Để làm sáng tỏ yếu tố giúp giảm tỷ lệ tử vong ở nhiều nước châu Á như Nhật Bản và một số quốc gia Bắc Âu, các nhà khoa học thuộc Đại học Nagoya (Nhật Bản), đã phân tích dữ liệu về vi sinh vật đường ruột ở 953 người, đến từ 10 quốc gia.
Kết quả cho thấy vi khuẩn Collinsella biến đổi axit mật ở ruột non thành axit ursodeoxycholic - có khả năng ngăn chặn sự liên kết của virus corona với thụ thể tế bào, theo Japan Times.
Loại axit này cũng có thể ức chế phản ứng miễn dịch gây chết người ở bệnh nhân mắc Covid-19, được gọi là “bão cytokine”.
Kết quả được công bố trên tạp chí y học và khoa học Plos One của Mỹ vào cuối tháng 11/2021, sau khi trải qua một cuộc kiểm duyệt.
Tỷ lệ tử vong do Covid-19 thấp ở Nhật Bản có thể là do số lượng vi khuẩn đường ruột cao. Ảnh: Japan Times. |
Các nhà khoa học đã phân tích 30 loại vi khuẩn đường ruột và phát hiện ra rằng hàm lượng vi khuẩn Collinsella là yếu tố có tính tương quan cao nhất. Người có số lượng vi khuẩn Collinsella càng ít thì tỷ lệ tử vong do Covid-19 càng cao.
Sau đó, nhóm nghiên cứu phân loại dữ liệu thành năm hệ sinh thái vi khuẩn đường ruột và so sánh với tỷ lệ tử vong ở 10 quốc gia. Họ nhận thấy mức độ nhiễm vi khuẩn Collinsella có tương quan nghịch với tỷ lệ tử vong.
Những nơi có tỷ lệ tử vong do Covid-19 thấp, chẳng hạn Hàn Quốc, Nhật Bản và Phần Lan, vi khuẩn đường ruột Collinsella có hàm lượng cao nhất, chiếm 34-61%. Trong khi đó, ở Bỉ, Anh, Italy và Mỹ - nơi có tỷ lệ tử vong cao - hàm lượng vi khuẩn Collinsella thấp nhất, khoảng 4-18%.
“Tôi không nói rằng chỉ cần vi khuẩn đường ruột là có thể chữa khỏi Covid-19”, Masaaki Hirayama, phó giáo sư Trường Y khoa, Đại học Nagoya và là trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
“Mục đích của nghiên cứu này là để xem liệu chúng ta có thể tạo ra bước đột phá trong điều trị hay không, nếu tìm thấy ít nhất một yếu tố đằng sau tỷ lệ tử vong thấp ở một số quốc gia”, ông nói.