Các chỉ số chứng khoán Mỹ và thị trường tiền mã hóa được bao phủ bởi sắc xanh trong phiên giao dịch 15/6. Nói với Zing, chuyên gia quốc tế giải thích quyết định nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã thúc đẩy những tài sản rủi ro.
Chốt phiên giao dịch 15/6, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 303,7 điểm, tương đương 1%, lên 30.668 điểm. Chỉ số S&P 500 ghi nhận mức tăng 1,46% lên 3.789 điểm, còn chỉ số Nasdaq có thêm 270,81 điểm, tương đương 2,5%, đạt 270,8 điểm.
Còn theo dữ liệu của CoinMarketCap, tính đến 11h30 ngày 16/6 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin tăng 5,82% so với 24 giờ trước đó lên 22.327 USD/đồng. Trong vòng 24 giờ qua, giá Bitcoin có thời điểm rơi xuống hơn 20.000 USD/đồng, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 12/2020.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ vừa thông báo nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994. Ảnh: Reuters. |
Sắc xanh bao phủ thị trường
"Các tài sản rủi ro hưởng lợi khi giới đầu tư lấy lại niềm tin rằng FED sẽ nghiêm túc trong việc chống lạm phát, nhưng không nâng lãi suất mạnh tay ngoài dự kiến", ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn The Americas Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - bình luận với Zing.
Hôm 15/6, FED thông báo nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994. Như vậy, lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện nằm trong khoảng 1,5-1,75%.
Nói trong buổi họp báo sau cuộc họp, Chủ tịch FED Jerome Powell nhận định mức tăng 75 điểm cơ bản là bất thường, nhưng sẽ không diễn ra thường xuyên. Ông tiết lộ rằng trong cuộc họp vào tháng 7, cơ quan này có thể nâng lãi suất 50-75 điểm cơ bản.
Các tài sản rủi ro hưởng lợi khi giới đầu tư lấy lại niềm tin rằng FED sẽ nghiêm túc trong việc chống lạm phát, nhưng không nâng lãi suất mạnh tay ngoài dự kiến
Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn The Americas Oanda
FED cũng hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm nay từ 2,8% xuống còn 1,7%. "Việc FED nâng lãi suất mạnh nhất trong gần 30 năm và hạ dự báo tăng trưởng kinh tế không gây bất ngờ cho thị trường", ông Moya bình luận.
Theo ông, FED cần thắt chặt các điều kiện kinh tế để hạ nhiệt lạm phát. Do đó, giới đầu tư đã chuẩn bị cho những đợt nâng lãi suất lớn trong các cuộc họp tới của FED.
Rủi ro lãi suất tăng cao đã được định giá trên thị trường trong những ngày qua. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones và S&P 500 chứng kiến chuỗi giảm điểm kéo dài 5 ngày liên tiếp trước khi quay đầu tăng trong phiên giao dịch 15/6.
Đồng quan điểm, ông Craig Erlam - chuyên gia tài chính có trụ sở ở London - cho rằng các thị trường đã lường trước việc lãi suất chuẩn được nâng 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 6 và tháng 7, tiến tới mức lãi suất 3,5-3,75% vào cuối năm.
"Một số thậm chí còn cho rằng FED sẽ nâng lãi suất 100 điểm cơ bản. Nhưng điều đó khó xảy ra vào thời điểm này", ông nói thêm.
"Thông điệp mà FED gửi đi rất rõ ràng. Cơ quan này sẽ thực hiện thêm nhiều đợt nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Việc 'hạ cánh an toàn' rất khó xảy ra", ông Erlam nhận định.
Giá Bitcoin rời khỏi ngưỡng 20.000 USD
Bitcoin cũng hưởng lợi nhờ đà tăng trên thị trường chứng khoán Mỹ. "Tuyên bố của FED đã xóa bỏ nỗi lo ngại về một động thái nâng lãi suất đột ngột, nằm ngoài dự đoán. Đó là tin tốt cho hầu hết tài sản rủi ro", ông Moya tại The Americas Oanda bình luận.
Tuy nhiên, theo ông Moya, nếu Bitcoin không thể tận dụng đà tăng trưởng và thoát khỏi vùng giá nguy hiểm, đồng tiền này có thể gặp rắc rối.
"Giá Bitcoin không rơi xuống dưới ngưỡng 20.000 USD/đồng, nhưng các nhà đầu tư vẫn còn đắn đo trong việc đổ tiền vào tiền mã hóa", ông nhận định.
Theo ông Moya, ngay cả khi giá của các tài sản rủi ro đã bật tăng phần nào, giới đầu tư vẫn cẩn trọng về tình hình phía trước.
Nương theo đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ, giá Bitcoin đi lên sau khi FED nâng lãi suất cơ bản 0,75 điểm phần trăm. Ảnh: CoinMarketCap. |
Chuyên gia tài chính Erlam cũng cho rằng Bitcoin khó trở lại đà tăng trưởng mạnh mẽ như trước. "Bitcoin vẫn không phải lựa chọn hấp dẫn vào thời điểm này. Khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư đã thay đổi khi lãi suất tăng lên", ông Erlam nhận định.
"Một số người ủng hộ vẫn tin rằng Bitcoin có thể phát triển mạnh trong tương lai, nhưng ở thời điểm hiện tại, đà tăng trưởng của đồng tiền này sẽ còn gặp nhiều trở ngại", vị chuyên gia bình luận.
Ông nhắc đến một số thông tin tiêu cực xoay quanh công ty cho vay tiền mã hóa Celsius và Binance - nền tảng giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới. "Ngưỡng 20.000 USD/đồng từng được coi là mức hỗ trợ chắc chắn, giờ đã trở nên bấp bênh", ông Erlam nhận định.
Dù đã bật tăng phần nào, giá Bitcoin vẫn giảm gần 68% từ mức đỉnh 68.789 USD/đồng được thiết lập hồi tháng 11/2021. Trong vài ngày qua, hàng trăm tỷ USD đã bốc hơi khỏi thị trường tiền mã hóa.