Một trong những khoảnh khắc tạo ra nhiều niềm vui nhất với những CĐV Manchester United trong năm 2018 thực tế lại đến trong ngày áp chót của năm, khi Sir Alex Ferguson nở nụ cười mãn nguyện sau màn trình diễn mãn nhãn của đội bóng cũ khi vùi dập Bournemouth 4-1 ngay tại Old Trafford.
Nụ cười phấn khởi của Sir Alex đại diện cho cảm giác mãn nguyện của các CĐV MU trên toàn thế giới, những người đã phải chờ đợi hơn nửa thập kỷ để thấy tình yêu cả đời của mình chính thức trở lại.
Sir Alex Ferguson đã nở nụ cười mãn nguyện sau chiến thắng 4-1 của MU trước Bournemouth. |
Thành bại tại chữ “dám”
Khi Paul Pogba hồ hởi trong phòng họp báo sau chiến thắng 4-1 trước Bournemouth rằng “bây giờ chúng tôi mới đá đúng với đẳng cấp của Man United”, có thể tin tiền vệ Pháp không quá lời.
Ba chiến thắng liên tiếp với 12 bàn thắng, dù chỉ trước Cardiff City, Huddersfield hay gần nhất là Bournemouth, là quá đủ để gieo những hạt mầm niềm tin xuống “Nhà hát của những giấc mơ” vốn đã khô cằn quá lâu sau những triều đại thất bại của David Moyes, Louis Van Gaal hay Jose Mourinho.
Những CĐV có thành kiến với MU hoàn toàn có thể nhận xét rằng Cardiff City, Huddersfield hay Bournemouth đâu có mạnh mẽ đến mức để tin rằng MU sẽ trở thành điều gì đó lớn lao trong năm 2019 này. Nhưng đâu phải lúc nào chiến thắng lớn (điều mà những CĐV nọ muốn) cũng đảm bảo cho chiến quả tích cực sau cùng.
MU đang trở lại với Solskjaer. Ảnh: Getty Images. |
MU của Mourinho đã vô địch Europa League, từng lội ngược dòng đánh bại Man City sau khi bị dẫn 0-2 trong hiệp 1 ngay trên sân khách, và đạt thành tích tốt nhất trong kỷ nguyên hậu Sir Alex (thứ 2). Nhưng sau tất cả những chiến quả to tát đó, Mourinho vẫn bị sa thải, và triều đại của ông sẽ vĩnh viễn bị gán với hai chữ thất bại.
Những chiến thắng với cách biệt lớn là điều mà Mourinho cũng đã giúp MU làm được, nhưng vì sao “Quỷ đỏ” dưới thời Mourinho không thể tạo ra cảm giác sung sướng cho người hâm mộ như Solskjaer? Câu trả lời nằm trọn vẹn trong một chữ: “dám”.
MU của Solskjaer dám chủ động đẩy đội hình lên tấn công để ghi bàn thay vì kéo đội hình thấp bị động chờ sơ hở của đối thủ. MU của Solskajer dám đưa Paul Pogba chơi ngay sau trung phong để tận dụng tối đa khả năng tham gia tấn công của tiền vệ người Pháp thay vì kéo số 6 chơi ở vị trí điều tiết và đánh chặn.
Quan trọng nhất, MU của Solskjaer dám mạo hiểm để có được chiến thắng với cách biệt lớn dù thủng lưới, thay vì cầu toàn lấy một trận hòa không bàn thắng.
Paul Pogba đang chơi lột xác dưới thời Solskjaer. Đồ họa: Bleacher Report. |
“Triết lý tấn công nằm trên các bức tường của CLB. Đó là truyền thống, lịch sử, cách thi đấu của MU. Khi chúng tôi ghi 1 bàn, chúng tôi muốn có 2 bàn. Khi chúng tôi có 2 bàn, chúng tôi tiếp tục muốn có 3 bàn”. Solskjaer thừa nhận.
Những CĐV MU tới Old Trafford không phải để thấy “Quỷ đỏ” hèn nhát cầu hòa. Họ muốn thấy những đôi chân sẵn sàng làm việc để có được chiến thắng, họ muốn thấy những cầu thủ chiến đấu, dám mạo hiểm, dám thể hiện cái tôi để giúp CLB chiến thắng.
Solskjaer hiểu rõ triết lý của MU để vận hành theo, còn Mourinho thì không.
Giá trị của Manchester United
Nếu có một thứ giá trị nào đó tồn tại xuyên suốt lịch sử của MU, trở thành ngọn hải đăng soi sáng con đường cho bất kỳ tập thể “Quỷ đỏ” nào thì đó phải là câu chuyện về ba chữ: “không bỏ cuộc”.
MU là đội bóng đã không bỏ cuộc sau thảm họa rơi máy bay Munich 1958, sự kiện cướp mất đi của “Quỷ đỏ” siêu sao Dunan Edwards cùng thế hệ tài hoa nhất không chỉ của nước Anh mà có thể còn là cả thế giới. Để rồi chỉ 10 năm sau đó với hai người may mắn thoát nạn là Sir Matt Busby và Sir Bobby Charlton, MU đã vô địch cúp C1 châu Âu lần đầu tiên trong lịch sử.
MU là đội bóng đã không bỏ cuộc sau khi thua Liverpool tới 7-18 trong cuộc đua danh hiệu vô địch quốc gia, để rồi lật ngược thế cờ thành 20-18 trong kỷ nguyên Sir Alex Ferguson. Thậm chí nếu chỉ tính riêng Premier League, MU giờ dẫn trắng Liverpool 13-0!
Chức vô địch Champions League 1999 là biểu tượng cho giá trị không bỏ cuộc của MU. Ảnh: Getty Images. |
MU cũng là đội bóng đã không bỏ cuộc sau khi bị Bayern Munich dẫn trước từ phút thứ 6 trận chung kết Champions League 1999, và trong suốt thời gian còn lại chứng kiến khung thành Peter Schmeichel rung lên bần bật sau những cú dứt điểm của Carstel Jancker hay Mehmel Scholl. Để rồi chỉ bằng 3 phút bù giờ điên rồ cuối trận, MU đã giành ngôi vô địch với 2 bàn quyết định Teddy Sheringham và Ole Gunnar Solskjaer.
Solskjaer giờ đã ngồi lên chiếc ghế HLV trưởng (dù chỉ tạm quyền) của MU, và đang thành công trong việc tái hiện lại thứ tính cách từng biến MU trở thành tình yêu của cả một thế hệ say mê bóng đá trong đôi chân của những Paul Pogba, Marcus Rashford, Anthony Martial hay Nemanja Matic.
Thất bại với nhiều CLB có thể mang ý nghĩa đau đớn nào đó. Nhưng với MU, thất bại chỉ là cái cớ để “Quỷ đỏ” cho cả thế giới thấy họ có thể đứng dậy mạnh mẽ đến như thế nào.
MU trong năm 2018 của Mourinho đã thất bại thảm hại, nhưng MU 2019 của Solskjaer sẽ khác. “Quỷ đỏ” đích thực không bao giờ bỏ cuộc. Manchester United với Solskjaer là "Quỷ đỏ" đích thực.
Cập nhận BXH Premier League. Đồ họa: Minh Phúc. |