Năm 2011, Mai đã vay gần 150 triệu đồng, số tiền lớn gấp 10 lần tổng thu nhập mỗi năm của cô tại một nhà máy sản xuất phụ kiện điện thoại ở Việt Nam. Với số tiền đó, người môi giới đã tìm việc mới cho cô tại một nhà máy điện tử ở miền trung Đài Loan.
Tôi không thể về nhà. Tôi phải bỏ trốn, ít nhất thì cũng có thể có cơ hội để kiếm chút tiền.
Người môi giới nói rằng với việc làm thêm ngoài giờ, cô có thể kiếm được 1.000 USD mỗi tháng, tương đương hơn 20 triệu đồng. Người phụ nữ thôn quê gần như bị choáng ngợp bởi con số hấp dẫn đó, cô quyết định đi sang xứ người, bỏ lại hai cậu con trai cùng chồng mình.
Tuy nhiên, không ai nói trước với cô về tất cả những khoản phí, thuế và chi phí sinh hoạt khi sống ở Đài Loan, về việc cô sẽ phải làm ca đêm từ 5h chiều đến 8h sáng hôm sau và những sai sót trong công việc do làm việc quá sức sẽ khiến cô bị trừ lương. Thu nhập thực tế mỗi tháng của cô là 500 USD.
Trước khi trở về, Mai phải sống và làm việc trong điều kiện lao động khắc nghiệt ở xứ người. Ảnh: SCMP. |
Khi chủ nhà máy tại Đài Loan đe dọa sẽ sa thải 45 công nhân Việt do phản đối những hợp đồng lao động phi pháp, nghiêm cấm họ bỏ trốn, 20 công nhân đã bất chấp và bỏ chạy để tìm kiếm những công việc bất hợp pháp. Mai cũng nằm trong số đó.
Cô nói với South China Morning Post (SCMP): “Tôi không thể về nhà. Giờ tôi đã hơn 30 tuổi, thật khó có thể quay về. Tôi phải bỏ trốn, ít nhất thì cũng có thể có cơ hội để kiếm chút tiền.”
Lao động Việt mất tích chỉ đứng sau Indonesia
Ước tính có khoảng 25.000 công nhân Việt Nam đã mất tích ở Đài Loan. Giống như trường hợp của Mai, nhiều người đã phá vỡ hợp đồng với giới chợ đen và lao động bất hợp pháp. Lao động Việt đang chiếm gần một nửa số người nước ngoài mất tích tại Đài Loan, người Indonesia chiếm đa số phần còn lại.
Bà Nguyễn Thị Mai Thủy, điều phối viên chương trình quốc gia của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho biết có rất nhiều lý do khiến người lao động bỏ trốn, do quá hạn thị thực hoặc do bị môi giới từ các kênh không chính thức.
Lao động Việt đang chiếm gần một nửa số người nước ngoài mất tích tại Đài Loan.
“Các chi phí phát sinh đắt đỏ để giữ được công việc dẫn đến nợ nần của công nhân là một trong những lý do chính', bà Thủy nói với SCMP.
Đài Loan đã mở cửa thị trường lao động cho những người nhập cư có tay nghề thấp từ năm 1992 để đối phó với vấn đề dân số đang già đi nhanh chóng. Những lao động được "nhập khẩu" để giúp người trẻ Đài Loan né tránh làm việc trong các nhà máy, đánh bắt hải sản hay chăm sóc người cao tuổi.
Kể từ đó, hòn đảo này đã đón nhận một luồng lao động mong muốn có cơ hội đổi đời đến từ Indonesia, Thái Lan và Philippines. Lao động Việt Nam đến muộn hơn nhưng đã nhanh chóng trở thành nguồn lao động chính cho Đài Loan từ 2001. Hiện người Việt chiếm 1/3 trong tổng số hơn 700.000 lao động trong các ngành công nghiệp sản xuất và phúc lợi xã hội, chỉ đứng sau Indonesia.
Con đường hợp pháp duy nhất để người lao động Việt Nam có tay nghề thấp tìm được việc làm ở Đài Loan là thông qua nhà môi giới trong nước và thường phải trả phí rất cao. Một số người đã tìm các con đường khác để có việc, dẫn đến dễ bị buôn bán trong quá trình này. Cuối 2018, 152 khách du lịch Việt Nam đã biến mất ngay sau khi đặt chân đến hòn đảo.
Tại sao lao động Việt lại bỏ trốn?
Theo Diễn đàn di cư châu Á, các nhà môi giới hợp pháp cũng có thể thu của công nhân Việt Nam lên tới hơn 160 triệu đồng để đảm bảo cho họ công việc ở nhà máy Đài Loan trong 3 năm. Con số này gấp 1,3 lần số tiền mà người Indonesia phải trả và gấp 2-3 lần số tiền mà người từ Philippines và Thái Lan bỏ ra.
Cũng vì mức phí cao hơn, người lao động từ Việt Nam có khả năng bỏ trốn nhiều hơn. Năm 2018, đã có 4,38% công nhân lao động chân tay Việt Nam bị mất tích, so với chỉ 2,88% người Indonesia, 0,5% người Thái và 0,41% người Philippines.
Bà Phạm Thảo Vân, một nhà hoạt động vì quyền công nhân nói: “Những kẻ môi giới này chỉ quan tâm đến việc đưa càng nhiều công nhân sang càng tốt, mà không cần đào tạo hay học ngôn ngữ phù hợp; như thể họ chỉ muốn đẩy mọi người đi nhanh nhất có thể.”
Bà Thảo Vân cũng là một trong số những người lao động bỏ trốn để ở lại Đài Loan. Ảnh: SCMP. |
Sau đó, nỗi thất vọng về lương thấp và điều kiện làm việc không giống như những gì được môi giới quảng cáo ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất làm việc của các công nhân Việt, làm tăng nguy cơ bị gửi trả về quê.
Các cơ quan tuyển dụng tư nhân ở Đài Loan thường thu phí lao động hàng tháng 50-60 USD, có trách nhiệm giúp người di cư vượt qua rào cản ngôn ngữ, các vấn đề hành chính và làm trung gian hòa giải mỗi khi có mâu thuẫn với giới chủ. Tuy nhiên trên thực tế, họ lại thường có thêm những vấn đề về lạm dụng sức lao động.
Công nhân Việt Nam phải trả số tiền gấp 1,3 lần số tiền mà người Indonesia phải trả và gấp 2-3 lần số tiền mà người từ Philippines và Thái Lan bỏ ra để sang Đài Loan lao động.
Mai và các đồng nghiệp Việt Nam đã phải khiếu nại lên Cơ quan Lao động Đài Loan sau khi họ phàn nàn về hợp đồng cam kết bất hợp pháp, chỗ ở quá chật chội và những bữa cơm mà cô nói là “mùi vị tồi tệ hơn thức ăn cho chó”. Người chủ cuối cùng đã trả lại hợp đồng cam kết, nhưng họ cũng cắt hợp đồng của tất cả công nhân Việt Nam xuống còn 2 năm, kèm theo đe dọa sẽ thay thế bằng người Thái.
“Người Thái họ không phàn nàn. Họ đâu phải trả một khoản tiền lớn như chúng tôi để có thể đến đây”, Mai bức xúc nói.
Sau 4 năm tha hương, phải làm những công việc lặt vặt và đôi khi không được trả lương một tháng, Mai quyết định quay về với gần như chẳng có bất kỳ khoản tiết kiệm nào.
Để có một vài hình thức hỗ trợ khác, những người lao động Việt Nam gặp rắc rối thường tìm đến bà Phạm Thảo Vân để nhờ giúp đỡ. Người đã từng đến Đài Loan và "nếm trải" tình cảnh như nhiều lao động hiện nay.
Bà Phạm Thảo Vân đến Đài Loan vào năm 2004 khi 35 tuổi. Khi đi, lương của bà ở Việt Nam là hơn 1 triệu đồng mỗi tháng. Người quen khi đó hứa rằng nếu đi làm giúp việc ở Đài Loan, bà có thể để dành tiền cho tương lai con trai mình.
Tuy nhiên bà phải chăm sóc một bà cụ trong gia đình có 7 người, trong đó có một em bé 10 tháng tuổi. Người phụ nữ không được ra ngoài và chỉ được ăn khi cả nhà đã ăn xong. Khi hợp đồng kết thúc vào năm 2007, nợ nần ở quê nhà vẫn chồng chất, bà Vân đã quyết định bỏ trốn.
Hiện tại bà Vân đã dành nhiều thời gian để hỗ trợ lao động Việt gặp khó khăn ở Đài Loan. Bà Vân kể rằng không tuần nào trôi qua mà không có một vụ việc nào đó.
Tang lễ của 6 công nhân tử nạn trong đám cháy năm 2017. Ảnh: SCMP |
Dù bà Vân đã quay trở lại Việt Nam vào năm ngoái, những người di cư tuyệt vọng vẫn tiếp tục tìm kiếm sự giúp đỡ của bà qua Facebook bởi vì họ không biết cách nào khác. Bà thường không nỡ từ chối, vì bản thân cũng từng là một công nhân bất hợp pháp trước đây.
Trả thêm tiền hay về nước?
Công ty môi giới của bà Vân từng cho biết nếu muốn có một hợp đồng mới, bà phải trả thêm gần 50 triệu đồng, nhiều hơn cả thu nhập hàng năm của bà khi đó.
Chi phí để gia hạn hợp đồng đã được chính quyền Đài Loan chỉ ra là bất hợp pháp vào năm 2016, nhưng việc thực thi điều luật này gặp rất nhiều thách thức. Mới tháng 12 năm ngoái, hàng trăm lao động nước ngoài đã biểu tình trước Cơ quan Lao động Đài Loan nhằm phản đối các khoản phí gia hạn từ 1.300 đến 2.300 USD.
Những người lao động nước ngoài ở Đài Loan trong cuộc biểu tình tháng 12 năm 2018. Ảnh: SCMP. |
Các nỗ lực khác của chính quyền nhằm hạn chế chi phí phát sinh của lao động nhập cư Việt Nam cũng gặp vấn đề tương tự. Luật Việt Nam quy định tổng chi phí trước khi khởi hành phải trả cho các môi giới không được vượt quá 4.000 USD cho công nhân ngành công nghiệp. Tuy nhiên các bên môi giới vẫn tính phí vượt quá con số đó và hợp thức hóa sổ sách bằng con số khác.
Bà Phạm Thảo Vân đánh giá con số 4.000 USD là quá cao so với mức lương tối thiểu hàng tháng 712 USD ở Đài Loan. Tuy nhiên, các công ty môi giới Việt Nam nói rằng họ không thể làm gì khác để giảm số tiền đó.
Để tránh các thủ tục hành chính phức tạp, chủ các cơ sở lao động Việt thường tìm đến những công ty môi giới ở Đài Loan. Những công ty này để đảm bảo tính cạnh tranh, họ thường chuyển chi phí tuyển dụng cho các công ty môi giới bản địa để giảm chi phí.
Một bảng giá được gửi từ một cơ quan tuyển dụng Đài Loan cho đối tác Việt Nam cho thấy một vị trí công nhân nhà máy có giá từ 3.500 đến 4.000 USD. Vì vậy, sau khi thanh toán chi phí tuyển dụng phát sinh tại địa phương, các công ty môi giới Việt sẽ không thể có lợi nhuận nếu chấp hành quy định của Nhà nước.
Tháng 1/2018, Bộ Lao Động - Thương binh và Xã hội Việt Nam đã có kế hoạch tuyển dụng lao động xuất khẩu đi Đài Loan với chi phí chỉ 565 USD/người, tuy nhiên chỉ có 33 công nhân đến được Đài Loan theo diện này.
Nhiều tổ chức phi chính phủ cũng đã vận động Nhà nước nghiêm cấm môi giới trung gian để giảm thiểu chi phí nhưng một số doanh nghiệp cho rằng với số lượng công nhân Việt Nam lớn như vậy, chính quyền sẽ gặp khó khăn trong vấn đề quản lý.
Thay vào đó, với tư cách từng là một người xuất khẩu lao động, ông Nguyễn Quyết hy vọng Đài Loan sẽ kết nối các chủ lao động với các nhà môi giới Việt Nam một cách trực tiếp.
“Việt Nam không chỉ nên cạnh tranh bằng cách áp chi phí cao hơn cho người lao động mà cần phải cạnh tranh dựa trên chất lượng của người lao động", bà Nguyễn Thị Mai Thủy của ILO khẳng định.
Bà cho biết vấn đề này có thể được cải thiện bằng cách đảm bảo công nhân được đào tạo tốt và phổ biến kỹ lưỡng về công việc ở nước ngoài để họ được chuẩn bị tinh thần.