Cụ Phùng Như Cương sinh ngày mùng 06 tháng 10 năm 1900 tại Hải Phòng. Năm 1930, cụ lên Hà Nội, lúc đầu thuê nhà ở số 35 phố Đường Thành, cạnh rạp chiếu bóng Olympia để mở cửa hàng sơn Thăng Long.
Phùng Như Cương (1900-1970). Nguồn: Ảnh in trong sách. |
Nhà này có hai tầng, tầng trệt là cửa hàng bán sơn Valentin - Ripolin nhập từ Pháp về và các loại dầu sơn. Tầng trên có hai buồng ngủ. Phía đằng sau có một khoảng sân, cụ cho xây một nơi nấu dầu sơn nhưng sau vì diện tích quá chật nên công việc kinh doanh không mở mang được.
Năm 1932, cụ mua nhà và đất của một cha đạo ở số 26 cùng phố (nay là nhà số 26 phố Đường Thành). Khu đất này rộng, có ba mặt phố nên cụ cho phá đi và xây cửa hàng lớn theo kiểu hiện đại. Tầng trên quét sơn xanh, có biển “Hiệu sơn Thăng Long”, có cửa sổ tròn to lắp hình con tắc kè nên đặt thêm tên Pháp là “Peinture Gecko”.
Tầng dưới có cửa hàng bán sơn với năm cửa kính rộng 3 m bày bán các hộp sơn quảng cáo, tường ngoài quét sơn màu xanh thẫm làm nổi bật cửa hàng. Trong cửa hàng có ba bàn giấy với bốn nhân viên nam, một nhân viên nữ và một quầy thanh toán. Đằng sau có xưởng đóng hộp sơn lớn hơn cửa hàng cũ, rộng nên để được nhiều máy móc tối tân để sản xuất sơn; có khu vườn, bếp, nhà tắm, khu vệ sinh cho mười người làm công; có cổng to vừa đủ để xe tải có thể vào chở sơn mang đi giao nhận.
Năm 1935, chỗ làm sơn ở 26 Đường Thành không đủ diện tích để khai thác, mở mang sản xuất lớn hơn nữa nên cụ đặt mua 3.500 m2 đất ở phố Miribel (Trần Nhân Tông), đoạn giao nhau với đường Mandarine (nay là một đoạn phố Lê Duẩn) để xây dựng xưởng sản xuất sơn.
Cụ đã nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo ra dầu trẩu (huile abrasin) và từ đó tạo ra sơn OBELAC (viết tắt của chữ Oh! La Belle Laque).
Chất lượng sơn của cụ không kém gì so với sơn của Pháp nên đã được bán trên toàn Đông Dương. Xưởng sơn có một người phụ trách, một người quản lý, hai mươi thợ nấu dầu, làm sơn, đóng hộp, một tài xế lái xe tải chuyên giao sơn và dụng cụ quét sơn. Sau đó, do công việc phát triển, cụ đã mở thêm hai đại lý bán sơn nữa tại phố Huế (Hà Nội) và tại Sài Gòn.
Cùng với công việc kinh doanh, cụ đã được bầu vào Hội đồng thành phố Hà Nội (nhiệm kỳ 1935-1937), hoạt động trong bốn ban do Hội đồng phân công: Ban phụ trách các công trình xây dựng; Ban phụ trách các phiên đấu thầu; Ban phụ trách các công việc khác nhau và Ban giám sát các nhà cầm đồ ở Hà Nội.
Hiệu sơn Thăng Long của cụ Phùng Như Cương ở số 35 Đường Thành. Nguồn: Ảnh in trong sách. |
Trong nhiệm kỳ của mình, cụ đã nhiều lần trình bày trước Hội đồng những nguyện vọng có lợi cho dân, nhất là những người thuộc tầng lớp nghèo.
[…]
Năm 1943, cụ xây nhà hộ sinh cho làng Đồng Xá (nay là làng Nôm, thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) là quê ngoại của cụ, và trả lương tháng cho một bà đỡ, người đến sinh con không phải trả tiền. Cụ còn xuất tiền tu sửa ngôi trường cho trẻ em trong làng, ngày nay ngôi trường này vẫn còn như một minh chứng cho tấm lòng của cụ.
Năm 1945, sau ngày đảo chính Pháp 09/3, Nhật chiếm Đông Dương. Nhật đòi kiểm tra nhà máy sơn Peinture Gecko, dọa nạt cụ vì muốn chiếm đoạt công thức pha chế dầu hạt trẩu của cụ nhưng cụ cương quyết không cho vào nhà máy và không cung cấp công thức.
Cuối năm 1945, dưới danh nghĩa quân Đồng minh vào giải giáp vũ khí của quân đội Nhật, quân Tưởng tràn vào Việt Nam mang theo bệnh chấy rận, làm cho ngón tay của người bệnh bị sưng to, mưng mủ, người sốt cao rồi chết. Cụ khuyến khích và tài trợ cho một người bạn thân làm Giám đốc Viện Dược ở Hà Nội nghiên cứu, chế biến ra thuốc trừ bệnh này.
Cụ gửi con trai cả là ông Phùng Như Hùng vào Bệnh viện Phủ Doãn, nơi một người bạn thân khác cùng trong Hội đồng thành phố là bác sĩ Trần Văn Lai làm Giám đốc để học tiêm thuốc trừ bệnh chấy rận. Ông Phùng Như Hùng tiêm thuốc và đã cứu sống được một số người mắc bệnh, nhất là những người làm tại xưởng sơn của cụ. Sau đó ông Hùng còn về một số làng ở Thường Tín (Hà Tây cũ) để tiêm trừ bệnh chấy rận và hướng dẫn cho bà con ở thôn quê cách phòng, chống bệnh này.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, cụ Phùng Như Cương có vinh dự được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc đó đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cụ đã cộng tác với Chính phủ trong việc tổ chức “Tuần lễ Vàng”, bản thân gia đình cụ cũng hiến một khối lượng vàng cho Chính phủ. Hiện nay gia đình cụ vẫn giữ được tấm ảnh chụp cụ bà Đỗ Thị Phúc lên hiến vàng ở Nhà hát Lớn.
Bằng những kinh nghiệm thu được trong thời gian làm việc tại một nhà băng của Pháp, cụ đã tư vấn và hợp tác với Chính phủ trong việc thành lập Việt Nam Công thương ngân hàng, trong đó cụ là hội viên Hội đồng Quản trị và là cổ đông chính với cổ phần là 6 vạn đồng Đông Dương.
Ngoài ra, cụ còn có cổ phần 10.000 đồng ở Ngũ cốc công ty, 10.000 đồng ở Hưng Việt công ty… cụ còn là Phó hội trưởng Hội Việt Nam chấn hưng kinh tế do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch làm Hội trưởng (hiện nay gia đình còn giữ được Giấy ủy quyền do Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng ký, ủy quyền cho cụ tiến hành việc điều tra kinh tế của hậu phương).
Năm 1946, cụ đã tham gia các cuộc họp của dân phố khu I gồm Đường Thành, Hàng Da, Ngõ Trạm, Hàng Điếu… đóng góp nhiều tiền để tự vệ mua khí giới của Trung Quốc, Nhật, Pháp chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Con trai cả của cụ là ông Phùng Như Hùng được bầu làm Đại đội trưởng Đội Tự vệ thành, đóng quân tại nhà Tam điểm của Pháp (gần Ga Hà Nội ngày nay).
Ngày 19 tháng 12 năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cụ đưa gia đình tản cư về ấp Rùa (Thường Tín) nhưng con trai cả của cụ vẫn ở lại tiếp tục chỉ huy Đội Tự vệ thành, tham gia kháng chiến.
Cụ tiếp tục hoạt động trong Hội Việt Nam chấn hưng kinh tế cho đến năm 1950 thì nghỉ vì bị ốm nặng, gia đình đã đưa cụ sang Pháp để chữa bệnh.
Cụ Phùng Như Cương mất ngày 19 tháng 9 năm 1970 tức ngày 20 tháng 8 năm Canh Tuất tại Paris, thọ 70 tuổi.
-----------------------
* Tên bài viết trong sách Phùng Như Cương với hiệu sơn Thăng Long. Bài viết dựa trên tài liệu của gia đình cụ Phùng Như Cương cung cấp, có đối chiếu và sử dụng thông tin trong Bulletin municipal de Hanoi 1935-1937.