Bầu Đức nhiều lần từ chối tranh cử Chủ tịch VFF hoặc tham gia Ban chấp hành VFF khóa VIII. Ảnh: Nguyễn Đăng. |
Thực tế, bầu Đức trong một thời gian dài kiêm cả chức Phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF và Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Ông Đức ngồi vào 2 vị trí trên, như những phát biểu đưa ra khi nhận chức, chỉ bởi nể Chủ tịch Lê Hùng Dũng và ông bầu Võ Quốc Thắng.
Ông Dũng chuẩn bị nghỉ tại đại hội 8 VFF, dự kiến diễn ra cuối tháng 4 này, còn bầu Thắng cuối năm ngoái cũng đã rút khỏi VPF. Khi nhìn lại, rất nhiều người từng cho rằng, việc ông chủ các đội bóng ở V.League lại ngồi vào chính cơ quan có thể tác động tới giải đấu là một sự bất hợp lý. Ở đây, đã có sự xung đột về lợi ích giữa các bên liên quan.
Tại Hội nghị tổng kết mùa giải của VPF năm 2012, ông bầu Nguyễn Văn Đệ (Thanh Hoá) từng gay gắt chỉ trích vấn đề này. Theo bầu Đệ, các ông bầu không được phép tham gia vào HĐQT, chỉ được góp vốn hoặc góp ý cho Ban tổ chức nhằm tránh gây khó dễ cho trọng tài trong việc điều khiển trận đấu.
Ông Đệ thậm chí đề nghị bỏ VPF hoặc nếu duy trì thì phải đặt dưới sự quản lý của VFF. Dĩ nhiên, VPF bác bỏ. Người ta vẫn nhớ là thời điểm trên, bầu Đức phủ quyết tất cả những ý kiến trên của ông Đệ. “Anh Đệ nói 10 điều thì 8 điều sai” là phát biểu của bầu Đức thời điểm trên.
Liệu các trọng tài có dám bắt chặt các tình huống trên sân của HAGL hay những đội khác vốn có ông chủ trong HĐQT VPF hay không, đặc biệt những tình huống 50-50? Bầu Đức từng một mình yêu cầu họp Ban chấp hành VFF để phế truất Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi ở mùa trước. Ông Mùi chỉ tại vị sau khi gần hết thành viên BCH VFF không ủng hộ yêu cầu trên của bầu Đức.
Việc trả lời câu hỏi trên có thể tùy quan điểm và cách nhìn của mỗi người, ở đây chỉ dẫn thêm một thực tế khác. Trong hơn 3 năm vừa qua, HAGL là đội bóng có số cầu thủ được triệu tập vào các đội tuyển quốc gia áp đảo so với phần còn lại của V.League. Và ngoại trừ một vài lần hạn hữu, lần nào công luận cũng một phen ì xèo chuyện có hay không HLV trưởng ưu ái với quân của bầu Đức.
Xuân Trường thường xuyên dự bị ở Hàn Quốc, với số lần ra sân chỉ đếm trên đầu ngón tay vẫn chắc suất ở các đội tuyển. Ở đây, yếu tố phong độ chắc chắn đã không được xét tới, như cách HLV Park Hang-seo mới vừa qua không triệu tập Văn Quyết vào đội tuyển Việt Nam. Tương tự là các trường hợp khác như Công Phượng hay Tuấn Anh.
HAGL luôn áp đảo ở các đội tuyển quốc gia bất chấp phong độ cũng khiến bầu Đức nhận nhiều ánh mắt nghi ngờ. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Bầu Đức có thể không tạo nên một tác động nào, nhưng dư luận chắc chắn có quyền đánh giá hay nghi ngờ. Chỉ tới thời điểm hiện tại, khi những Xuân Trường, Văn Toàn hay Văn Thanh thực sự khẳng định được năng lực chuyên môn, những bàn tán trên mới giảm đi. Đây hiển nhiên không phải chuyện bầu Đức cảm thấy vui vẻ, thoải mái.
Nếu nhìn vào 5 năm tại nhiệm trên ghế Phó chủ tịch phụ trách tài chính, bản “CV” tranh cử của bầu Đức cũng sẽ rất kém ấn tượng nếu so với người tiền nhiệm, là đương kim Chủ tịch Lê Hùng Dũng hiện nay. Không ai phủ nhận tâm huyết của ông Đức với bóng đá Việt Nam. Người trong giới cũng tin rằng, bầu Đức mới là người phóng khoáng thực sự, chứ không phải bất kỳ ông bầu nào khác ở V-League. Cách bầu Đức hỗ trợ 400 triệu đồng cho Quế Ngọc Hải hay việc ông Đức thưởng tiền tỉ cho U22 Việt Nam trước thềm SEA Games 29 là một ví dụ. Tuy nhiên ông Đức lên nắm quyền đúng lúc tập đoàn HAGL gặp khó khăn.
Bầu Đức rốt cuộc đã từ chối tranh cử Chủ tịch VFF, với lý do công tác nhân sự thiếu minh bạch. Đây đó đồng thời dẫn lời ông Đức tuyên bố sẽ lên lộ trình cho HAGL rút khỏi V.League. Đây chắc chắn là một kết cục không ai mong muốn. Trái với những trường hợp rút khỏi bóng đá trước đây như Hoà Phát hay Sài Gòn Xuân Thành, bầu Đức và HAGL là một phần quan trọng và cũng hấp dẫn của bóng đá Việt Nam.