Sông Sài Gòn đoạn qua phường Thảo Điền và An Phú, ở quận 2, TP.HCM, bị những dãy biệt thự bịt lối ra bờ sông. Các đơn vị thực hiện dự án khu biệt thự, chủ biệt thự đơn lẻ đã biến không gian mặt sông thành bến du thuyền.
Trao đổi với Zing.vn, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng cần phải khảo sát hiện trạng, quy hoạch chi tiết lại khu vực này để không gian xanh, mặt nước khu vực ven sông Thảo Điền - An Phú được tổ chức bài bản hơn, dễ tiếp cận hơn, và phục vụ tốt hơn cho mọi người dân trong khu vực.
Nghiên cứu hiện trạng
Theo ông Nam Sơn, khu Thảo Điền, quận 2, từ lâu đã dần hình thành một khu dân cư cao cấp, nhưng chủ yếu phát triển tự phát, chưa hề được thực hiện theo quy hoạch chi tiết, bài bản. Do đó, nơi này xảy ra nghịch lý là dù được xem là khu cao cấp, Thảo Điền lại thường xuyên xảy ra tình trạng ngập nước, kẹt xe, lấn chiếm bờ sông…
"Tôi nghĩ rằng khu vực này cần sớm được quy hoạch chi tiết, bài bản, đi kèm với kế hoạch chỉnh trang, nâng cấp, kết nối với các dự án mới, để xứng tầm với tiềm năng phát triển", KTS nêu quan điểm.
Bờ sông qua phường Thảo Điền - An Phú, bị hàng chục dự án bất động sản chia cắt. Trong hình là khu biệt thự Holm Residences trên đường Nguyễn Văn Hưởng. Ảnh: Lê Quân. |
Chuyên gia kiến trúc đánh giá cao tiềm năng của khu vực Thảo Điền, nơi có khí hậu tốt hàng đầu của thành phố, sông nước bao quanh, thuận tiện kết nối với mạng giao thông huyết mạch như quốc lộ, metro, đường thủy.
KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng muốn quy hoạch thì điều quan trọng trước tiên là phải nghiên cứu lại hiện trạng khu vực. Bởi vì nguyên tuyến dài bọc bờ sông Sài Gòn, không phải khu vực nào cũng còn giữ được hành lang bảo vệ ven sông, có nơi biệt thự và nhà cao tầng đã lấn chiếm hết ra sông.
Theo quy định về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, suối, kênh, rạch, mương và hồ, sông Sài Gòn là sông cấp 2, hành lang bảo vệ bờ sông phải rộng 50 m. Tuy nhiên, KTS cho rằng việc quy hoạch không nên máy móc phải cắt vào 50 m rồi đoạn nào thiếu sẽ đập phá, vì như vậy sẽ không thực tế và thành phố cũng không có đủ tiền để đền bù giải tỏa.
Điều quan trọng là phải nghiên cứu lại hiện trạng, để có giải pháp cụ thể cho từng khu vực. "Khu vực Thảo Điền phải được nhìn đúng bản chất là bao nhiêu năm bị bỏ bê, tự phát, không theo quy hoạch. Bây giờ nếu áp quy định phải lùi vào vài chục mét thì không thực tế", ông Sơn cho biết.
Theo kinh nghiệm quốc tế, vị KTS phân tích không nhất thiết phải xóa trắng khu ven sông 50 m để làm cây xanh. Quan trọng hơn là phải có tuyến đường công cộng, có tuyến buýt, lối đi bộ, xe đạp chạy ven sông. Có những đoạn đi sát bờ sông, đoạn nào có công trình hiện hữu không giải tỏa được thì chấp nhận đi vào trong rồi vòng ra lại, miễn là giữ được kết nối liên tục, nâng tầm không gian xanh, mặt nước và mở dịch vụ công cộng ven sông cho mọi người cùng sử dụng.
Ông Sơn đánh giá việc quy hoạch lại bài bản còn góp phần làm tăng giá trị du lịch cho thành phố và trả lại không gian xanh cho khu trung tâm. Gần đây, có những cuộc hội thảo cho thấy diện tích không gian xanh khu nội thành quá ít, chỉ còn 0,5 m2/người, trong khi tiêu chuẩn là 5-7 m2/người.
Do đó, cải tạo lại khu ven sông để người dân có không gian xanh, mặt nước trong lành. Để làm được điều đó phải nghiên cứu hiện trạng mới có cách làm phù hợp, khả thi cao, làm đẹp cho thành phố.
Vị KTS đánh giá lâu nay thành phố chưa đặt vấn đề quy hoạch khu này nên có thể nói hiện đã chậm, nhưng vẫn chưa phải quá muộn. "Thành phố phải làm. Bây giờ là quá chậm rồi nhưng thà làm còn hơn không".
Phải quy hoạch cả 2 bờ sông
Nhà quy hoạch kiến trúc đánh giá khu vực Thảo Điền có nhiều yếu tố thuận lợi. Do đó, nơi này cần phải được quy hoạch chi tiết, bài bản.
Về quy hoạch hành lang 2 bờ sông Sài Gòn, theo ông Nam Sơn, cho đến nay TP chỉ có định hướng muốn làm chứ chưa hề có quy hoạch chi tiết khu vực ven sông thật sự bài bản và khoa học, điều này dẫn tới chuyện người dân xây biệt thự lấn chiếm bờ sông.
Theo KTS, sau nhiều thập niên bỏ phí, quay lưng công trình ra sông thì ngày nay thành phố nên khuyến khích tổ chức lại theo hướng mở cửa ra sông. Hiện, những khu nhà cao tầng từ Vinhomes Central Park đến Sài Gòn Pearl... có tổ chức không gian xanh ven sông, nhưng chỉ thiết kế theo hướng phục vụ cục bộ, chứ chưa tạo thành mảng xanh kết nối kéo dài đến khu trung tâm, mở cửa cho dịch vụ công cộng, mà mọi người dân có thể tiếp cận dễ dàng.
"Theo tôi, lấy bán kính đi bộ 5-10 phút đến khu bờ sông, khu vực 2 bờ sông cắt ven bờ mỗi bên 400-800 m để xác định chiều rộng ranh giới khu vực ven sông. Chiều dài ranh giới nghiên cứu có thể chạy suốt từ Thanh Đa cho đến hết Tân Thuận. Cần quy hoạch cả hai bên bờ sông chứ không chỉ là một đường ven sông là đủ", chuyên gia kiến trúc nhận định.
Ngoài các dự án khu biệt thự quy mô, tại Thảo Điền có không ít những biệt thự đơn lẻ có khuôn viên rộng hàng nghìn m2 bên bờ sông. Nhiều đoạn bờ sông trở thành sân của biệt thự. Ảnh: Lê Quân. |
Ông Sơn dẫn chứng trước đây ông từng làm quy hoạch cho thành phố New York, Thượng Hải... thì đều lấy mỗi bên vào tối thiếu 400-800 m để làm quy hoạch hai bên bờ sông. Theo ông, khu bờ sông Sài Gòn cũng cần phải làm như vậy.
"Thành phố nên quan tâm quy hoạch lại toàn tuyến bờ sông Sài Gòn đi qua nội thành. Làm sao để 2 bên ven sông có quy hoạch, lấy sâu vào tạo thành tuyến giao thông công cộng, đi bộ, xe đạp, nghỉ chân, ngắm cảnh, công trình công cộng kết nối, nhà hát… Trong toàn tuyến sẽ có những điểm nhấn cũ (như Khu Trung tâm hiện hữu, Bến Nhà Rồng, Ba Son, Vinhomes Tân Cảng…) và những điểm nhấn mới như cảng Sài Gòn, Thảo Điền - An Phú, Thanh Đa…", ông Nam Sơn chia sẻ.