Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vi phạm của ông Trần Bắc Hà đến mức phải xử lý kỷ luật

Những vi phạm của cựu Chủ tịch BIDV khi điều hành ngân hàng này được Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định là "rất nghiêm trọng", phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Theo biên bản kết quả kỳ họp thứ 26 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về dấu hiệu vi phạm tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020.

Biên bản này nêu rõ, Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Đồng thời thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để BIDV có nhiều vi phạm nghiêm trọng mang tính hệ thống trong thực hiện quy chế làm việc.

Bên cạnh đó còn có những quy định về phân cấp thẩm quyền và quy trình, thủ tục cấp tín dụng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm tăng nợ xấu, nhất là các khoản nợ có khả năng mất vốn.

xem xet ky luat ong Tran Bac Ha anh 1
Ông Trần Bắc Hà bị xem xét kỷ luật vì vi phạm nghiêm trọng khi điều hành BIDV.

Ngoài ra, Ban thường vụ còn để nhiều cán bộ vi phạm kỷ luật đảng và pháp luật Nhà nước, bị xử lý hình sự; làm giảm nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, đến thu nhập, việc làm và đời sống của người lao động BIDV.

Đối với người đứng đầu tổ chức là ông Trần Bắc Hà, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương xác định những vi phạm của ông là "rất nghiêm trọng".

Cụ thể, ông Hà đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV.

Cựu Chủ tịch BIDV cũng vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ. Trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng.

Bên cạnh ông Trần Bắc Hà bị xem xét kỷ luật, các lãnh đạo khác của BIDV là ông Đoàn Ánh Sáng, Phó tổng giám đốc và ông Trần Lục Lang, Phó tổng giám đốc BIDV, cũng bị Uỷ ban Kiểm tra cho rằng có vi phạm nghiêm trọng.

Các cá nhân này phải chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Đảng ủy; cùng chịu trách nhiệm đối với một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ có vi phạm, cũng như trách nhiệm về đề xuất, thẩm định chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng.

Theo Ủy ban Kiểm tra đánh giá, các vi phạm của ông Trần Bắc Hà, ông Đoàn Ánh Sáng, ông Trần Lục Lang làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và BIDV, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Ngoài ra, các thành viên khác trong Ban thường vụ Đảng ủy BIDV nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy và chịu trách nhiệm trực tiếp về những vi phạm, khuyết điểm của cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, đến mức phải kiểm điểm, đề xuất hình thức xử lý.

Để xảy ra các vi phạm, khuyết điểm của BIDV cũng có trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước. UBKT Trung ương yêu cầu Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan. Đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định trong lĩnh vực ngân hàng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức tín dụng.

Ông Trần Bắc Hà - cựu Chủ tịch HĐQT BIDV sinh năm 1956 tại Hà Nội. Trước khi nghỉ hưu tháng 9/2016, ông Hà có 35 gắn bó với ngân hàng này.

Ông Hà được xác định liên quan tới đại án Trầm Bê, nguyên Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng Sacombank, với 2 tư cách: người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, là người làm chứng, và đại án Phạm Công Danh xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB).

Tuy nhiên, tại phiên xét xử vụ án này vào tháng 1/2018, khi được triệu tập đến toà với tư cách “người có nghĩa vụ liên quan”, ông Hà đã vắng mặt với lý do “xin ra nước ngoài chữa bệnh”.

Trong vụ án Phạm Công Danh, ông Trần Bắc Hà được cơ quan điều tra xác định đồng ý chủ trương cho 12 công ty vay 4.700 tỷ đồng theo giới thiệu của VNCB, chứ không cho Phạm Công Danh vay, và không biết các công ty này do Danh thành lập.

BIDV sau đó cho biết đã thu đủ gốc, lãi các khoản vay này.

Cựu Chủ tịch Trần Bắc Hà và những thăng trầm ở BIDV

BIDV đã có những bước chuyển mình sau 2 nhiệm kỳ với hơn 8 năm ngồi ghế nóng của ông Trần Bắc Hà tại một trong top 4 ngân hàng quy mô lớn nhất đất nước.


Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm