Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Vì mang dòng máu châu Á, tôi bị coi là kỳ lạ'

Từ khi chuyển đến sống ở Mỹ, Etty Lau Farrell bị coi là sinh vật kỳ lạ. Dòng máu châu Á đã mang đến cho nữ ca sĩ những rắc rối và tổn thương.

Trong lễ trao giải SAG hôm 5/4, Jamie Chung - diễn viên người Mỹ gốc Hàn - được tạp chí People xếp vào nhóm mặc đẹp với bộ đầm trễ vai kết hợp chiếc clutch có khắc dòng chữ "Stop Asian Hate" - ngừng thù ghét người châu Á.

Ngày 6/4, siêu sao nhạc RnB Rihanna cùng trợ lý Tina Truong xuống đường biểu tình phản đối các vụ tấn công nhắm tới nhóm người gốc Á. Nữ ca sĩ tự tay viết hai dòng chữ trên tấm bảng: "Thù ghét chính là phân biệt chủng tộc với Chúa. Hãy dừng thù ghét người châu Á".

lan song phan biet nguoi chau A anh 1

Etty Lau Farrell từng có giấc mơ Mỹ.

Chỉ hơn một tháng trở lại đây, nhiều ngôi sao giải trí đã tham gia phong trào chống kỳ thị người gốc Á sau vụ xả súng vào ba cửa hàng spa tại ngoại ô Atlanta khiến sáu phụ nữ gốc Á thiệt mạng hôm 16/3, cũng như các cuộc tấn công vì thù ghét nổ ra ở Mỹ, châu Âu, Australia, Canada và nhiều nơi khác.

Trên SCMP, Etty Lau Farrell, nữ ca sĩ đồng tổ chức lễ hội âm nhạc Lollapalooza, kể bản thân cũng muốn sử dụng danh tiếng để tuyên truyền về mối nguy hại của phân biệt chủng tộc đang diễn ra.

Giấc mơ Mỹ không màu hồng

Etty Lau Farrell cùng gia đình rời Hong Kong đến Mỹ từ 36 năm trước. Như nhiều người khác, "giấc mơ Mỹ" trong Farrell màu hồng, là mảnh đất của cơ hội và những điều tuyệt nhất trên thế giới này.

Cô sinh sống ở một khu phố rất “yuppie” - nơi chỉ toàn những người trẻ có chuyên môn, thu nhập cao và tư duy thành thị sành điệu. Cô đã hào hứng hòa nhập nhưng vẫn muốn giữ được những nét riêng trong văn hóa phương Đông.

"Tôi từng nghĩ chắc chắn mình sẽ rất nổi bật vì là dân nhập cư", Farrell nói.

Tuy nhiên, mọi thứ khác xa tưởng tượng của Farrell.

lan song phan biet nguoi chau A anh 2

Etty Lau Farrell bị miệt thị, tấn công vì là người gốc Á. Ảnh: My Space.

Khi còn là một thiếu nữ, cô liên tục bị chế giễu màu da và nguồn gốc của mình. Cô bị miệt thị bằng lời nói mà cho đến giờ vẫn không thể quên được. "Họ coi tôi như một loài vật kỳ lạ, không giống người. Mọi định kiến ​​đều ném vào tôi", Farrell buồn bã khi nhớ lại.

Những năm 1990, Farrell là thành viên của nhóm nhảy người châu Á chuyên biểu diễn ở Houston, Texas. Khi chờ đến lượt lên sân khấu, Farrell chứng kiến một cô gái bị bảo vệ đẩy ngã xuống đất. Hai trong số những bạn nam của nhóm đã chống trả lại và cũng bị nhân viên an ninh cầm gậy bóng chày đuổi khỏi câu lạc bộ.

Nữ ca sĩ cho biết việc bị dân bản địa bắt nạt xảy ra như cơm bữa, và cô luôn chạy trốn những vụ xô xát tưởng như chỉ xảy ra trên phim.

Có những đêm Farrell thức trắng để nghĩ về nỗi tổn thương đó, nhưng có lẽ, trong một sớm một chiều không thể nào nguôi ngoai được.

“Chúng tôi luôn phải chạy đua với cuộc sống khắc nghiệt này. Có lần chúng tôi đã phải nhảy vào một chiếc xe tải sau khi bị tấn công, dù không biết rằng nó đi đâu và dừng lại lúc nào. Trở về được khách sạn, tôi gọi cảnh sát nhưng họ chẳng đến, họ không nghĩ việc giúp đỡ những người như tôi là quan trọng. Thực sự, họ đã gây ra tội ác - tội ác của những kẻ căm thù, phân biệt người châu Á”, nữ ca sĩ hồi tưởng.

Theo SCMP, đây là ví dụ gây sốc nhất về nạn phân biệt dân châu Á mà giọng ca gốc Hong Kong đã phải đối mặt. Dẫu vậy, Farrell cho rằng những thứ cô gánh chịu vẫn chưa là gì so với tổn thương mà nhiều người gốc Á khác đã nếm trải.

"Vấn nạn luôn tồn tại, ẩn sâu bên trong mỗi người. Giống như kiểu một con virus vậy, nó phát triển từ lúc không ai biết tới khi lan rộng đến toàn cơ thể. Khi đó, chúng ta dễ dàng cảm nhận được hậu quả mà nó gây ra".

Hành trình đi tìm sự công bằng

Đặt chân đến Mỹ năm 10 tuổi nhưng cho đến thời điểm này, giọng ca sinh năm 1974 vẫn nhớ như in những kỷ niệm hồi còn ở xứ Hong Kong.

Vì có bố từng là nhà xuất khẩu hàng dệt may, Farrell luôn được gia đình hướng theo con đường kinh doanh để nối nghiệp tổ tiên. “Bố mẹ nghĩ tôi có thể trở thành bác sĩ, luật sư hoặc kinh doanh, nhưng tôi yêu nghệ thuật. Đam mê dẫn lối tôi đến nơi khác”. Farrell chia sẻ. Từ bé cô đã ca hát khắp nhà, nhảy nhót trong mọi khoảnh khắc rảnh rỗi. Niềm đam mê quá lớn đã thôi thúc Farrell theo học múa ballet tại Học viện Múa Hoàng gia.

Lúc mới đến Washington, cô đã học trường dạy Ballet Tây Bắc - Thái Bình Dương ở Seattle trước khi theo nghiệp hát. Farrell cho hay: “Cuối những năm 1980 đến đầu 1990, nền âm nhạc ở Seattle phát triển rất mạnh. Đi đến đâu tôi cũng nghe người ta chơi nhạc grunge và rất nhiều thể loại khác”.

Năm 19 tuổi, thời điểm đỉnh điểm Farrell bị vấn nạn phân biệt chủng tộc vây quanh, cô đã gia nhập nhóm nhảy ở Los Angeles và được ký một vài hợp đồng lưu diễn với các tên tuổi lớn như Ricky Martin và Bon Jovi. Năm 1997, Farrell được thuê làm việc cho ban nhạc Jane's Addiction. Đây cũng là cơ duyên cô quen biết và nảy sinh tình cảm rồi kết hôn với trưởng nhóm nhạc - Perry Farrell. Hiện tại, họ đã có hai con trai.

Kể từ đó, Farrell đã vui vẻ tập trung vào việc làm cho Jane's Addiction, tổ chức lễ hội âm nhạc Lollapalooza và quản lý Kind Heaven Orchestra - một ban nhạc khác do chồng cô thành lập.

lan song phan biet nguoi chau A anh 3

Gia đình hạnh phúc của Etty Lau Farrell và Perry Farrell. Ảnh: Getty.

Theo SCMP, giọng ca sinh năm 1974 đang thực hiện một album solo. Trong các sản phẩm âm nhạc sắp phát hành, Farrell đang cân nhắc sẽ đan xen những thông điệp bảo vệ người châu Á, cũng như đưa ra hướng giải quyết tốt nhất.

“Khi tôi mở miệng nói, tôi sẽ biết mình đang nói điều gì. Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta càng tìm hiểu về chủ đề này thì sẽ càng hiểu thêm về những gì mình chưa biết. Nạn bạo lực nhắm vào cộng đồng người da vàng cần phải chấm dứt càng sớm càng tốt”.

Không chỉ bằng âm nhạc, Lau Farrell cũng tìm cách hợp tác với các nhóm hoặc đồng tổ chức các cuộc biểu tình ôn hòa. Tuy nhiên, Farrell giải thích rằng điều quan trọng là phải đi vào trọng tâm những gì đang thực sự diễn ra, chứ không phải chỉ hành động.

"Tôi kể lại câu chuyện của mình để cảnh báo rằng nạn phân biệt chủng tộc có thể xảy ra với tất cả. Tôi muốn cộng đồng châu Á đồng cảm, xích lại gần nhau. Chúng ta phải thay đổi nhận thức của chính mình và những người khác", nữ ca sĩ nói thêm.

Theo SCMP, ngôi sao gốc Hong Kong đã quay nhiều clip ngắn và liên hệ với các cộng đồng người châu Á với mục đích tuyên truyền thông điệp: "Đoàn kết là cách duy nhất để vượt qua bạo lực".

Sao nữ Trung Quốc kể bị hai người đàn ông đeo bám

Ngôi sao "Thiếu nữ toàn phong 2" cảm thấy hoảng sợ và lo lắng khi bị hai người đàn ông theo dõi suốt nhiều ngày.

Quốc Minh

Bạn có thể quan tâm