Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Ví dầu cao tốc miền Tây, xây đi xây lại xây hoài không xong'

Chất vấn Bộ trưởng GTVT, ông Nguyễn Văn Giàu yêu cầu giải thích về khả năng hoàn thành dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khi chỉ còn 16 tháng để thông xe theo đúng tiến độ.

Trong phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/8, ít nhất 3 đại biểu đã gửi chất vấn đến Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể về các công việc của ngành, khiến ông trở thành Bộ trưởng nhận được nhiều chất vấn nhất trong phiên làm việc buổi sáng.

Trung Lương - Mỹ Thuận phải thông xe sau 16 tháng

Về dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đại biểu Nguyễn Văn Giàu (Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại) dẫn câu thơ khiến ông đau lòng, mất ngủ: "Ví dầu cao tốc miền Tây, xây đi xây lại xây hoài không xong".

Thực tế, tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận đã thi công suốt 10 năm vẫn chưa xong 30%. Chỉ còn 16 tháng để các đơn vị đưa dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thông xe theo đúng tiến độ, ông Giàu yêu cầu lãnh đạo Bộ GTVT giải thích rõ về khả năng hoàn thành dự án.

Bo truong GTVT tra loi chat van anh 1
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu. Ảnh: Minh Quân.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết vừa qua Chính phủ đã có quyết định sẽ bổ sung 2.186 tỷ để hỗ trợ cho nhà đầu tư, và cho nhà đầu tư điều chỉnh lại dự án.

Hiện, việc điều chỉnh dự án đã được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt. UBND tỉnh Tiền Giang là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã điều chỉnh phụ lục hợp đồng để đưa vào các điều khoản liên quan đến trách nhiệm của nhà đầu tư.

"Như vậy, về trách nhiệm của Nhà nước, với 2.186 tỷ, chúng ta đã hỗ trợ phương án tài chính khả thi. Về phía nhà đầu tư, họ đã bỏ vào khoảng 3.000 tỷ. Vốn còn lại là của các cơ quan tín dụng. Vừa qua, Chính phủ đã họp và giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng hỗ trợ khoảng 6.000 tỷ đồng cho dự án Trung Lương - Mỹ Thuận", ông Thể thông tin.

Bo truong GTVT tra loi chat van anh 2
Bộ trưởng GTVT cho biết cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ là một trong những trục đường quan trọng nhất đồng bằng sông Cửu Long. Chính phủ đã triển khai dự án này cách đây 10 năm, nhưng đến nay tiến độ vẫn chậm. Ảnh: Quỳnh Danh.

Theo ông Thể, với sự chỉ đạo chung của Thủ tướng, các tổ chức tín dụng hiện nay đã phối kết hợp để bổ sung vốn cho dự án. Nếu được khoản vốn tín dụng này, với 2.186 tỷ của nhà nước cùng với 3.000 tỷ của nhà đầu tư bỏ ra, đến cuối 2020 sẽ cơ bản thông xe từ Trung Lương đến Mỹ Thuận và sẽ hoàn thành đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Thu phí không dừng phải xong trong 2019

Đại biểu Nguyễn Văn Giàu tiếp tục chất vấn về việc Bộ GTVT quyết tâm đến 31/12 hoàn thành phổ cập thu phí không dừng tại tất cả các trạm BOT nhưng đến nay mới triển khai được 26%. Bộ giải thích khả năng hoàn thành mục tiêu này như thế nào.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc Hội đã có nghị quyết đẩy nhanh tiến độ việc này.

Bên cạnh đó, theo quyết định của Thủ tướng năm 2017, đến 31/12 năm nay, toàn bộ các trạm thu phí trên toàn quốc phải làm thu phí tự động không dừng. Cách đây một tháng, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo Bộ GTVT và các nhà đầu tư thực hiện công việc.

Bo truong GTVT tra loi chat van anh 3
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Minh Quân.

Về tiến độ, ông Thể cho biết Bộ GTVT đã thực hiện trong 2 năm qua và đến nay đã có 2 nhà đầu tư cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng. Hàng tháng, Bộ đều họp giao ban nhắc nhở các chủ đầu tư.

"Đây là trách nhiệm của chủ đầu tư BOT. Tư vấn đã có sẵn, việc còn lại tùy thuộc sự sẵn sàng của chủ đầu tư trong việc thực hiện, phối hợp. Nếu nhà đầu tư phối hợp tốt, tiến độ thực triển khai sẽ nhanh chóng", Bộ trưởng GTVT nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đơn vị khiến Bộ GTVT quan ngại nhất là Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) với 100% vốn Nhà nước trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước.

Tổng công ty này có 226 làn thu phí tự động không dừng nhưng tiến độ hiện nay chậm. Bộ dùng giải pháp gửi văn bản báo cáo thẳng đến Thủ tướng và lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước để báo cáo tình hình. Nếu không cải thiện, trách nhiệm hoàn toàn của nhà đầu tư.

"Đến 31/12, sẽ tạm dừng thu phí toàn bộ các trạm phu thí nếu không thu phí tự động không dừng. Bộ kiểm tra tiến độ hàng tháng để nhà đầu tư không bất ngờ. Nhà đầu tư chây ì thì phải chấp nhận”, Bộ trưởng GTVT cương quyết.

Trước khẳng định của tư lệnh ngành GTVT về việc cho dừng thu phí các trạm chây ì triển khai thu phí không dừng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng cần phải lường trước trường hợp các doanh nghiệp không chấp hành. Không thu rồi tiếp tục thu là vấn đề rất lớn.

Bên cạnh đó, việc thu phí không dừng có thể gây xáo trộn xã hội nên cần phải được phổ cập trong dân.

Sớm xây tuyến tránh Long Xuyên để "giải cứu" BOT

Với tuyến tránh Long Xuyên, Bộ trưởng Thể thông tin dự án này đáng ra đã triển khai cách đây nhiều năm nhưng hiện có nhiều thủ tục chưa hoàn chỉnh.

Bo truong GTVT tra loi chat van anh 4
Tuyến tránh TP Long Xuyên được xác định là giải pháp cần kíp để giải quyết bất cập tại trạm thu phí T2. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Vừa qua, Bộ đã bàn giao mốc giải phóng mặt bằng cho địa phương và chính quyền địa phương đang làm các thủ tục, chuẩn bị chi tiền. Về nguồn vốn, dự án này đã được Quốc hội thống nhất bổ sung vào danh sách 8 dự án sử dụng vốn ODA.

“Hiện Chủ tịch nước cũng đã ký hiệp định đồng ý bổ sung dự án này. Chỉ còn khâu cuối cùng là Bộ Tài chính làm việc để hoàn thành hiệp định. Năm 2020 triển khai, thi công trong 2 năm, cố gắng 2022 có thể hoàn thành được tuyến tránh Long Xuyên”, ông Thể thông tin.

Về dự án này, lãnh đạo Sở GTVT An Giang từng chia sẻ thời hạn hoàn thành ban đầu dự kiến là năm 2020. Tuy nhiên, khối lượng thi công rất lớn (gồm 19 cầu lớn nhỏ và 36 cống) và tình trạng thiếu vốn khiến mốc này bị dời đến năm 2023.

Lắng nghe ý kiến của Bộ trưởng GTVT, đại biểu Nguyễn Văn Giàu cho rằng Nhà nước phải chung tay giải quyết cho địa phương nguồn vốn 500 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, đảm bảo mặt bằng sạch trước khi tính tới chuyện ký hiệp định vay vốn.

Dân Tiền Giang 10 năm mòn mỏi chờ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận Thi công chậm chạp, sau 10 năm khởi công, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nhiều đoạn vẫn là bãi đất hoang. Tiến độ toàn tuyến mới đạt 25%.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn là đường đất sau 10 năm khởi công

Khởi công năm 2009 và dự kiến hoàn thành vào 2013 nhưng đến nay cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn dang dở, khối lượng thi công mới đạt khoảng 25%.

Ngọc Tân - Việt Đức

Bạn có thể quan tâm