Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vị hoàng đế từng 'độc chiếm' một màu sắc cho riêng mình

Người La Mã đã khiến màu tía trở thành một biểu tượng cho địa vị. Julius Caesar từng ra sắc lệnh cấm mọi người mặc màu này ngoại trừ ông.

Trong cuộc sống, màu sắc không đơn giản chỉ để trang trí, làm đẹp, nó còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa, công năng khác. Cuốn Ứng dụng màu sắc thay đổi cuộc sống (Karen Haller) sẽ giúp độc giả hiểu được phần nào các sử dụng sức mạnh của màu sắc để thúc đẩy sự tự tin và thể hiện bản thân nhiều hơn.

Được sự đồng ý của Thái Hà Books, Zing trích đăng một phần nội dung cuốn sách.

Ý nghĩa màu sắc phụ thuộc vào địa lý

Màu sắc là cách chúng ta nhận biết một nơi chốn. Đi xuyên qua những khu chợ trên thế giới và bạn sẽ biết mình đang ở đâu nhờ những thúng gia vị rực rỡ đủ sắc màu hoặc thảo mộc tươi rói, những giỏ trái cây và rau tươi, những xô nước xốt, những tấm vải, thảm lớn, thảm nhỏ và đồ nội trợ, cũng như nhờ lớp gạch, đá địa phương và những màu sắc của các lớp sơn ở nơi đó.

Màu sắc có thể mang những ý nghĩa khác nhau tùy thuộc vào việc bạn đang ở đâu trên thế giới.

Nếu bạn hỏi, “Màu đỏ tượng trưng cho điều gì?”, câu trả lời sẽ tùy thuộc vào việc bạn đang ở nước nào. Một màu có thể mang một ý nghĩa ở quốc gia này và lại có ý nghĩa hoàn toàn đối lập ở quốc gia khác.

mau sac anh 1

Màu sắc mang những ý nghĩa khác nhau khi ở những địa phương khác nhau. Ảnh: EconomyHandicrafts.

Ví dụ như màu trắng là biểu tượng cho sự tinh khôi ở phương Tây và theo truyền thống, các cô dâu mặc đồ trắng để thể hiện sự trinh bạch của họ.

Mặt khác thì ở một vài quốc gia châu Á khác, màu trắng đại diện cho cái chết, sự đau buồn, thương tiếc, và theo truyền thống, đồ trắng thường được mặc trong các đám tang.

Tính biểu tượng của màu sắc trên thế giới

Trắng

Ở Ấn Độ, màu trắng được mặc tại những đám tang. Ở phương Tây, màu trắng là biểu tượng của sự trong trắng, trinh bạch, lòng tốt và hòa bình. Ở Trung Quốc, đây là màu đại diện cho cái chết và sự tiếc thương.

Đen

Màu của sự tiếc thương và mất mát ở phương Tây, nhưng theo truyền thống thì cô dâu ở Tây Ban Nha lại mặc áo choàng và đội khăn voan màu đen để thể hiện sự tận tụy với chồng cho tới khi qua đời. Ở châu Phi, màu đen là biểu tượng của kinh nghiệm và trí tuệ.

Ở Nhật, đây là màu của sự huyền bí và bóng tối. Nó biểu thị cho thứ không tồn tại. Màu đen cũng đại diện cho sự giận dữ. Ở Ấn Độ, những đứa trẻ mới sinh được bôi lên mặt một chấm đen để tránh con mắt quỷ.

Đỏ

Ở Nam Phi, màu đỏ tượng trưng cho sự đổ máu của thời kỳ Apartheid và được xem như màu của sự đau buồn. Ở phương Tây, màu đỏ đồng nghĩa với đam mê và dục vọng, vậy nên chúng ta nhìn thấy rất nhiều thiệp, hoa và món quà màu đỏ được bán vào dịp lễ Thánh Valentine.

Ở Trung Quốc, màu đỏ tượng trưng cho trường thọ và may mắn, thành đạt và tài lộc, và đây là màu truyền thống được các cô dâu mặc trong lễ cưới. Màu đỏ cũng là màu Tết Âm lịch, khi mọi người cho tiền vào bao lì xì đỏ như một món quà.

Màu đỏ là màu của sự trong trắng và tình yêu ở Ấn Độ; khi phụ nữ kết hôn họ sẽ nhuộm đỏ một phần tóc.

Xanh lục

Ở Mỹ, xanh lục là màu của tiền. Đây cũng là màu của tự nhiên và tượng trưng cho môi trường. Ở phương Đông, xanh lục có thể tượng trưng cho khả năng sinh sản và những khởi đầu mới.

Nó cũng có thể biểu thị cho sự bội tín. Ở Trung Quốc, đội mũ màu xanh lục thể hiện hàm ý vợ bạn đã không chung thủy. Ở Anh, đây là màu của sự ghen tị; khái niệm ghen “xanh mắt” lần đầu tiên xuất hiện là trong vở kịch Lái buôn thành Venice của Shakespeare.

Còn ở Ireland, đây là màu của may mắn. Xanh lục là màu ưa thích của nhà tiên tri Muhammad và cũng là màu của thiên đường. Ở Nam Mỹ, xanh lục là màu của cái chết.

Xanh lam

Ở Nhật Bản, màu xanh lam thể hiện sự trung thành. Đây cũng là một trong các màu may mắn. Ở phương Tây, màu xanh lam (blue) gắn với nỗi buồn và cảm giác chán nản, do đó mới có cụm từ “feeling blue” có nghĩa là cảm thấy buồn.

Nhưng màu xanh lam của thần Krishna trong Hindu giáo lại tượng trưng cho tình yêu và niềm vui thiêng liêng.

Vàng

Ở Ai Cập, đây là màu của sự đau buồn và tiếc thương bởi nó gắn kết chặt chẽ với kim loại vàng, thứ tượng trưng cho cuộc sống vĩnh hằng.

Ở Nhật Bản, vàng là màu của sự phụ bạc nhưng cũng là màu của sự can đảm. Ở châu Âu, đây là màu của sự hèn nhát, yếu đuối và phản bội. Đặc biệt ở Đức và Pháp, vàng là màu của sự ghen tuông.

Cam

Ở Mỹ, cam là màu của bí ngô và là biểu tượng cho Halloween. Ở Ấn Độ, nó là một màu linh thiêng. Đối với tín đồ Phật giáo, cam là màu của tâm linh và an bình. Ở Nhật, nó là màu của văn minh và tri thức.

Tía

Đây là màu thể hiện sự thương tiếc của những góa phụ người Thái Lan và biểu thị sự đau buồn. Ở phương Tây, tía là màu của hoàng gia. Màu tía đầu tiên được làm từ niêm dịch của loài sên biển.

Mất tới 12.000 con sên để sản xuất ra được 1 gram màu. Người La Mã đã khiến màu tía trở thành một biểu tượng cho địa vị. Julius Caesar từng ra sắc lệnh cấm mọi người mặc màu này ngoại trừ ông.

mau sac anh 2

Julius Caesar từng độc chiếm màu tía. Ảnh: TheVintageNews.

Nữ hoàng Elizabeth I đã mặc màu tía trong buổi tiệc đăng cơ năm 1559 và khi bà qua đời năm 1603, quan tài của bà được phủ lớp vải nhung tía.

Nâu

Ở phương Tây, nâu là màu của đất và tượng trưng cho sự tráng kiện, màu mỡ và tự nhiên. Ở Ấn Độ, nâu là một trong nhiều màu thể hiện sự tiếc thương.

Ở Nhật Bản, nó có thể biểu thị cho sức mạnh và sự bền bỉ.

Xám

Ở Phương Tây, màu xám gắn với tuổi già, sự trì trệ và buồn chán. Nó có thể tượng trưng cho sự thiếu hụt về mặt cảm xúc.

Nó là màu của tro tàn và là biểu tượng cho sự phục sinh trong Cơ Đốc giáo. Những giấc mơ thường được mô tả bằng màu xám, và màu này có thể tượng trưng cho tiềm thức.

Làm sao để 'đắc nhân tâm' nơi công sở?

Trải qua quá trình xin việc gian nan, dù vào được công ty mong muốn nhưng công việc không thuận lợi, mối quan hệ với đồng nghiệp không tốt, vậy phải làm sao?

Trích "Ứng dụng màu sắc thay đổi cuộc sống"

Bạn có thể quan tâm