Đồ thị giá ca cao ở Mỹ kể từ ngày Valentine 2014 trông lởm chởm, rách rưới như một trái tim tan vỡ. Đặc biệt, vào cuối tháng 9/2014, giá tăng rất mạnh rồi sau đó giảm dần. Rõ ràng, nỗi lo sợ trước đợt bùng phát hai dịch bệnh nguy hiểm Ebola đã chuyển hóa vào giá ca cao, bên cạnh nhu cầu chocolate cũng yếu đi.
Trước khi dán nhãn M&M’s, ca cao phải đi từ các nông trại trồng ở miền nhiệt đới, đi qua cảng, đóng vào container rồi mới đến các nhà máy chế biến.
Ca cao đòi hỏi khí hậu nhiệt đới và có bóng râm, có nghĩa là trang trại ca cao sẽ không thể giống như cánh đồng lúa mì hay vườn cam. Cây ca cao được trồng dưới tán của cây cao hơn. Do đó, các trang trại trông giống như cánh rừng nhiệt đới. Trung bình, một trang trại ca cao rộng khoảng 4 ha, tương đương 8 sân bóng. Trong khi trung bình, một trang trại bình thường ở Mỹ phủ trên diện tích khoảng 95 ha.
Dù các trang trại ca cao có lợi nhuận tương đối khá, nhưng biến đổi khí hậu có thể làm thay đổi điều này, khi mà các cây ca cao không “học” được cách chống chịu với khô hạn. Nếu chúng “học thành tài”, thì cũng rất nguy hại. Bởi để chống chịu với khô hạn, cây cối thường tự làm thui chột đi nhiều bộ phận để giảm sự mất nước, như xương rồng không có lá, lá thành gai hay cực bé chẳng hạn. Do đó, trong điều kiện khô hạn, hạt ca cao có thể bé lại và làm giảm năng suất của các trang trại.
Ngược lại với mức thu nhập khá của các trang trại trong báo cáo, mức lương của nông dân thu hoạch ca cao lại rất thấp, dưới cả chuẩn nghèo của WB là 1,25 USD/ngày. Vài năm trước, nhiếp ảnh gia người Đức Jochen Weber đến một trang trại ca cao ở Brazil chụp ảnh. Ông đã mua một ít chocolate hạt dẻ Nutella làm quà tặng cho những người nông dân ông gặp. Tất cả đều coi nó là món quà sang trọng đắt giá. Thậm chí, một số người còn chưa từng được nhìn thấy. Weber hồi tưởng lại: “Làm sao có thể làm ở trang trại ca cao mà lại không biết về Nutella chứ!”.
Hầu hết ca cao thế giới tiêu dùng được trồng ở các nước đang phát triển và tiêu thụ chủ yếu ở các nước phát triển. Bốn quốc gia trồng ca cao hàng đầu thế giới là Bờ Biển Ngà, Nigeria, Ghana và Indonesia thuộc nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp. Trong khi đó, 10 quốc gia tiêu thụ chocolate hàng đầu thuộc nhóm giàu nhất, trong đó 9 nước nằm ở châu Âu.
Sau khi thu hoạch xong, thương lái sẽ thu mua hạt ca cao, phân loại và vận chuyển đến các thành phố cảng. Từ đây, các doanh nghiệp toàn cầu mới bắt đầu "thọc tay" vào. Thương lái bán hạt ca cao cho các công ty vận chuyển quốc tế như Cargill hay ADM đến những thành phố cảng lớn của thế giới như Philadelphia (Hoa Kỳ) và Rotterdam (Hà Lan). Hạt ca cao còn cả hành trình dài nữa mới thành chocolate. Nhưng về cơ bản, từ đây, chúng mới chính thức đặt chân vào thị trường toàn cầu.
Thông thường các tay buôn toàn cầu sẽ can thiệp vào thị trường ca cao thông qua hợp đồng tương lai (future contract), cho phép người mua có thể mua với mức giá thấp nhất có thể. Bởi hợp đồng tương lai là hợp đồng trao đổi tài sản cụ thể có chất lượng và khối lượng chuẩn hóa, với giá thỏa thuận hôm nay (gọi là giá tương lai - futures price - hay giá xuất phát) nhưng lại giao hàng vào một thời điểm cụ thể trong tương lai (ngày giao hàng). Nếu giá ca cao năm sau tăng, bên mua sẽ có lợi khi né được “lạm phát”, thậm chí có thể bán lại để ăn chênh giá. Nhưng nếu giá giảm, thì cái giá phải trả cũng đắt tương ứng.
Các tay buôn này có thể làm việc cho các nhà sản xuất thực phẩm, tay buôn hàng nông nghiệp hay các quỹ đầu tư, quỹ phòng hộ. Jonathan Parkman - người làm việc cho trung tâm kinh doanh nông sản Marex Spectron ở London - cho biết: Thế giới ca cao là tập hợp của ba nhóm lợi ích có mối quan tâm khác nhau đến giá. “Nhà trồng muốn giá cao ổn định. Các tay làm chocolate muốn giá thấp ổn định. Những kẻ đầu tư chỉ cần thị trường có quy luật, còn giá theo hướng nào thì mặc kệ”.
Nói cách khác, nông dân muốn bán được hàng với giá cao. Công ty muốn mua với giá thấp. Các thương lái trung gian chẳng quan tâm đến bên nào thắng bên nào thua, miễn là có thể “làm tiền” ở giữa.
Như mọi thương lái trong lĩnh vực khác, các tay buôn ca cao sẽ giành chiến thắng khi biết về xu hướng thị trường sớm hơn đối thủ. Theo Emile Mehmet, đến từ Công ty Nghiên cứu Informa, hàng thập kỷ trước, các nhà sản xuất lớn như Mars đã biết gửi đại diện đi… học nghề nông, quan sát vỏ ca cao để tiên lượng trước sản lượng. Ngày nay, chiến thuật này đã trở nên phổ biến đến mức chỉ mang lại lợi thế vô cùng nhỏ bé. Nhưng chắc chắn họ còn nhiều công cụ khác để nắm bắt thông tin, chỉ là chưa được công khai ra thôi.
Nhìn chung, giá ca cao khá ổn định nếu so với ngô hay lúa mì, đồng thời khu vực trồng cũng hạn hẹp hơn. Do đó, yếu tố tác động lên giá chủ yếu thuộc về địa phương. Chẳng hạn: Gió nóng hạn hàng năm ở Tây Phi có thể gây ra mưa bụi, ngăn chặn vỏ ca cao phát triển. Một thương nhân nắm được đặc điểm địa lý, khí hậu địa phương sẽ biết cần thực hiện môt hợp đồng tương lai ca cao, giúp cho họ không phải lo đến giá ca cao ngày mai sẽ tăng lên khi sản lượng giảm.
Biến đổi khí hậu cũng sẽ gây ra tác động tương tự, nhưng có thể theo một cách khác. Những nơi trồng ca cao hiện giờ có thể không trồng được nữa. Những nơi vốn không thích hợp giờ lại trở thành mảnh đất màu mỡ cho ca cao. Một sự thực nghiệt ngã trong kinh tế: Tin tức xấu cũng có thể kiếm được tiền, chỉ có những người không thể thoát khỏi cái xấu đó mới khốn khổ (thường thì cũng là những người nghèo nhất và không có điều kiện “di cư”).
Giờ hãy xem xét tác động của Ebola. Tháng 9/2014, dịch bệnh đã lan rộng ở Liberia và Sierra Leone. Các thương nhân cũng theo dõi chặt chẽ tin tức này. Nếu Ebola lan đến khu vực sản xuất ca cao, thì có thể phá rối thị trường lao động và làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Đồ thị nhọn hoắt vào khoảng thời gian này cũng bởi làn sóng làm hợp đồng tương lai trước để ngăn ngừa rủi ro, đẩy giá tăng vọt, các trung gian ăn lời. Nhưng khi có thông tin rõ ràng Ebola không ảnh hưởng đến Bờ Biển Nga, giá đã nhanh chóng đi xuống.
Hợp đồng tương lai giữ cho giá ca cao không tăng lên trong danh nghĩa hay giá thành sản xuất chocolate được giữ ở mức ổn định. Vì vậy, bất kỳ nhà sản xuất chocolate nào cũng có danh sách dài các thương lái. Nhưng đôi khi họ cũng bị thương lái “chơi” nếu như họ “đánh hơi” được cách kiếm tiền hời hơn. Họ có thể đưa ra các “Gia Cát Dự” ba hoa về tương lai ảm đạm, để khuyến khích làm hợp đồng hôm nay, dù thực chất trong tương lai chẳng tồi tệ đến thế.
Cố nhiên, để lừa được các đại gia không phải dễ. Nhưng dù bên nào lừa bên nào, thì bao giờ người xếp vào hàng “bị lừa” và thiệt hại nhất là nông dân, những người cùi cũi thu hoạch ca cao mà chưa từng biết đến hương vị chocolate như thế nào. Toàn cầu hóa nghiệt ngã là vậy, nhưng người tiêu dùng vẫn bàng quan, vì họ vẫn có chocolate để ăn.