Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh mới ký quyết định phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2019. Theo đó, trong năm 2019, Bộ Công Thương sẽ tiến hành thanh tra 245 doanh nghiệp trong thời kỳ 2017-2018 về phòng, chống tham nhũng; quản lý, sử dụng vốn Nhà nước; đầu tư xây dựng hay giải quyết khiếu nại, tố cáo người tiêu dùng...
Thanh tra hành chính do Thanh tra Bộ chủ trì sẽ tiến hành thanh tra tại: Viện Nghiên cứu Da giày, Viện Nghiên cứu Cơ khí và một số đại học, cao đẳng. 2 doanh nghiệp cũng bị thanh tra hành chính là Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam và Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco).
Ngoài thanh tra hành chính, Thanh tra Bộ sẽ chủ trì thanh tra chuyên ngành tại Tổng công ty Gas (thuộc Petrolimex), Công ty cổ phần kinh doanh khí miền Bắc, Tổng công ty phát điện 2. Danh sách dự phòng có các Cục Quản lý thị trường tại Quảng Ninh, Bình Dương, Sóc Trăng, Hải Phòng.
Bộ Công Thương sẽ tổ chức hàng trăm cuộc thanh tra hành chính và chuyên ngành năm 2019. Ảnh: Đ.T. |
Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số dự kiến thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về thương mại điện tử tại Công ty TNHH Thương mại VHC và Công ty TNHH Recess vào 2 quý cuối năm.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng chủ trì thanh tra về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng cũng như trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng, hoạt động bảo hành.
Những doanh nghiệp nằm trong danh sách này bao gồm: Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương tín (Sacombank), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), Công ty TNHH HD Saigon, Ngân hàng TMCP Standard Chartered Việt Nam và Ngân hàng Phương Đông (OCB).
Một số doanh nghiệp đa cấp cũng sẽ bị thanh tra trong năm nay như: Thiên Sư Việt Nam, New Image Việt Nam, World Việt Nam, Morinda Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại Việt Nam Quốc tế Mưa, Công ty TNHH Người lái xe Mặt trời.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ tiến hành thanh tra nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực đặc thù như điện, xăng dầu, dược, hoá mỹ phẩm, thuỷ điện... và cả doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng như Empire, Thành Đô, Cobobay…
Trao đổi với Zing.vn, ông Lê Việt Long, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương, cho biết đây là kế hoạch thanh tra định kỳ hàng năm của Bộ.
Ông Long cũng nhấn mạnh năm nay, nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty trước kia thuộc Bộ Công Thương nay đã chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, do đó bộ chủ yếu thanh tra chuyên ngành.
Về nội dung thanh tra, ông Long cũng cho biết đã có kế hoạch cụ thể. Theo đó, hàng năm Chính phủ có chỉ đạo việc thanh tra tới Thanh tra Chính phủ. Sau đó Thanh tra Chính phủ chuyển thông tin kiểm tra những lĩnh vực trọng tâm gì cho các bộ. Các bộ ngành, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, xây dựng nội dung cụ thể.
“Năm nay, việc thanh tra các doanh nghiệp chuyển về Ủy ban thì cần xem xét vì trong cơ cấu tổ chức của Ủy ban thì không có thanh tra. Bộ Công Thương đã có văn bản hỏi Thanh tra Chính phủ hướng dẫn cụ thể, nhưng chưa có phản hồi. Do đó Bộ chủ yếu dừng lại ở thanh tra chuyên ngành”, ông nói.
Giải thích về số lượng đơn vị, doanh nghiệp bị thanh tra tăng đột biến năm 2019, ông Long giải thích do sự thay đổi cơ cấu của lực lượng quản lý thị trường. Trước kia, các chi cục quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương quản lý.
Tuy nhiên, hiện nay các chi cục đã thuộc quản lý của Tổng cục Quản lý thị trường là một cơ quan của Bộ. Do đó, các chi cục tại 63 tỉnh trực thuộc bộ. Việc xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên ngành của mỗi đơn vị như vậy, tính tổng vào sẽ làm số cuộc thanh tra chuyên ngành tăng lên. Riêng Tổng cục Quản lý thị trường thanh tra 202 trong số 245 doanh nghiệp trong danh sách năm 2019.