Bão số 12 - Damrey (Con voi) đổ bộ sáng 4/11 khiến 10 tàu chở hàng với hơn 100 thuyền viên gặp nạn tại khu vực cảng Quy Nhơn (Bình Định). Trong đó, 8 tàu chở hàng (6 tàu Việt Nam, 2 tàu nước ngoài) bị sóng lớn nhấn chìm. Hai tàu còn lại mắc cạn.
Bình Định đã huy động hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an cứu sống 71 thuyền viên trôi dạt từ các tàu chìm. Vụ việc khiến 11 người chết, 2 người còn mất tích.
Trong tình thế khẩn cấp, thuyền trưởng tàu FEI YUE9 (quốc tịch Mông Cổ) quyết định lao tàu vào gành đá ở phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) để cứu các thuyền viên trong bão số 12. Ảnh: Minh Hoàng. |
Đối mặt “sóng thần”
Ông Nguyễn Văn Thuấn, Chủ tàu hàng Thanh Hải 18, cho biết rạng sáng 4/11, sau khi trả hàng, tàu trên hành trình từ TP.HCM về Quảng Ninh. Khi tàu của ông đến vùng biển Quy Nhơn neo trú bão thì gặp nạn.
Chủ tàu chia sẻ nhận tin báo, ông và các thuyên viên cứ ngỡ bão vào từ Khánh Hòa đến Bình Thuận neo đậu tàu ở vùng biển Quy Nhơn vẫn an toàn.
Rạng sáng 4/11, những cột sóng lớn như ngôi nhà hai tầng bao trùm lên boong tàu gây sự cố chập điện mất khả năng điều động tàu. Tàu trôi dạt tự do trong sóng to, gió lớn vào bãi biển Quy Hòa. Rất may các thuyền viên an toàn.
Còn ông Nguyễn Văn Tài (ngụ Thanh Hóa), thuyền trưởng tàu Nam Khánh 26, cho hay ông cùng 11 thuyền viên may mắn được cứu sống. Khi con tàu này trên hành trình từ TP Hải Phòng đến Cần Thơ, đi ngang qua vùng biển Quy Nhơn thì nghe tin bão số 12.
“Tôi đã gọi cho trực ban của Cảng vụ Quy Nhơn để xin vào khu neo đậu trú bão của cảng. Nhưng họ báo rằng trong đó quá chật, không vào được, phải neo đậu ở ngoài cho an toàn”, ông Tài kể.
Lực lượng cứu hộ, cứu nạn khảo sát chuẩn bị trục vớt xác tàu hàng chìm trên luồng lạch ra vào Cảng Quy Nhơn. Ảnh: Minh Hoàng. |
Tàu của ông lập tức neo đậu ngang phao số 0. Nhưng do ảnh hưởng bão quá lớn, lưới giã cào của tàu cá bị sóng cuốn quấn chặt vào chân vịt, khiến máy chính hư hỏng không chạy được. Gió giật mạnh, nhiều cột sóng cao hơn 8 m như “sóng thần” liên tục bủa xuống nhấn chìm tàu.
Thảm họa lịch sử
Ông Bùi Văn Vương, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn (Bình Định), cho biết vùng neo đậu tàu thuyền phía trong cảng Quy Nhơn chỉ có 7 điểm neo. Trong mùa mưa bão nếu tận dụng tối đa thì neo đậu được khoảng 20 tàu.
Trước thời điểm xảy ra bão, tất cả tàu hàng trong cảng dưới 3.000 tấn đều được neo hết trong cảng. Khi đó, tổng số lên đến 53 tàu hàng và hàng nghìn tàu cá nên vùng neo không còn chỗ.
Theo ông Vương, các tàu thuyền đi ngang qua đến trú bão không thể vào bên trong nên dừng ở phao số 0 trú tạm. Nếu cảng vụ để tàu chở hàng cỡ lớn vào sẽ phá cầu cảng, thiệt hại vô cùng lớn.
Vị này khẳng định trên các tàu hàng đều có trang thiết bị đón sóng dự báo thời tiết từ đài trong nước, hoặc của Nhật Bản, Philippines, Hải quân Mỹ. Cứ 3 tiếng đồng hồ sẽ có một bản tin thời tiết toàn bộ thế giới trên cổng VHF, HF.
Các thuyền trưởng căn cứ vào các bản tin dự báo để đưa ra quyết định. Họ có thể lao vào bãi cát hay lao lên cạn để cứu tàu, cứu thuyền viên.
Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn dẫn chứng trong bão số 12 vừa qua, thuyền trưởng tàu FEI YUE9 (quốc tịch Mông Cổ) đã chủ động quyết định cho lao tàu vào gành đá ở phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) để cứu các thuyền viên.
“Thuyền trưởng phải giữ tàu đến cùng. Bởi tàu còn hàng hóa chứ không phải tàu cá mà bỏ. Chỉ trong tình huống cấp bách, thuyền trưởng mới được bỏ tàu. Đó là quy định của ngành hàng hải”, ông Vương nói.
Một trong 8 tàu chở hàng chìm trên vùng biển Quy Nhơn trong bão số 12. Ảnh: Minh Hoàng. |
Theo ông Vương, trong lịch sử của cảng chưa bao giờ lượng tàu neo đậu trong và ngoài cảng lớn đến vậy. Các tàu đi ngang qua trú bão quá lớn, vào cũng không được đi cũng không xong.
Đây là sự cố chìm tàu chở hàng trong bão nghiêm trọng, thiệt hại nặng nhất từ trước đến nay xảy ra ở địa phương.
Chủ tịch UBND Bình Định Hồ Quốc Dũng
Tại cuộc họp triển khai công tác khắc phục và bàn biện pháp ứng phó với bão lũ (ngày 5/11), ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã giao Công an tỉnh vào cuộc điều tra.
Theo đó, cơ quan công an phải làm rõ vì sao nhiều tàu hàng không vào cảng Quy Nhơn neo đậu, phải neo ở phao số 0, khiến nhiều tàu hàng bị chìm gây thiệt hại nặng nề về tài sản và người.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết theo quyết định của Bộ GTVT, cảng Quy Nhơn chỉ đảm bảo khoảng 30 tàu chở hàng trú tránh bão.
Thời điểm trước bão số 12, có 104 tàu chở hàng có nhu cầu vào cảng tránh bão. Cảng vụ Hàng Hải Quy Nhơn ưu tiên sắp xếp vị trí tàu đánh cá trước và 53 tàu hàng, còn lại 51 tàu buộc phải neo ở phao số 0 nên khi bão số 12 ập đến gây thiệt hại nặng nề.
Vị Chủ tịch tỉnh Bình Định cho biết thêm qua nắm thông tin các thuyền trưởng, thuyền viên còn sống thì họ cho rằng nghe Đài báo bão vào Nam Phú Yên đến Khánh Hòa nên tàu công suất lớn neo đậu ở vùng biển Quy Nhơn vẫn an toàn...
Đổ lỗi cho cơ quan khí tượng
Trao đổi với Zing.vn, ông Liễu Minh Hoài, Phó giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn lý giải yếu tố sóng to cùng gió quá lớn là nguyên nhân gây ra vụ việc đáng tiếc này. Ông Hoài cho biết khi cơn bão số 12 đổ bộ, các tàu cho rằng khu vực cảng Quy Nhơn sóng êm và ổn định, song điều kiện thực tế lại không đạt yêu cầu để tránh bão.
"Chúng tôi đặt dấu hỏi với các nhà khí tượng thủy văn. Trong tất cả bản tin dự báo, họ đã không đề cập gì đến Quy Nhơn, Bình Định cần phải chạy bão", ông Hoài nói.
Phản bác ý kiến này, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng và thủy văn Trung ương, khẳng định các bản tin dự báo bão của trung tâm đã nêu rõ các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận có nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão.
Đường đi dự báo của bão số 12 (vào 14h30 ngày 2/11, trước khi bão đổ bộ 36 giờ). Vùng màu đỏ là bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 13-15, mở rộng từ Bình Định tới Ninh Thuận, vùng màu hồng bán kính gió mạnh tới cấp 6 từ Đà Nẵng đến Cà Mau. Ảnh: NCHMF. |
Theo ông Cường, dự báo khu vực Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có gió mạnh cấp 9-11, giật cấp 14 cùng sóng lớn được chỉ rõ trong bản tin phát lúc 5h sáng 3/11. Khu vực biển từ các tỉnh Quảng Ngãi đến Bình Thuận (bao gồm cả vùng biển Bình Định) đã nằm trong vùng gió mạnh và liên tục được thông báo trong các bản tin tiếp theo, đến khi bão không còn ảnh hưởng đến khu vực.
Trong bản tin dự báo chiều 3/11, vùng biển từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận có gió mạnh dần lên cấp 6-7, đến đêm gió mạnh cấp 8-9. Gần sáng và ngày 4/11, gió tăng lên cấp 9-10, vùng gần bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 15, biển động dữ dội.
Trong hội nghị trực tuyến với các địa phương chiều 6/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận công tác dự báo có tiến bộ. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định việc dự báo bão số 12 về hướng bão, tốc độ, cường độ bão, lượng mưa là chính xác, hạn chế tổn thất cao nhất về người và tài sản.
Phê bình lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn
Trong Thông báo số 230 ngày 6/11, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng phê bình lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn và yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc không kịp thời báo cáo số lượng tàu thuyền bị trôi, đắm tại khu vực Cảng biển Quy Nhơn để có biện pháp ứng cứu kịp thời.
Chủ tịch tỉnh yêu cầu Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn báo cáo cụ thể nguyên nhân nhiều tàu hàng không vào khu vực Cảng Quy Nhơn tránh bão bị sóng đánh chìm. Căn cứ vào đó, UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng.