Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vị Linh mục 'chân đất' và bức tranh tôn giáo xứ Đàng Ngoài

Một trong những thử thách lớn nhất đối với những nhà truyền giáo phương Tây như Adriano di Santa Thecla chính là tiếp cận và hiểu về đời sống tinh thần của cư dân bản địa.

Thế kỷ 18 có thể được coi là một trong những giai đoạn sôi động trong lịch sử của các quốc gia trong khu vực Viễn Đông, đặc biệt là Trung Hoa và Việt Nam, khi loạt những biến đổi lớn lao đã lớn diễn ra trong cụ diện chính trị - xã hội khu vực này, trên phương diện văn hóa và niềm tin tâm linh.

Song hành với quá trình kết nối của con đường giao thương giữa châu Âu và các quốc gia phương Đông khởi đầu từ khoảng thế kỷ 16, các nhà truyền giáo Ki-tô cũng bắt đầu dấn thấn vào một công cuộc “gieo rắc Phúc âm” đầy gian lao ở vùng đất mới với sự xa lạ và vô vàn hiểm nguy chờ đón.

Riêng với Việt Nam, đây cũng là một trong những khúc quanh định mệnh và đầy nghiệt ngã của lịch sử. Sự đối đầu giữa hai thế lực Trịnh – Nguyễn đã gây nên tình trạng chia cắt đất nước thành hai phần lãnh thổ Đàng Ngoài và Đàng Trong kéo dài gần 2 thế kỷ. Tình trạng này cũng dẫn đến sự khác biệt trên nhiều phương diện giữa hai phần lãnh thổ, đặc biệt là trong đời sống tinh thần.

Sự phức tạp đó được coi là một trong những thách thức rất lớn đối với các nhà truyền giáo phương Tây trong quá trình thâm nhập và hành đạo tại Viễn Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Bắt buộc họ phải có những hiểu biết sâu sắc về tổ chức xã hội và đặc thù về văn hóa của các dân tộc trong khu vực này. Từ đó, dẫn đến việc cho ra đời hàng loạt ghi chép và nghiên cứu của họ trên những phương diện nêu trên.

Là một trong số các giáo sĩ thuộc Dòng Augustine Chân đất tham gia vào công cuộc truyền đạo tại Việt nam vào thế kỷ 18, Adriano di Santa Thecla đã có gần 30 năm lưu trú trong vai trò của một Linh mục tại giáo phận Đông Đàng Ngoài.

Trong thời gian này, ông đã dành thời gian tìm tòi, khám phá và thực hiện công trình nghiên cứu vô cùng đặc sắc về đời sống tín ngưỡng và tôn giáo của người Việt ở Đàng Ngoài trong tương quan với Trung Hoa bằng tiếng La tinh với tên gọi Opusculum de Sectis apud Sinenses et Tunkinenses tức Luận về các phái của người Trung Hoa và Đàng Ngoài.

Đây cũng là thời điểm chấm dứt của một sự kiện khá đặc biệt được biết đến dưới tên gọi cuộc tranh cãi về nghi lễ. Cuộc tranh cãi này xoay quanh sự đối nghịch trong quan điểm giữa các nhà truyền giáo trong vấn đề tiếp cận với nền văn hóa và đức tin bản địa với phần thắng thế thuộc về những người chủ trương không chấp nhận sự nhân nhượng với các phong tục địa phương và đặt chúng vào thế đối nghịch trong quá trình truyền bá đức tin Ki-tô ở phương Đông.

Diễn biến này, có thể nói, đã gây nên những tác động nhất định đến Adriano di St. Thecla trong việc biểu đạt quan điểm và cách tiếp cận đối với những vấn đề được ông đưa ra trong công trình của mình.

Về tổng thể, những nghiên cứu và phân tích trong Luận về các phái của người Trung Hoa và Đàng Ngoài xoay quanh 3 tôn giáo lớn của người Việt lúc bấy giờ là Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo. Ngoài ra, Adriano di St. Thecla còn đề cập đến một số khía cạnh khác của tín ngưỡng Việt Nam như tục thờ các thần linh bản địa, tổ tiên,… cũng như bước đầu thâm nhập của Ki-tô giáo vào Việt Nam.

Luan ve cac phai cua nguoi Trung Hoa va Dang Ngoai anh 1
Sách Luận về các phái của người Trung Hoa và Đàng Ngoài.

Đây có thể được coi như một phác thảo hết sức công phu của vị Linh mục Dòng Augustine Chân đất này dựa trên những khảo sát thực tế trong quá trình thâm nhập một cách sâu sắc vào trong nội tại xã hội Đàng Ngoài đương thời.

Bên cạnh đó, ông còn xây dựng những luận cứ của mình dựa trên việc tiếp cận các ghi chép của những nhà truyền giáo đi trước cũng như các sách vở được lưu truyền trong dân chúng thuộc nhiều truyền thống và tín ngưỡng bản địa khác nhau.

Tuy nhiên, trong công trình của mình, ngoại trừ đạo Ki-tô được ông nhắc tới với vị trí là một tôn giáo, Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo vốn cắm rễ sâu trong đời sống tinh thần của người Việt lại chỉ được Adriano di St. Thecla xem như những giáo phái có sự tương quan mật thiết hoặc tiếp nhận ảnh hưởng sâu đậm về nguồn gốc cũng như phương thức thực hành nghi lễ với Trung Hoa.

Đồng thời, như đã đề cập, diễn biến của cuộc tranh cãi về nghi lễ đã tác động và tạo ra cho Adriano di St. Thecla những cái nhìn rất đặc biệt về các “phái” được nhắc tới ở công trình của mình, trong đó có việc so sánh và đưa ra quan điểm rằng việc thực hành nghi lễ và đức tin ở Đàng Ngoài và Trung Hoa như một bản sao tệ hại của những nghi lễ trong Kinh Thánh.

Những luận cứ này cùng với việc lý giải ban đầu cho việc sùng bái tượng thần phát xuất từ sự biến mất của “lòng yêu chân lý và sự trung thực” theo truyền thống Ki-tô của Adriano di St. Thecla có thể được coi như một sự biện minh cho chủ trương thỏa hiệp và thích nghi với phong tục và đức tin bản địa của ông trước các phán quyết của Tòa thánh.

Một điều thú vị khác trong Luận về các phái của người Trung Hoa và Đàng Ngoài đó là việc lần đầu tiên, Lễ tế Kỳ đạo của chúa Trịnh được Adriano di St. Thecla đề cập, miêu tả một cách chi tiết và cụ thể. Cho đến nay, lễ tế này hầu như chưa bao giờ được đề cập trong các tài liệu hoặc các công trình nghiên cứu về Việt Nam giai đoạn này.

Luan ve cac phai cua nguoi Trung Hoa va Dang Ngoai anh 2
Một đám rước ở Đàng Ngoài vào thế kỷ XVII. Ký họa của Jean - Baptiste Tavernier .

Dù đưa ra những phác họa khá phong phú và cụ thể về các nghi lễ và tôn giáo bản địa, tuy vậy, tác giả vẫn vấp phải những sai sót về thông tin nhất định. Đặc biệt trong phần viết về Phật giáo, việc chỉ dựa trên hai cuốn Tâm Đăng và Bí Chi là những sáng tạo chưa rõ nguồn gốc, Adriano di St. Thecla đã đưa ra những thông tin sai lệch về sự hình thành và bản chất ban đầu của tôn giáo này.

Mặt khác, quá trình dịch thuật và hiệu đính tiếng Việt của công trình này đã mắc phải sai sót trong việc phiên dịch các danh xưng mang đặc thù Công giáo. Cụ thể trong đó là việc nhầm lẫn giữa danh xưng Cha và Đức cha của Adriano di St. Thecla hay phiên dịch ra tiếng Việt một danh xưng không xuất hiện trong thực tế như Tổng Giáo trưởng.

Tuy nhiên, nếu vượt qua những hạn chế, sai sót nêu trên, Luận về các phái của Trung Hoa và Đàng Ngoài có thể được xem là một công trình nghiên cứu thú vị về bức tranh đa sắc của tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt thế kỷ XVIII. Đồng thời, thông qua những chi tiết và dữ kiện liên quan đến nó, chúng ta cũng có thêm hình dung đa chiều về quá trình thâm nhập đầy chông gai và trắc trở của Công giáo vào nước ta thời bấy giờ.

'Chân Lạp phong thổ ký': Xưa nhưng chưa bao giờ cũ

Thông qua tác phẩm này, Chu Đạt Quan đã phác họa nên bức tranh đầy màu sắc về “phong thổ, quốc sự” của vương quốc Chân Lạp trong quá khứ.


Cường Nguyễn

Bạn có thể quan tâm