Mấy nay dư luận để ý nhiều đến việc áp dụng mức xử phạt mới đối với những người say rượu vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Cái hại của việc say rượu, xin kể dăm ba chuyện đời xưa để ta lấy làm bài học vậy.
Người xưa đã dùng rượu
Trong các loại đồ uống của người Việt, ngoài nước vối, nước chè… rượu không thể thiếu. Mà với riêng rượu thì đủ chủng loại, như Việt Nam văn hóa sử cương có điểm qua, nào rượu gạo, rượu ướp hoa, rượu nếp…
Vậy rượu là gì? Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng cho biết “rượu, phàm các thứ dùng để uống mà có chất say đều gọi là tửu”. Còn Từ điển Tiếng Việt 2010 do Hoàng Phê chủ biên thì ghi về rượu: “chất lỏng, vị cay nồng, thường cất từ bột hoặc trái cây đã ủ men”. Về tác hại của đồ uống này, sách Thượng thư có ghi: “Văn Vương cáo giáo tiểu tử, hữu chánh hữu sự, vô di tửu”, nghĩa là vua Văn Vương khuyến cáo các con cháu bách tính, làm quan từ bậc cao tới bậc thấp, không nên thường uống rượu.
Rượu có từ lâu trong văn hóa ẩm thực của người Việt. |
Người Việt dùng rượu kể cũng đã lâu lắm. Trong Lĩnh Nam chích quái có chép việc dân Nam ta “dùng gạo Tri làm rượu”. Mà ngay như Đại Việt sử ký toàn thư đã nói đến việc Hùng Vương uống say mà bị mất nước rồi.
Đối với loại đồ uống có cồn này, Đất lề quê thói của Nhất Thanh cho hay nó có tác dụng vừa khai vị cho bữa ăn, vừa có ích nếu ngâm thuốc bổ. Trong văn hóa ẩm thực của người Việt, rượu đã là một phần văn hóa ẩm thực, mà trong y học, còn là một loại thuốc dẫn nữa. Cỗ bàn trong đám hiếu, hỉ hay tiệc mời bạn bè mà không có chai, vò rượu, coi sao đặng. Chỉ có điều, nếu lệ thuộc, say sưa với thứ đồ uống này thì thật không có lợi, nên dân gian mới có câu:
Giàu đâu những kẻ ngủ trưa,
Sang đâu những kẻ say sưa tối ngày.
Ấn tượng về người Việt với rượu cũng được người phương Tây để ý, như John Barrow trong Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792-1793) còn nhớ việc một vài quan chức chính quyền ở Nam Hà (Đàng Trong) lên thăm tàu. Trong bữa khoản đãi, các vị quan không thích mấy loại đồ uống có men nhẹ như bia hay rượu vang mà ngược lại, “họ lại rất mê loại rượu rum nguyên chất, rượu brandy hay bất kỳ một loại đồ uống nào có cồn”. Và sau bữa khoản đãi đó là gì, vẫn lời J. Barrow rút ra kinh nghiệm “sau lần thăm viếng đầu tiên của họ, người ta thấy rằng không nên để họ tùy ý uống quá nhiều, vì cả đoàn người khi đó đã ra khỏi con tàu trong tình trạng say xỉn”.
Rượu gây họa từ vua đến quan
Tìm qua trong sử cũ, chúng ta có thể điểm được kha khá những vụ việc vì rượu mà có vị vua thì mất mạng, có vị vua thì suýt mất ngôi. Còn quan viên cũng vì rượu mà liêm sỉ mất, vì rượu mà mâu thuẫn nhau…
Chả nói đâu xa, ngay từ thời dựng nước đầu tiên, đời vua Hùng Vương cuối cùng, vì say sưa đã dẫn đến hậu quả là Hùng Vương mất nước vào tay Thục Phán. Việc ấy, xảy ra năm Giáp Thìn (257 TCN), được Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại: “Vua [chỉ Thục Phán] đã thôn tính được nước Văn Lang, đổi quốc hiệu là Âu Lạc. Trước kia vua nhiều lần đem quân đánh Hùng Vương, nhưng Hùng Vương binh hùng tướng mạnh, vua bị thua mãi. Hùng Vương bảo vua rằng: "Ta có sức thần, nước Thục không sợ ư?" Rồi Hùng Vương bỏ không sửa sang võ bị, chỉ ham ăn uống vui chơi. Quân Thục kéo sát đến nơi, hãy còn say mềm chưa tỉnh, rồi thổ huyết nhảy xuống giếng chết, quân lính quay giáo đầu hàng Thục Vương”.
Dạo nước nhà bước vào kỷ nguyên độc lập thế kỷ X với những triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê. Như vua Đinh Tiên Hoàng vốn là một người giỏi, đã chế ngự, đánh dẹp được các sứ quân mà kết thúc thời loạn 12 sứ quân để lập nên nhà Đinh, lên ngôi hoàng đế. Thân vua cao quý là thế đã chẳng biết giữ gìn trước sự dòm ngó của những kẻ làm phản, lại còn một phần vì rượu, mà dẫn lối cho kẻ có mưu phản loạn như Đỗ Thích gây họa, đến nỗi thân mình bị hại, mà con trai cũng mất mạng vào tháng 10 năm Kỷ Mão (979), Khâm định Việt sử thông giám cương mục có ghi: “Trước kia, Đỗ Thích làm chức lại ở Đồng Quan, đêm nằm ở trên cầu, bỗng thấy sao sa vào miệng, tự phụ là điềm lạ, manh tâm làm điều vượt phận mình. Đến đây, nhân dịp nhà vua đêm ăn yến, say rượu, nằm ở trong sân cung cấm, bèn giết nhà vua luôn với Nam Việt vương Liễn”.
Hầu như cỗ bàn không thể thiếu rượu. |
Như trên mới chỉ là hai vụ việc mà thân vua bị hại một phần vì rượu. Hùng Vương thì mất nước vào tay An Dương Vương, Đinh Tiên Hoàng thì từ sau cái chết của ông, ngai vàng họ Đinh cũng dần chuyển sang họ Lê. Hậu quả như vậy, đã to chưa?
Vẫn điểm trong sử, các thời về sau chẳng thiếu những vị vua bị rượu hại đâu. Như vua Lý Huệ Tông vì bệnh tật cùng với việc “uống rượu ngủ li bì đến hôm sau mới tỉnh”, kèm theo đó là những đổi thay của thế sự mà ngai vàng sau này dần vào tay họ Trần. Hay ở thời Trần, chẳng phải vua Trần Anh Tông từng say rượu xương bồ nên suýt bị vua cha truất ngôi đó sao? Ngoài ra, chẳng thiếu những vị vua nghiện rượu như Dương Nhật Lễ “rượu chè dâm dật, hằng ngày chỉ rong chơi, thích các trò hát xướng” hay Lê Uy Mục bị Toàn thư phê là “Vua nghiện rượu, hiếu sát, hoang dâm, thích ra oai, tàn hại người tông thất”…
Ấy là nói về đấng quân vương, còn quan lại cũng chẳng thiếu người vì rượu mà bị tiếng xấu. Tỉ như đời Trần có Nguyễn Quốc Phụ làm Nội thư chánh chưởng, là cận thần của vua Trần Nhân Tông. Có dạo triều đình khuyết chức Hành khiển, vua Trần Nhân Tông định cho Phụ giữ chức ấy, nhưng bị Thượng hoàng Trần Thánh Tông ngăn lại vì “Nếu lấy ngôi thứ mà bàn, thì [Quốc Phụ] được rồi, chỉ hiềm hắn nghiện rượu thôi!”. Hoặc ở thời Lê sơ có Nguyễn Vũ làm tới Hình bộ thượng thư kiêm Bảo Thiên điện Đông các đại học sĩ, Hàn lâm viện thừa chỉ nhập thị kinh diên nhưng lại có tật là “ngày đêm uống rượu đánh bạc ở nội điện, bị người bấy giờ coi khinh”…
Rồi ở thời Nguyễn chẳng hạn, hai vị khai quốc công thần Nguyễn Văn Thành (Tổng trấn Bắc thành) và Lê Văn Duyệt (Tổng trấn Gia Định thành) kình nhau lắm. Mà một trong những nguyên do được Đại Nam liệt truyện ghi lại. Theo đó dạo chúa Nguyễn Ánh trên bước đường phục dựng sự nghiệp dòng họ, Nguyễn Văn Thành và Lê Văn Duyệt đều là tướng giỏi. Một lần “Thành tính thích uống rượu, lúc sắp lâm trận cầm be rượu rót ra uống. Nhân rót đưa cho Duyệt, Duyệt không uống, Thành nói rằng này trời rét uống rượu thêm khí lực, Duyệt cười nói rằng người nào khí nhát mới phải mượn rượu, ta trước mắt không coi ai là cường trận, cần gì phải dùng rượu, Thành thẹn, bởi thế giận Duyệt”.
Đấy, rượu dùng không đúng lúc, đúng chỗ hay quá lạm thì có thể làm mất nước, mất mạng, mất tình thân… quá lắm!