn thành xong thủ tục cho 9 cầu thủ, trong đó có Elksson, một cầu thủ mang dòng máu Brazil 100%.
Chi hàng trăm triệu USD cho công tác đào tạo trẻ nhưng ĐT Trung Quốc chọn cách vươn tới World Cup bằng cầu thủ nhập tịch. Ảnh: IC Photo. |
Quyết định này đi ngược lại toàn bộ kế hoạch phát triển bóng đá từ học đường mà Trung Quốc tham vọng xây dựng, nhưng lại rất thực tế với chủ nghĩa cá nhân của quốc gia này: Họ muốn là số một, và sẵn sàng làm mọi cách để đạt được điều đó nhanh nhất có thể.
Những kế hoạch đao to búa lớn được vạch ra đi kèm cùng hầu bao không đáy của chính phủ không thể giúp Trung Quốc vươn tới hàng ngũ xuất sắc của bóng đá thế giới. Chừng nào thành trì về chủ nghĩa cá nhân chưa được đạp đổ, chừng đó Trung Quốc vẫn là người khổng lồ chân đất sét ở bóng đá.