Theo Wall Street Journal, nhiều doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc xác định đại dịch Covid-19 sẽ khiến quá trình "phân ly kinh tế" Mỹ - Trung Quốc diễn ra nhanh hơn khi các chuỗi cung ứng tê liệt, quan hệ giữa hai quốc gia thêm căng thẳng.
Hồi tháng 10 năm ngoái, 66% trên tổng số 25 doanh nghiệp lớn của Mỹ cho rằng hiện tượng phân ly kinh tế không thể xảy ra. Đến tháng 3, tỷ lệ này giảm còn 44%, theo cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc và Phòng Thương mại Mỹ ở Thượng Hải.
Cũng theo cuộc khảo sát này, hơn 25% doanh nghiệp Mỹ bắt đầu lên kế hoạch tìm nguồn cung ứng vật liệu từ các khu vực khác nhau bên ngoài Trung Quốc sau đại dịch. Khoảng 16% cho biết sẽ chuyển một phần hoặc toàn bộ hệ thống sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Trong khi đó, 40% công ty khẳng định sẽ giữ nguyên chuỗi cung ứng, một số nói rằng quá sớm để quyết định có nên thay đổi chiến lược cung ứng dài hạn hay không.
Dịch Covid-19 là lời cảnh tỉnh đối với các công ty đa quốc gia về việc phụ thuộc vào một nguồn cung. Ảnh: Getty Images. |
Dịch Covid-19 khởi phát từ thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) đã khiến hàng chục nghìn nhà máy Trung Quốc đóng cửa, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp đa quốc gia hoạt động tại nước này.
"Dịch virus đã nâng cao nhận thức về việc đa dạng hóa (nguồn cung) ra bên ngoài Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro", Wall Street Journal dẫn lời ông Ker Gibbs, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Thượng Hải, nhận định.
Ngay cả trước khi dịch virus bùng phát, một số công ty đã lo ngại về việc phụ thuộc vào nguồn cung Trung Quốc trong khi chi phí lao động tại đất nước 1,4 tỷ dân tăng cao và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang.
Hồi cuối tháng 1, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tuyên bố dịch bệnh ở Trung Quốc sẽ giúp Mỹ tăng thêm việc làm. Trong khi đó, Nhật Bản cho biết sẽ trợ cấp để khuyến khích các công ty nước này đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tránh phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc.
"Cú sốc từ đại dịch virus corona buộc các công ty toàn cầu phải xem xét lại cách quản lý rủi ro chuỗi cung ứng", ông Gibbs bình luận.