“Không danh hiệu nào trong tận 12 năm - vì sao thành tích đấu cúp của Conte lại tệ như vậy?”, đó là tiêu đề bài viết của phóng viên địa phương theo sát CLB Chelsea, Nizaar Kinsella trên tờ Goal năm 2018.
Khi ấy Conte đang dẫn dắt sư tử xanh thành London và chuẩn bị đối mặt MU của Jose Mourinho ở chung kết FA Cup tại SVĐ Wembley.
Đè nặng lên ông, là sức ép tâm lý cùng những lời dè bỉu về việc chưa từng lên ngôi ở một đấu trường cúp nào từ khi làm HLV chuyên nghiệp.
Cần nói ngay là thống kê ấy không tính đến hai chức vô địch Siêu Cúp Italy năm 2012 và 2013 (danh hiệu vốn chỉ cần thắng một trận duy nhất để lên ngôi và không được đánh giá cao về mặt chuyên môn). Khi dẫn dắt những Arezzo, Bari, Siena, Juventus và một mùa cầm Chelsea trước đó, thành tích đấu cúp tốt nhất của Conte là về nhì ở Coppa Italia mùa 2011/12.
Tủ danh hiệu đấu cúp trống trơn khác một trời một vực so với thành tích của Conte ở đấu trường league. Khi đó, ông đã giành 4 Scudetto cùng Juventus, thậm chí còn lập kỷ lục vô địch với số điểm cao nhất lịch sử là 102 ở Serie A mùa 2013/14. Đến tận ngày nay, sau tròn một thập kỷ, kỷ lục ấy vẫn chưa bị phá vỡ.
Conte từng cùng Juve giành được số điểm vô tiền khoáng hậu ở đấu trường vô địch quốc gia, nhưng lại vô duyên ở các giải cúp. |
Một thành tích ấn tượng khác: Ngay ở mùa đầu tiên chuyển sang Chelsea, ông đã dẫn dắt họ trở lại ngôi vương Premier League cùng các học trò nổi bật như Diego Costa, N'Golo Kante, David Luiz...
Một HLV ở đẳng cấp cao như thế, sao lại luôn chật vật ở đấu trường cúp? Câu hỏi này cần cả một nghiên cứu khoa học kỹ càng để lý giải.
Nhưng tin rằng, trong số những câu trả lời sẽ có chỗ cho một số yếu tố khách quan, thiếu sót trong lối cầm quân và cả quá khứ khi còn là cầu thủ của ông.
Đi tìm lời giải
Từ những ngày đầu bước vào nghiệp huấn luyện, Conte đã được xem là HLV ưu tiên sự tập trung cho giải league. Xu hướng này có thể là do ông khởi đầu với những đội bóng từ rất nhỏ đến nhỏ, thường xuyên canh cánh nỗi lo xuống hạng.
Ở đấu trường cúp quốc nội, ngay mùa đầu tiên dẫn dắt Juventus 2011-12, Conte từng đưa Bà đầm già vào đến chung kết Coppa Italia song lại gục ngã trước Napoli ở nửa cuối hiệp hai. Thất bại 0-2 năm ấy “được” giới truyền thông và các khán giả Calcio đặt cho biệt danh “La maledizione della Coppa Italia” (lời nguyền của Coppa Italia).
Không biết có phải do quá buồn với kết quả ấy không mà hai mùa liên tiếp sau đó, Conte có xu hướng để những trụ cột như Andrea Pirlo, Paul Pogba, Claudio Marchisio, Carlos Tevez hay cả lão tướng Gianluigi Buffon nghỉ ngơi ở đấu trường này. Ông ưu tiên cho Serie A và việc theo đuổi những kỷ lục điểm số lịch sử như đã đề cập.
Mức độ ưu tiên này được duy trì tương đối nguyên vẹn trong các mùa giải về sau của Conte. Ông quả thật đã cùng Chelsea đánh bại Man United để lên ngôi ở FA Cup mùa 2017/18, nhưng đó cũng là chiếc cúp quốc nội duy nhất đến nay trong sự nghiệp của HLV này.
Sáu năm đã trôi qua kể từ ngày đó, Conte vẫn chưa tìm lại được (hay không quá chú tâm để tìm lại) một khoảnh khắc đưa ông lên ngôi ở cúp quốc nội như quả penalty đánh bại David de Gea của Eden Hazard.
Nếu không tính hai chiếc Siêu cúp Italy, FA Cup 2017/18 là danh hiệu cúp quốc nội duy nhất cho đến nay của HLV Conte. |
Ở cúp châu Âu thì là câu chuyện rất khác. Đó là nơi mà cả Conte và giới chủ đều muốn bung những gì tinh túy nhất để chạm đến các danh hiệu.
Thế nhưng, thành tích tốt nhất cho đến nay của Conte tại Champions League chỉ là vòng tứ kết mùa 2013/14 cùng Juventus. Đối với đấu trường hạng hai Europa League thì là chung kết mùa 2019/20 cùng Inter Milan, tức vẫn gục ngã trước cổng thiên đường.
Ở trường hợp này, bên cạnh yếu tố khách quan rằng các cúp châu Âu là những đấu trường rất khó để giành chiến thắng, đòi hỏi rất nhiều thành phần kết hợp để làm nên một nhà vô địch, thì một điểm yếu trong cách dụng binh của Conte đã lộ rõ từ nhiều năm trước và chưa được khắc phục.
Điểm yếu này đặc biệt hại ông khi bước vào vòng knock-out, đặc biệt là trận lượt về mang tính quyết định: Conte không giỏi xoay chuyển chiến thuật trong ngắn hạn. Ông cũng không quyết đoán trong việc dùng đòn đánh phủ đầu trong những thế trận buộc phải thắng.
Hãy nhìn vào thất bại gần nhất ở vòng 1/8 Champions League mùa giải này: Tottenham của Conte bị AC Milan chọc thủng lưới từ phút thứ 7 ở trận lượt đi, tức ông còn rất nhiều thời gian để điều chỉnh và thử nhiều cách để tìm bàn gỡ, nhưng vẫn trắng tay rời Italy.
Đến lượt về, trong thế buộc phải thắng, đến tận phút thứ 34 Tottenham mới bắt thủ thành Mike Maignan trổ tài lần đầu tiên. Màn nhập cuộc chậm chạp kéo theo sự sa lầy vào một cuộc chiến cân bằng để rồi đến tận những phút cuối, Spurs vẫn không dồn ép nổi đối thủ để ghi bàn kéo trận đấu vào hiệp phụ.
Thậm chí ở nửa cuối hiệp hai, HLV Stefano Pioli bên phía đối diện còn dùng cả 4 sự thay đổi người để đưa các tiền đạo và tiền vệ vào sân. Ông biết mình chỉ cần ngăn chặn áp lực từ xa là đủ an toàn cho Rossoneri.
Cái cách Tottenham để Milan cầm hòa ở lượt về trên sân nhà giống hệt kiểu thua của Juventus trước Benfica ở bán kết Europa League mùa 2013/14.
Conte lặp lại sai lầm của gần chục năm trước, khiến Tottenham thất bại. |
Năm ấy, Bà đầm già do Conte dẫn dắt thua 1-2 ở lượt đi tại Bồ Đào Nha. Đến lượt về, dù tung toàn bộ binh hùng tướng mạnh không sót một hảo thủ nào - từ Pirlo, Arturo Vidal, Pogba đến Tevez, Fernando Llorente trên hàng công, Juve vẫn không thể tìm đường đến khung thành của Jan Oblak. Trận lượt về đó cũng kết thúc với tỷ số 0-0.
Những vết thương sâu và xa hơn thế
Không như nghiệp HLV, Conte từng giành nhiều danh hiệu ở đấu trường cúp khi còn là cầu thủ. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc thiếu vắng những kỷ niệm thương đau.
Năm 1996, Juventus vừa trở về từ Rome sau khi vô địch Champions League lần thứ hai trong lịch sử CLB. Đó là khoảnh khắc chiến thắng và đỉnh cao trong sự nghiệp của Conte. Nhưng nỗi đau thể xác mà ông trải qua trên chuyến bay trở về Turin ấy thật khủng khiếp.
Trước đó, Conte rời sân ngay trước giờ nghỉ trận chung kết với Ajax. “Chỉ vì một va chạm nhỏ thôi”, Conte nhấn mạnh, nhưng ông không biết rằng cú huých với người đồng đội tương lai Edgar Davis còn tệ hơn nhiều so với tưởng tượng.
Conte vừa trải qua những nỗi đau vượt ngoài phạm vi bóng đá. |
Pha va chạm ấy đã làm đứt một động mạch nhỏ ở chân khiến máu rỉ ra và các cơ xung quanh bắt đầu sưng lên. Sau đó Conte còn làm chấn thương trầm trọng hơn khi cố tập tễnh cầm cúp đi ăn mừng vòng quanh ở Stadio Olimpico.
Chân của Conte cứ thế sưng lên để rồi khi máy bay hạ cánh, ông phải đi thẳng vào xe cứu thương thay vì xe buýt mui trần để diễu hành. “Trong khi các đồng đội ăn mừng cùng CĐV thì tôi được đưa vào bệnh viện. Tôi thậm chí còn không nhớ đó là bệnh viện nào”, Conte kể.
Chính chấn thương ấy khiến Conte vắng mặt ở EURO 1996, giải đấu khởi tranh chỉ vài tuần sau đó. Ngồi nhà xem tivi, Conte chứng kiến Azzurri bị loại sớm một cách nhục nhã: “Tôi chưa từng trải nghiệm nỗi đau thể xác lẫn tinh thần nào ghê gớm đến thế trong sự nghiệp của mình”.
Tiếp đó, một chấn thương gối khiến Conte phải ngồi ngoài trong chiến thắng của Juventus ở giải đấu mà giờ đây được gọi là Club World Cup, cũng như cả trận chung kết Champions League tiếp theo với Borussia Dortmund.
Dẫu vậy, chính chung kết Champions League năm 2003 với AC Milan mới là thứ khiến Conte thức trắng.
Đối đầu địch thủ đồng hương năm ấy, Juventus không có ngôi sao Pavel Nedved trong đội hình vì án treo giò. Đó là cú sốc cho đội nhưng lại là cơ hội để Conte - khi ấy đã 34 tuổi - sắm vai người hùng. Anh vào sân ngay sau khi hiệp một kết thúc, thay cho đàn em Mauro Camoranesi.
Conte hồi tưởng: “Chỉ vài phút trôi qua sau đó và rồi khoảnh khắc khiến tôi hối tiếc nhất trong sự nghiệp xuất hiện. Ký ức ấy vẫn còn sống động, Alessandro Del Piero tạt bóng vào từ cánh trái, tôi chiếm lợi thế so với Alessandro Nesta và bay người đánh đầu. Phía khung gỗ, Dida đã đứng chôn chân rồi. Quả bóng chỉ còn việc bay vào lưới mà thôi nhưng bằng cách nào đó, nó đã dội xà và bay ra ngoài”.
“Tôi chết điếng. Bật dậy trong ngỡ ngàng, tôi hét lên trong thịnh nộ. Bởi cơ hội đó, ngoài sự tiếc nuối của cá nhân tôi, còn là cơ hội tốt nhất trong một trận đấu mà càng kéo dài thì rủi ro càng cao”. Juventus sau cùng thất bại trên chấm luân lưu ngày hôm ấy.
Vậy là đã tương đối rõ ràng, dù đây chưa phải một nghiên cứu kỳ công, đầy đủ và chính xác nhất để lý giải vì sao HLV Conte có thành tích đấu cúp tệ hại. Ngoài các yếu tố khách quan, ưu tiên trong chiến lược, thiếu sót trong khả năng huấn luyện, còn tồn tại cả ảnh hưởng của cái duyên và những vết hằn tâm lý nữa.
Conte vẫn còn cơ hội để cải thiện khuyết điểm lớn nhất trong sự nghiệp của mình. Nhưng có lẽ không phải là cùng Tottenham, và càng không phải ở mùa giải này - giai đoạn mà tinh thần của ông vừa có thêm những vết sẹo lớn.
Từ đầu sự nghiệp, Conte luôn gắn bó với các trợ lý HLV thể lực đỉnh cao như Bertelli hay Pintus. Và vào cuối năm 2022 vừa qua, một cộng sự tín cẩn như thế, cánh tay mặt của Conte ở Tottenham là Gian Piero Ventrone đã đột ngột qua đời vì bệnh bạch cầu ở tuổi 62.
Hai tháng sau, thêm một người bạn thân khác của Conte, cựu đồng đội ở Juventus - Gianluca Vialli cũng ra đi vì tái phát bệnh ung thư.
Trước cả vai trò HLV, Conte là một con người. Thật khó để đòi hỏi ông phá cái dớp lớn trong sự nghiệp chỉ ít lâu sau những mất mát to lớn ấy.
Cuốn sách “I think therefore I play” của danh thủ Andrea Pirlo với chấp bút của người bạn Alessandro Alciato xuất bản năm 2013 mang tới chân dung rõ nét nhất về tiền vệ huyền thoại của bóng đá Italy. Cuốn sách ghi lại những giai thoại bất hủ về sự nghiệp của Pirlo, như khoảnh khắc vô địch World Cup 2006.