Kể từ sau hội thảo Kỷ niệm 100 năm sinh GS Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997) năm 2009 do Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức, một lần nữa, tên tuổi vị luật sư tài ba được tái hiện rõ hơn với độc giả hiện nay qua tác phẩm Niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam. Sách do nhà báo Kiều Mai Sơn tuyển chọn.
Lấy hai bằng tiến sĩ ở tuổi 22
Nói về tác phẩm này, tác giả Kiều Mai Sơn chia sẻ cho đến nay, có lẽ đây là cuốn sách đầu tiên giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của giáo sư, tiến sĩ, luật sư Nguyễn Mạnh Tường. Trước đó chỉ có kỷ yếu dạng A4 nhân hội thảo 2009 về GS Nguyễn Mạnh Tường phát hành nội bộ.
Về nội dung tuyển chọn, theo nhà báo Kiều Mai Sơn: "Một nửa nội dung cuốn sách tôi tuyển chọn tư liệu báo chí viết về sự kiện luật sư Nguyễn Mạnh Tường lập kỷ lục giành 2 bằng tiến sĩ Luật khoa và Văn học trong năm 1932 ở tuổi 22. Đây là một kỷ lục 'vô tiền khoáng hậu', đến nay, tròn 90 năm chưa có người thứ hai".
Tác phẩm Niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam do nhà báo Kiều Mai Sơn tuyển chọn. Ảnh: Trần B.A. |
Với tiêu đề "Một trang thiếu niên lỗi lạc", phần này tái hiện chân dung một Nguyễn Mạnh Tường tuổi trẻ qua những bài báo khắp ngoài Bắc trong Nam được đăng trên Ngọ báo, Trung Bắc tân văn, Phong hóa tuần báo, Đông Pháp, Sài thành, Đuốc nhà Nam... Điểm chung của các tin bài này đều thể hiện sự tự hào vì nước Nam có một thanh niên tài năng thành danh trên đất Pháp.
Sở dĩ rất nhiều tờ báo năm 1932 đưa tin về Nguyễn Mạnh Tường, bởi trong năm này, chàng thanh niên đất An Nam đã làm nên một sự kiện tri thức "chấn động" dư luận, giành liên tiếp hai tấm bằng tiến sĩ Luật khoa và Văn chương loại xuất sắc tại đất Pháp.
"Mới 22 tuổi, ông Nguyễn Mạnh Tường đã đỗ văn khoa tiến sĩ. Bài luận văn của ông [...] được phê ưu và được hội đồng ngợi khen", Tiểu thuyết tuần san số 1, ngày 28/8/1932 đưa tin; còn Nam phong số 173, tháng 6/1932 trong bài "Gương thanh niên" sau khi giới thiệu thành tích của vị tân tiến sĩ, có đoạn: "Ông Nguyễn Mạnh Tường đáng làm cái gương sáng cho thanh niên nước ta".
Báo Nam phong số 173, tháng 6/1932 khen ngợi Nguyễn Mạnh Tường trong bài "Gương thanh niên". Ảnh: Trần B.A. |
Nhiều tư liệu báo chí được dẫn nguyên văn trong Niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam ghi lại thành tích, hoạt động của Nguyễn Mạnh Tường sau khi đỗ đạt về nước. Trong đó vị "lưỡng khoa tiến sĩ" có nhiều cuộc diễn thuyết tại hội quán Khai trí Tiến đức, hội Quảng tri Huế... thu hút đông đảo người dự khán. Dư luận khắp nơi chào mừng, tôn vinh thành tích của chàng thanh niên với sự lan tỏa tích cực.
"Phải nói rằng, kỷ lục đỗ 2 bằng tiến sĩ ở tuổi 22 của luật sư Nguyễn Mạnh Tường gây chấn động trong cả Đông Dương thời kỳ đó. Ông trở thành niềm tự hào của trí thức Việt Nam nói riêng, niềm tự hào của người dân Việt Nam mất nước phải chịu thân phận nô lệ, thuộc địa của nước Pháp khi đó - trước năm 1945 - nói chung", người tuyển chọn chia sẻ khi tái hiện chân dung tiến sĩ trẻ tuổi Nguyễn Mạnh Tường qua báo chương.
Câu chuyện hành nghề của luật sư Nguyễn Mạnh Tường
Ở phần hai "Luật sư huyền thoại" là phần viết về những hoạt động sau này của luật sư Nguyễn Mạnh Tường. Tác giả Kiều Mai Sơn chia sẻ: "Nội dung này, tôi giới thiệu với bạn đọc những câu chuyện hành nghề luật của luật sư Nguyễn Mạnh Tường khi làm “thầy cãi” cho các thân chủ của mình từ người cao nhất từng giữ ngôi vị hoàng đế đến những công dân thấp cổ bé họng trong kháng chiến".
Đây là phần giúp người đọc biết được rõ hơn thực tế tác nghiệp nghề luật sư của Nguyễn Mạnh Tường qua nhiều vụ án lớn nhỏ khác nhau. Ở mỗi vụ án, khả năng biện luận, kiến thức nghề luật của vị luật sư này được thể hiện rõ nét, không phân biệt thân chủ sang hèn, cấp bậc, quan trọng là, bảo vệ thân chủ theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật. Những vụ xét xử cố vấn Vĩnh Thụy, vụ án cứu người phụ nữ làng Sêu thoát án tử... là một số minh chứng được đề cập trong tác phẩm này.
GS.TS, luật sư Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997) là trí thức Việt Nam nổi tiếng. Sau khi tốt nghiệp tú tài triết học trường Albert Sarraut năm 1925, Nguyễn Mạnh Tường sang Pháp học Đại học Montpellier. Từ 1928 đến 1931, chàng trai họ Nguyễn đỗ Cao đẳng Văn chương, cử nhân Văn học cổ Hy Lạp, cử nhân Luật khoa, Cao đẳng ngôn ngữ và văn tự cổ. Năm 1932, Nguyễn Mạnh Tường bảo vệ xuất sắc hai luận án tiến sĩ với đề tài "Cá nhân trong xã hội cổ nước Nam, tổng luận Luật nhà Lê" (luận án tiến sĩ quốc gia Luật khoa); "Luận về giá trị diễn kịch và kịch của Alfred de Musset" kèm bản luận án phụ "Nước Nam trong văn học Pháp của Jules Boissière" (luận án tiến sĩ quốc gia Văn chương).
Về nước, Nguyễn Mạnh Tường nghiên cứu văn học, luật học các nước châu Âu, dạy trường Bưởi, trường Cao đẳng Công chính Đông Dương, Đại học Đông Dương. Cách mạng tháng 8 thành công, ông tham gia Ủy ban kiến thiết, Ủy ban vận động tiến tới Đại hội Văn hóa toàn quốc; giảng dạy tại Đại học Quốc gia Việt Nam. Là thành viên của đoàn đại biểu Việt Nam tại hội nghị Đà Lạt năm 1946.
Trong sự nghiệp sư phạm về sau, ông dạy trường Dự bị Đại học Liên khu IV, trường Sư phạm Cao cấp Liên khu IV, hiệu trưởng Đại học Luật khoa Đông Dương, Phó giám đốc Đại học Sư phạm Văn khoa, tức Đại học Sư phạm Hà Nội. Hoạt động của ông còn được biết đến là thành viên đoàn đại biểu Chính phủ dự hội nghị bảo vệ Hòa bình châu Á - Thái Bình Dương (1952), Trưởng đoàn Việt Nam dự hội nghị Luật gia Dân chủ thế giới (1956)...