Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vị dịu ngọt của một vùng đất và men say tình người

Không hẹn mà gặp, hai tác phẩm "Mật nắng biên thùy" và "Trong sương thương má" vừa ra mắt đều viết về vùng đất, con người bình dị, mộc mạc miền Tây Nam Bộ.

Nếu trong Mật nắng biên thùy (Nghiêm Quốc Thành) là những núi những trăng, thức quà ngon ngâm ngấm vị quê hương... làm nên con chữ và trang văn đẹp vùng biên giới Tây Nam đất nước, thì Trong sương thương má (Trương Chí Hùng) lại ăm ắp, thiết tha một tình cảm đối với ba má, thầy cô, kể về những ngày thơ rong ruổi để bạn đọc cũng cảm giác như đang theo bước chân tác giả trở về miền quê hương xứ sở.

Trong lời đề tựa Mật nắng biên thùy, nhà văn Võ Diệu Thanh viết: “Một An Giang rất An Giang nhưng lại lạ lẫm mà ngay cả người từng tìm hiểu về vùng đất này cũng phải ngỡ ngàng như xứ nào xa lắm. Bởi thấm trong nắng gió biên thùy là mấy mươi năm Nghiêm Quốc Thanh sống, rất sống, sống nhiều hơn nữa. Bức tranh biên cương đầy khói lửa chợt bừng lên sức sống hồn nhiên như bất chấp những năm tháng nhọc nhằn”.

Hai cuon sach moi ve An Giang anh 1
Hai cuốn sách mới ăm ắp tình cảm về miền Tây Nam Bộ. 

Tản văn Mật nắng biên thùy được viết lên bằng những chắt chiu từng trải nghiệm đối với quê hương của tác giả. Anh đã thở cùng một nhịp thở, lắng nghe từng tiếng lòng của vùng đất mẹ An Giang để có thể hiểu và yêu An Giang đến như vậy. Qua hai phần Trông về phía núiNhững người ở lại của tập tản văn dễ thấy quê hương máu thịt nồng nàn giữa hương đất và tình người.

Dù viết trong tâm thế là người ở ngưỡng trưởng thành hoài niệm về những ký ức tuổi thơ, nhưng những trang văn của tác giả ngầm như lời mời gọi bạn đọc hãy một lần ghé An Giang để thăm thú và thưởng thức vùng đất sông núi hữu tình. Tác giả như người dẫn đường cần mẫn, nhiệt thành, từng chút dẫn bạn đọc đi qua những cảnh sắc An Giang, từ sông đến núi, từ ngày mùa vàng rực rỡ đến tháng nước về.

Hai cuon sach moi ve An Giang anh 2
Vẻ đẹp bình dị mà say lòng của An Giang. Ảnh: Ngô Trung Dũng.

Đọc Trong sương thương má, độc giả dường như đã quên đi cái nghèo khó của vùng đất, để thấy nổi bật lên sự giàu có ở nơi có mùa nào lại vui thức ấy.

Giàu khi mùa mưa nước đục ngầu, bọn con nít rủ nhau xuống rạch tắm, móc đất sình chia phe chọi lộn. Và khi mùa khô về, sông núi quê hương lại một lần cho lũ trẻ thỏa sức chạy trên những cánh đồng xơ xác gốc rạ, bắt dế, nhấp ếch, bẻ cà na...

Hai tác giả thuộc thế hệ nửa đầu 8X. Họ bước qua năm 18 tuổi chừng hơn 15 năm. 15 năm nhìn lại, trong những tháng ngày mệt mỏi của cuộc đời, họ đều chọn cách nhớ về những khoảnh khắc hạnh phúc từng có, lại thấy mình đủ can đảm để sống. Và họ chọn chất liệu ngôn ngữ, chất liệu viết như một lời cảm ơn đến những điều tử tế đã có trong đời. Mật nắng biên thùyTrong sương thương má là lời cảm ơn tốt đẹp nhất.

“Bước chân ký ức đưa tôi đi mãi, thành những dòng chữ này, rồi thành những trang sách này. Để khi khép lại rồi, tâm hồn tôi như nắng đâu đó còn vương trên đỉnh đồi phía ấy Thất Sơn”. Từng tản văn nhỏ Phía núi ngời ngời, Nằm nghe con nước lớn, Bên mâm cơm mẹ chờ... là lời cảm ơn chân thành của tác giả đến cuộc sống, đến những điều tốt đẹp và con người đã gắn bó máu thịt với anh. Đất An Giang sống động và cảm xúc vì thế đã được vẽ ra trước mắt bạn đọc qua Mật nắng biên thùy.

Hai cuon sach moi ve An Giang anh 3
Từ trái qua, tác giả Trương Chí Hùng, tác giả Nghiêm Quốc Thành. 

Đối với tác giả Trương Chí Hùng, sau những trang văn trải lòng cùng bạn đọc về ký ức một thời, tận sâu thăm thẳm, vẫn phảng phất một nỗi buồn, chới với và ân hận của tác giả mà bạn đọc không khó để nhận ra.

“Rất lâu sau này tôi mới biết, ba má không ngừng dõi theo từng bước chân tôi, từ cánh đồng đến mái trường, từ góc quê lên thành phố. Tiếc là, khi tôi đủ trưởng thành để nhận ra điều đó, ba má đã già yếu rồi, tôi thì mãi chạy theo những giấc mơ huyễn hoặc. Cho đến khi bông hồng trắng cài lên ngực vào một chiều quê mưa tầm tã...” - Trong sương thương má viết.

Ái Nhi

Bạn có thể quan tâm