Barca luôn tự hào với khẩu hiệu "Mes que un club" (Hơn cả một CLB) bởi tính dân chủ của đội bóng này. Đội bóng sẽ thuộc về CĐV, do người hâm mộ bỏ tiền, điều hành và bảo vệ. Những trường hợp như Roman Abramovich hay Nasser Al-Khelaifi sẽ không thể tồn tại được ở Camp Nou.
Chính sách và tư tưởng của Barca chống lại việc một ông bầu thôn tính và điều khiển đội bóng đi theo hướng mình muốn, qua đó tránh khỏi những trường hợp CLB bị các ông chủ bòn rút tiền của như nhà Glazer làm với MU nhiều năm qua.
Dẫu vậy, chính sự dân chủ này đã tạo ra Barca luôn gặp hỗn loạn ở khâu thượng tầng, mà những gì diễn ra trong thời gian qua là ví dụ không thể tiêu biểu hơn.
Chủ tịch Josep Bartomeu là nhân vật tâm điểm trong những hỗn loạn vừa qua của Barca. Ảnh: Getty. |
Kẻ hèn nhát
Ông Emil Rosaud là một trong 6 quan chức của Barca bất ngờ từ chức hồi giữa tuần. Cựu phó chủ tịch Barca bị Chủ tịch Joseph Bartomeu ép rời khỏi Barca theo thông tin từ báo chí Tây Ban Nha. Ông Bartomeu chuẩn bị bước vào năm cuối cùng trong nhiệm kỳ điều hành đội chủ sân Camp Nou và chỉ muốn những nhân vật thân tín nhất trợ giúp mình.
Một cuộc hoạch định (hay thanh trừng) nhân sự đã diễn ra và ông Rosaud là một trong 6 nhân vật bị trảm. Chính ông Rosaud xác nhận lại thông tin này. Trả lời Marca, ông nói: "Tôi cảm thấy bị phản bội vì những lý do mà Bartomeu đưa ra. Chúng phi lý".
"Điều khiến tôi tức giận hơn cả chính là ông ấy chọn thời điểm này để làm chuyện đó, và cũng chẳng phải cuộc gặp, mà là thông qua điện thoại".
Đây không phải lần đầu tiên một vị chủ tịch Barca ép buộc thủ hạ phải ra đi thông qua động thái mờ nhạt như thế.
Huyền thoại Johan Cruyff (phải) từng bị đá khỏi Barca sau đòn đâm sau lưng từ Chủ tịch Josep Nunez (trái). Ảnh: Getty. |
Ngày 18/5/1996, báo chí Tây Ban Nha từng rúng độ khi Barca xác nhận Bobby Robson sẽ trở thành HLV trưởng đội bóng, gián tiếp xác nhận huyền thoại số một trong lịch sử đội bóng Johan Cruyff mất việc.
Trước đó chỉ 2 ngày, Cruyff có cuộc gặp với Chủ tịch Josep Nunez và PCT Joan Gaspart và không được thông báo bất kỳ điều gì. Cruyff sau đó tới Camp Nou để nói chuyện phải quấy. Phó chủ tịch Joan Gaspart ngỏ ý muốn bắt tay để bắt đầu câu chuyện, huyền thoại người Hà Lan đã đẩy ra và đáp trả: "Ngươi là kẻ phản bội".
Trong cuốn sách Barca của Jimmy Burns, Cruyff khi ấy không giấu được sự tức giận: "Sao chuyện này có thể xảy ra được chứ? Nunez không có gan để nói với tôi về các vấn đề một cách trực tiếp mặt đối mặt được ư?".
Cuộc cãi vã chỉ kết thúc khi Gaspart dọa sẽ gọi cảnh sát tới để tống Cruyff khỏi Camp Nou vì tội gây rối. Huyền thoại vĩ đại bậc nhất lịch sử Barca còn bị đối xử như vậy, thì không khó để hiểu cách những nhân vật kiểu như Emi Rosaud của hôm nay bị đá đít.
Những cú đâm trong bóng tối
Mang tiếng là đội bóng dân chủ và được những CĐV điều hành, song Barca chưa từng chứng kiến điều kỳ diệu nào ở cương vị chủ tịch của CLB. Chẳng CĐV nào của Barca có thể đứng ra cạnh tranh chức vụ chủ tịch Barca nếu không sở hữu 77 triệu euro trong tài khoản.
Đây không hẳn là tài sản của người tranh cử, nhưng là khoản tiền cho thấy khả năng vận động và các mối quan hệ đủ rộng của họ, có thể đi vay mượn và quyên góp rồi trả lại sau bầu cử.
Những ứng viên còn phải có điều kiện đủ vận động được tối thiểu 2.534 chữ ký từ các “socio” (các thành viên chính thức của CLB) chỉ để có tên trên lá phiếu. Năm 2015, hội CĐV có tên Seguiment FCB, bị loại khỏi cuộc đua vì thiếu 14 chữ ký so với quy định.
Messi bị chính chủ tịch Barca bôi nhọ bằng những tin đồn liên tiếp trên mạng xã hội. Ảnh: Getty. |
Những người vào vòng đấu cuối cùng khi ấy đều là các cựu chủ tịch Barca và các quan chức cấp cao từng dính líu tới đội bóng.
Họ vừa có tiền, quyền đồng thời chẳng phải lo những ông chủ bên ngoài tới phế truất mình. Những cuộc biểu tình nhỏ lẻ từ các CĐV hoàn toàn có thể bị dập tắt trong chốc lát.
Trên hết, họ sẵn sàng đạp những thủ hạ ngay dưới chân mình. Chủ tịch Barca, Josep Bartomeu, đã chiêu mộ hẳn một công ty truyền thông với giá 1 triệu euro, cao gấp 10 lần giá thị trường, chỉ để bôi nhọ chính những cầu thủ của đội nhà như Lionel Messi, Gerard Pique hay người cũ Pep Guardiola trên mạng xã hội.
Mục tiêu của Bartomeu khá rõ ràng: Hạ thấp những nhân vật chóp bu để tự nâng mình lên.
Bất chấp việc ông Bartomeu phủ nhận toàn bộ những tin đồn này và chấm dứt hợp đồng với công ty truyền thông nọ, thì câu chuyện giờ chỉ còn là vấn đề thời gian: Công ty kiểm toán danh tiếng PwC đã vào cuộc và xác nhận mọi thứ sẽ sáng tỏ trong ít ngày tới.
Những quan chức bị ép buộc rời Barca như Emil Rosaud đang kêu gọi cuộc bầu cử mới diễn ra ngay trong mùa hè này, sớm 1 năm so với thời hạn kết thúc nhiệm kỳ của Bartomeu, nhằm đẩy vị chủ tịch tai tiếng này khỏi Camp Nou.
Dẫu vậy, đây liệu đã là giải pháp cho mọi vấn đề? Không ai rõ. Sau Bartomeu, rất có thể sẽ có một vị chủ tịch X nào đó với nhiều tiền bạc, quyền lực và cả sự tinh quái hơn tới với Camp Nou. Những đấu đá nội bộ sẽ không bao giờ chấm dứt.
Goal ví những gì diễn ra tại Barca là "Cuộc chiến vương quyền". Khó có điều gì chuẩn xác hơn thế. Chỉ tội nghiệp những cầu thủ và CĐV Barca chứng kiến đội bóng con cưng liên tục bị xỉa xói và mỉa mai trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.