Khi vòng loại thứ hai World Cup 2022 vẫn còn một lượt trận, tuyển Việt Nam là đội Đông Nam Á duy nhất còn cơ hội đi tiếp. 7 đại diện khác gồm Philippines (bảng A), Campuchia (bảng C), Singapore (bảng D), Myanmar (bảng F) cùng bộ ba Malaysia, Thái Lan, Indonesia (bảng G) đều không còn cơ hội.
Tim Cahill và cả khán phòng bật cười trước lá thăm kỳ dị, đưa 4 đại diện Đông Nam Á vào cùng một bảng hồi năm 2019. Ảnh: Quang Thịnh. |
Những lá thăm kỳ lạ cho Đông Nam Á
Chuyên môn đương nhiên là lý do lớn nhất dẫn tới thất bại của các đại diện Đông Nam Á. Nhưng bên cạnh yếu tố chủ quan, có những nguyên nhân khách quan khiến bóng đá khu vực không thể hiện được hết tiềm năng ở sân chơi châu lục.
Thứ nhất, kết quả bốc thăm đẩy các đại diện Đông Nam Á vào thế bất lợi. Bảng G vòng loại World Cup 2022 có tới 4 đại diện Đông Nam Á là Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Indonesia.
Kết quả bốc thăm không tưởng này khiến những người có mặt trong buổi lễ ở trụ sở AFC hồi tháng 7/2019 phải ồ lên kinh ngạc. Tim Cahill, huyền thoại bóng đá Australia, bật cười ngỡ ngàng khi tấm thăm trên tay anh hiện lên cái tên Việt Nam.
Vòng loại này có 40 đội tuyển châu Á, trong đấy góp mặt 8 đại diện Đông Nam Á, chia vào 5 nhóm hạt giống khác nhau. Xác suất cho 4 đội Đông Nam Á ở 4 nhóm khác nhau rơi vào cùng một bảng là cực thấp. Vậy mà điều không tưởng ấy vẫn diễn ra. Ngạc nhiên hơn, nó diễn ra tận 2 lần.
Trước đó, ở vòng loại World Cup 2018, điều tương tự cũng diễn ra khi tuyển Việt Nam, Thái Lan, Indonesia rơi vào cùng một bảng đấu. Hai đội còn lại là Iraq và Đài Loan (Trung Quốc).
Việc các đội mạnh của Đông Nam Á liên tục rơi vào cùng một bảng khiến sức cạnh tranh của khu vực này giảm đi rõ rệt. Nếu không phải đối mặt Việt Nam, Thái Lan hay Malaysia có đủ thực lực cho cuộc đua tới ngôi nhì ở những bảng đấu khác.
Indonesia trước khi sa sút cũng rất đáng gờm. Trước lễ bốc thăm năm 2019, tuyển Việt Nam chỉ thắng 1, hòa 1, thua 2 trước Indonesia trong 4 trận gần nhất. Trong nhóm 8 đội ở nhóm hạt giống số 5, Indonesia mạnh vượt trội, bỏ xa những cái tên cùng nhóm như Nepal, Guam hay Sri Lanka.
BLV Shebby Singh của Fox Sports từng thừa nhận bảng G của 4 đội Đông Nam Á là bảng đấu rất khó: “Không có trận nào dễ dàng ở bảng đấu này. Thực lực các đội tuyển không quá chênh lệch, vì vậy, từng điểm số sẽ quyết định cơ hội đi tiếp của Việt Nam, Thái Lan...”.
Trước dịch bệnh, tuyển UAE gây thất vọng. Nhưng khi bóng đá trở lại, họ thể hiện sức mạnh khủng khiếp ở bảng G vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á. Đồ họa: Minh Phúc. |
Gần 2 năm “đóng băng” vì Covid-19
Lý do thứ hai khiến các đội Đông Nam Á khốn đốn ở vòng loại World Cup là dịch Covid-19. Bất chấp kết quả bốc thăm không thuận lợi, nhiều đại diện Đông Nam Á đã gây ấn tượng mạnh trong giai đoạn đầu vòng loại.
Ở bảng A, Philippines giành 7 điểm sau 5 trận hồi năm 2019, với điểm nhấn là trận hòa không bàn thắng trước Trung Quốc. Nhưng khi vòng loại World Cup trở lại đầu tháng 6, Philippines thua Trung Quốc 0-2.
Singapore còn ấn tượng hơn. Đội bóng tới từ đảo quốc sư tử lấy 4 điểm từ tay Palestine, Yemen, hai đội dự Asian Cup 2019, tại bảng D, bảng đấu “tử thần”. Nhưng khi bóng đá trở lại sau gần 2 năm, Singapore thua 0-4 trước Palestine, 0-5 trước Uzbekistan.
Cục diện ở bảng G cũng diễn ra tương tự. Tuyển Việt Nam, Malaysia, Thái Lan chia nhau 3 vị trí dẫn đầu vòng loại.
Việt Nam, Thái Lan thậm chí còn đánh bại ông lớn UAE. Nhưng sau thời gian “đóng băng”, gã khổng lồ Tây Á trở lại, đè bẹp mọi đối thủ và đang hừng hực khí thế trước ngày tái đấu Việt Nam.
Điểm chung trong hàng loạt thất bại của 7 đội Đông Nam Á là chúng đều tới sau thời gian bóng đá “đóng băng” vì Covid-19. Những bất ngờ của năm 2019, khí thế của các đại diện ASEAN đều đã nguội bớt sau gần 2 năm.
Ngược lại, quãng thời gian ấy giúp các đội tuyển lớn ổn định tình hình, củng cố nhân sự. Khi yếu tố bất ngờ không còn, các đội Đông Nam Á đều thua tan nát.
Nếu vòng loại World Cup không bị hoãn lại gần 2 năm, các đội tuyển Đông Nam Á chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội hơn hiện tại.