Ngay từ trước SEA Games 28, đội mất chủ công toàn diện nhất Âu Hồng Nhung vì tái phát chấn thương và đến sát VTV Cup lại gặp tổn thất khi chủ công trụ cột Đỗ Thị Minh gặp vấn đề sức khỏe. Minh gần như chỉ có thể tranh tài ở trận gặp U23 Thái Lan tại vòng bảng.
Trên thực tế, trong suốt hành trình giải, đội còn liên tục bị trục trặc về nhân sự, rõ nhất với chấn thương của chủ công đang lên Hà Ngọc Diễm. Chính những biến động trước và trong giải đã không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng, mà còn gây khó cho việc hình thành một đội hình, lối chơi ổn định.
Tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam toàn thắng 5 trận ở vòng ngoài nhưng sa sút thể lực ở những trận đấu quyết định nên chỉ đứng hạng tư tại VTV Cup 2015. Ảnh: Quang Phát. |
Khi mà tình trạng thể lực còn tốt, kèm theo quyết tâm và nỗ lực cao, ĐT Việt Nam với một Ngọc Hoa rực sáng, cùng 2 gương mặt trẻ Trần Thanh Thúy, Bùi Ngà tiến bộ vượt bậc, đã vượt khó để hoàn thành xuất sắc vòng bảng với 5 trận toàn thắng. Tuy nhiên, bước vào giai đoạn quyết định, cụ thể là trận bán kết và tranh hạng ba, tình thế thay đổi hẳn.
Sau vòng đấu bảng, rõ ràng, tình trạng thể lực chung của cả ĐT Việt Nam đã chạm tới giới hạn, và các cầu thủ đều đồng loạt sa sút, có lẽ chỉ ngoại trừ chủ công 18 tuổi cao 1,9 m Trần Thanh Thúy. Một phần vì suốt từ đầu năm các tuyển thủ cày ải quá nhiều giải đấu, trong đó có SEA Games 28, tổ chức vào tháng 6 chứ không phải cuối năm như thường lệ.
Phần quan trọng nữa, mang tính trực tiếp, đội không có sự tính toán, phân phối sức hợp lý ở vòng bảng. Điều này rất khó khi giữa đội hình chính thức với đội hình dự bị có khoảng cách trình độ quá lớn, song không có nghĩa là không làm được.
Tuyển nữ Việt Nam chưa có sự chuẩn bị tốt nhất về thể lực ở giải đấu lần này. Ảnh: Quang Phát. |
Vấn đề thể lực chính là nguyên nhân gốc rễ trong cái thua của ĐT Việt Nam. Việc thể lực không đảm bảo đã làm cho đội không phát huy được những điểm mạnh của mình, đơn cử như dàn chắn cao, hay các pha đánh nhanh, trong khi lại phơi bày các điểm yếu chí tử như bắt bước một, phòng thủ hàng sau…
Nó càng trở nên nghiêm trọng khi đội quân trẻ này đánh mất sự tự tin của mình, với tâm lý sợ thua trước áp lực của sự kỳ vọng. Ở 2 trận thua cùng với tỷ số 1-3 trước U23 Thái Lan ở bán kết và CHDCND Triều Tiên tranh hạng ba, dường như ĐT Việt Nam chỉ đủ lực để thi tài trong 2 hay cùng lắm 3 hiệp. Sau đó, đội thực sự rơi vào cảnh “lực bất tòng tâm”. Trong khi đó, các đối thủ như CHDCND Triều Tiên và đặc biệt U23 Thái Lan cho thấy rõ họ đã không bung hết sức ở vòng bảng.
Phải nhìn nhận kết quả đứng hạng tư phản ánh đúng trình độ lực lượng cùng năng lực chuẩn bị của ĐT Việt Nam cho giải. Ngoài bài học kinh nghiệm sáng giá, qua “bệ phóng” VTV Cup, ĐT Việt Nam còn nâng tầm một số tài năng trẻ, nổi bật với phụ công Bùi Thị Ngà và chủ công Trần Thị Thanh Thúy. Trong đó, Thanh Thúy chắc chắn sau giải đã vươn lên vị thế trụ cột hàng đầu của ĐTQG, cũng như là một trong số ít tài năng trẻ triển vọng nhất của bóng chuyền Đông Nam Á.
VTV Cup 2015 có gì mới?
Thành công lớn nhất của VTV Cup là tạo sân chơi quý báu cho các tuyển thủ nữ Việt Nam được rèn luyện với nhiều đối thủ ở các trình độ khác nhau. Những trận đấu căng thẳng, kịch tính sẽ giúp cho dàn cầu thủ trẻ như Trần Thanh Thúy, Lê Thanh Thúy, Bùi Thị Ngà... trưởng thành hơn để gánh vác trọng trách trong tương lai.
Một thành công khác nữa của ban tổ chức giải là tạo ra không khí bóng chuyền chưa từng có ở miền đất mới như Bạc Liêu. Gần như toàn bộ 7 ngày tranh tài, khán giả đều lấp kín Nhà thi đấu đa năng tỉnh Bạc Liêu. Ở trận đấu bán kết Việt Nam - U23 Thái Lan, khán giả ngồi kín cả lối đi trên khán đài khiến ban tổ chức phải căng mình đảm bảo công tác an ninh cho giải đấu.
Công tác tổ chức của giải đấu 12 tuổi cũng ngày một chuyên nghiệp hơn. Ở giải năm nay, lần đầu tiên có DJ phối nhạc cho từng trận đấu, trong đó các đội khách mời như CHDCND Triều Tiên, ĐH Liêu Ninh (Trung Quốc), U23 Thái Lan... cũng có những bản nhạc riêng.
Một đội ngũ hoạt náo viên trên sân cùng dàn cổ động viên nhiệt tình trên các khán đài cũng cổ vũ cho tất cả đội bóng dự giải. Sự chu đáo của ban tổ chức giúp cho nhiều VĐV nước ngoài thừa nhận họ như được thi đấu ở quê hương mình.