Trở thành giám đốc CIA sau gần 30 năm hoạt động trong lĩnh vực ngoại giao, thi thoảng William Burns phải tự nhắc nhở bản thân về vai trò mới. Từ một người làm chính sách, ông trở thành người hỗ trợ và thực thi chính sách.
“Tôi phải nhắc các đồng nghiệp trong phòng họp tại Nhà Trắng đá vào chân mỗi khi tôi lạc đề”, ông tiết lộ, theo Financial Times.
Tuy vậy, dường như ông chưa thể dứt hẳn với vai trò cũ. Chỉ trong chưa đầy một năm cầm quyền, Tổng thống Joe Biden hai lần cử ông làm phái viên đến Afghanistan và Nga - nhiệm vụ có sự pha trộn giữa ngoại giao và tình báo. Một số chuyên gia nhận định đây là điều “chưa từng có” đối với một giám đốc CIA.
Những nhiệm vụ đặc biệt
Lần đầu tiên ông Burns được Tổng thống Biden cử đi là vào tháng 8. Điểm đến của ông là thủ đô Kabul, Afghanistan, với nhiệm vụ tạo thuận lợi cho quá trình rút quân Mỹ khỏi quốc gia Nam Á này trong bối cảnh Taliban đã đánh bại chính phủ được Mỹ ủng hộ.
Tháng 11 vừa qua, ông Burns lại được giao nhiệm vụ đến Moscow để chuyển thông điệp của Tổng thống Biden đến Tổng thống Nga Vladimir Putin về vấn đề Ukraine. Mỹ quan ngại Nga có thể tấn công quốc gia Đông Âu này vào năm 2022 khi Moscow đang tập trung khoảng 175.000 quân gần biên giới.
Giám đốc CIA William Burns hai lần được Tổng thống Joe Biden phái đi thực hiện nhiệm vụ ngoại giao tại Kabul và Moscow. Ảnh: CNN. |
“Việc gửi giám đốc CIA đi trao thông điệp bên ngoài kênh ngoại giao thông thường là truyền thống của Mỹ”, Thượng nghị sĩ Mark Warner, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, nói. “Tuy vậy, giám đốc Burns nâng tầm vai trò này lên đến mức độ mà tôi không chắc có ai trước và sau ông có thể đảm nhận”.
Trước khi trở thành giám đốc CIA, ông Burns từng là đại sứ tại Jordan và Nga, nơi ông xây dựng quan hệ cá nhân với Tổng thống Putin và một số quan chức cấp cao tại Moscow. Ông cũng từng là thứ trưởng Ngoại giao từ năm 2008 tới năm 2014, dưới thời Tổng thống Barack Obama.
Theo Thượng nghị sĩ Warner, ông Burns là một “tài sản độc đáo” đối với chính quyền của Tổng thống Biden. Ông Michael McFaul, cựu Đại sứ Mỹ tại Nga, coi ông Burns “có thể là nhà ngoại giao tốt nhất trong thời đại chúng ta”.
Tuy vậy, một số chuyên gia nhận thấy rủi ro trong việc cử ông Burns phụ trách một phần công việc đối ngoại.
Các cựu quan chức cấp cao nói đùa rằng chính quyền Mỹ hiện nay đang có quá nhiều ngoại trưởng bên cạnh ông Antony Blinken. Cựu Ngoại trưởng John Kerry đang đảm nhận cương vị đặc phái viên về khí hậu của ông Biden. Bà Susan Rice và bà Samantha Power, hai nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, cũng đang giữ các trọng trách trong chính quyền.
Bản thân ông Biden cũng từng nhận xét ông Burn là “một nhà ngoại giao rất hiệu quả”. “Tôi biết ông Burns là đại sứ, nhưng tôi coi ông ấy như ngoại trưởng”, ông Biden từng nói năm 2017.
“Tin tốt cho chính quyền Biden là ông Burns và Ngoại trưởng Blinken đã làm việc với nhau từ lâu. Sẽ không có sự kình địch giữa hai nhân vật này”, ông McFaul nói. “Tuy vậy, về mặt hệ thống, điều này khá lạ. Theo tôi việc cử ông Burns đến Nga là điều hay, nhưng điều này không tốt cho Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) về lâu dài”.
Ông Burns (bên phải) từng là đại sứ Mỹ tại Moscow nhiệm kỳ 2005-2008. Ảnh: Financial Times. |
Chính quyền Biden coi hai chuyến đi của ông Burns như các “nhiệm vụ độc lập”, không được truyền thông rầm rộ và có lý do đặc biệt. “Các chuyến đi này có cả yếu tố ngoại giao và tình báo”, một quan chức cấp cao cho biết. “Mọi người đều được tham vấn”.
Việc quan chức CIA làm nhiệm vụ ngoại giao không phải là mới. Năm 2001, ông George Tenet, giám đốc CIA lúc bấy giờ, làm trung gian cho thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Palestine.
Một quan chức Mỹ cho biết việc để ông Blinken gặp các nhà lãnh đạo Taliban được coi là “không phù hợp”, vì điều này có thể đem lại tính chính danh cho lực lượng trên. Bên cạnh đó, chuyến đi Nga của ông Burns chỉ được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố sau khi Moscow làm vậy.
Người này cũng cho biết thêm ông Burns và ông Blinken “rất quý mến nhau”. Ông Burns còn đến Bộ Ngoại giao để tham vấn ý kiến, điều một giám đốc CIA không thường làm.
Vị giám đốc “hoàn hảo”
Ông Burns đang là người lãnh đạo quá trình “chuyển đổi” của CIA nhằm thích ứng với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, CIA được giao thêm nhiệm vụ thực hiện các chiến dịch chống khủng bố bí mật. Tuy vậy, giờ đây, tổ chức này cần “quay trở lại nhiệm vụ cốt lõi là tình báo, không phải tiến hành các cuộc chiến tranh bí mật”, ông McFaul nói. Theo ông, giám đốc William Burns là người “hoàn hảo” với nhiệm vụ này.
Trong thời gian qua, các hoạt động nhằm vào Trung Quốc được CIA ưu tiên. Một số nhóm làm việc liên cơ quan đã được thiết lập. Chuyên gia công nghệ, những người biết tiếng Trung hoặc chuyên gia ở các nước mà Trung Quốc có ảnh hưởng lớn được ưu tiên tuyển mộ.
CIA đang "chuyển mình" để đối phó tốt hơn với các thách thức từ Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Tuy vậy, ông Burns vẫn dành sự chú ý tới vấn đề chống khủng bố. Ông muốn tích hợp vấn đề này vào định hướng mới về Trung Quốc, đặc biệt ở những nơi liên quan tới cả hai lĩnh vực như châu Phi.
“Khi chú ý đến Trung Quốc và các thách thức khác, chúng tôi tiếp tục đối phó với các mối quan ngại khủng bố”, một quan chức CIA cho biết.
Bên cạnh đó, ông Burns cũng ưu tiên đến việc bảo vệ nhân viên dưới quyền. Ngay khi nhậm chức, ông đến gặp những nạn nhân của “hội chứng Havana” - căn bệnh bí ẩn ảnh hưởng đến một số nhân viên CIA, theo tuyên bố của Mỹ. Ông Burns cũng bổ nhiệm một quan chức cấp cao làm người đứng đầu đội điều tra.
Tuy vậy, ông cũng phải đối mặt với không ít chỉ trích, đặc biệt khi chính phủ Afghanistan sụp đổ quá nhanh chóng dưới tay Taliban tháng 8 vừa qua. Bản thân ông cũng thừa nhận diễn biến “nhanh hơn tất cả chúng tôi dự đoán”.
“Đã có sự thay đổi đáng kể từ khi ông Burns nắm quyền”, ông Marc Polymeropoulos, một cựu nhân viên CIA từng tham gia hoạt động bí mật, nói. “Tôi nghĩ ông ấy hiểu cách lãnh đạo”.